Một đại gia đình toàn “cọp”

22/03/2022 - 05:30

PNO - Không ít người xung quanh tôi hay bàn tính chuyện làm sao để tránh sinh con năm Dần, tránh cưới dâu, rể tuổi Dần cho… bớt rủi ro. Tôi nghe vừa chạnh lòng, vừa tự hào, bởi nhà tôi toàn “cọp”.

 

“Bầy cọp” nhà Nghiêm: hai vợ chồng chị, con gái (cô dâu) và cháu ngoại
“Bầy cọp” nhà Nghiêm: hai vợ chồng chị, con gái (cô dâu) và cháu ngoại

 

Má cấm “hai cọp” cưới nhau

Lúc tôi học cấp I, người lớn trong xóm hay xoa đầu tôi chép miệng: “Tội con nhỏ, mặt mũi sáng láng mà tuổi cọp. Mai mốt lớn khó lấy chồng cho coi”.

Còn bạn cùng lứa thì luôn chọc tôi “dữ như cọp”. 

Tôi vào tuổi cặp kê, nhiều cô, dì trong xóm nói “thấy con nhỏ dễ thương, muốn làm mai cho nó mối này được lắm, nhưng nó tuổi cọp nên không dám”. Khi tôi đến nhà bạn bè chơi hay thăm họ hàng, sau lời khen tôi dễ thương thường đến màn hỏi tuổi để mai mối. Nhưng nghe tôi nói “tuổi cọp” mọi người chuyển qua đề tài khác. 

Đến năm 26 tuổi, tôi lên xe hoa với Dũng, anh cũng tuổi Dần (Nhâm Dần 1962 - con cọp giống tôi). Khi má tôi đi xem tuổi, thầy phán: “Hai con cọp cưới nhau sẽ bất sang tuyệt mạng. Và tôi phải chôn chồng sớm và phải hai lần đò”. Thầy còn khẳng định: nếu tôi và chồng cưới nhau thì ba ngày sau “má chồng tôi sẽ lên bàn thờ”.

Thông tin này khiến má tôi dao động dữ dội. Tôi vẫn khăng khăng “con chỉ ưng anh Dũng thôi”. Má tôi mắng: “Bao người tuổi đẹp, nhà giàu con không lấy, mà nhè con cọp, nhà lại nghèo mà lấy vậy con?”. 

Má tôi nhất quyết không gả, họ hàng tôi cũng bàn ra vì tương lai quá ảm đạm, xám xịt. May sao ba tôi lên tiếng:  “Con nó ưng đâu gả đó. Cọp gì, nghèo giàu gì, mà con gái mình cũng tuổi cọp đó. Tụi nó thương nhau thì mới mần ăn khấm khá được, không thương nhau, thì tuổi đẹp cỡ nào cũng tan, cũng nghèo”. 

Má tôi không dám cãi ba, lại đi tìm bà thầy nhờ tháo gỡ. Cuối cùng bà thầy phán rằng, muốn tránh “bất sang tuyệt mạng” của vợ chồng tôi, tôi phải về nhà chồng bằng cửa sau. Tôi khóc như mưa. Thời đó cô dâu đi vòng cửa sau là “có bầu trước”, “rước bốn mắt về nhà xui ngóc đầu không nổi”... Má tôi lại vin vào đây để không chịu gả tôi. Má chồng tôi nghe chuyện, nên đánh tiếng với nhà tôi: “Tôi sẽ rước dâu cửa trước, chớ con dâu đi cửa sau mang tiếng suốt đời, tội nó. Tôi không sợ lên bàn thờ ngồi đâu”. Hóa ra, má chồng tôi thông thoáng như vậy vì bà cũng từng là nạn nhân của nạn mê tín và định kiến với tuổi cọp. 

Ba má chồng “đôi cọp” tuyệt vời

Ba má chồng tôi cùng tuổi Mậu Dần (SN 1938) và cuộc hôn nhân của hai người do hai người cha đặt để, vì làm ruộng gần nhau nên thấy hai bên đều có “trai tài - gái sắc”. Tuy nhiên, họ hàng bên ba chồng tôi không chịu vì sợ ông bị “cọp vật”.  Nhiều người còn chỉ ra đặc điểm: má chồng tôi gò má cao, lại tuổi cọp nên “không sát phu, thì cũng nắm đầu chồng”. Nghe vậy, bà nội chồng tôi phát hoảng, nhất định không chấp nhận con dâu tuổi cọp. Nhiều người còn nửa đùa nửa thật nói với ông bà nội chồng tôi: “Ông bà người tên Vãn, người tên Hát, cưới con dâu tuổi cọp này về coi chừng vãn hát thiệt à”.

Nghe vậy bà nội tôi càng hoang mang, nhưng ông nội quyết cưới cho con trai vì thấy gia đình nhà gái tử tế, má chồng tôi lại đẹp người, đẹp nết và rất giỏi giang, trong nhà ngoài ruộng đều cáng đáng.

Vậy là đám cưới diễn ra năm 1959, trong sự vui mừng của ông nội chồng tôi và nỗi âu lo của bà nội.  Cô dâu chú rể hồi hộp. Má chồng tôi bước đi mà mặt cứ cúi xuống, ráng nhớ lời dặn dò của má ruột: “Con về nhà chồng phải kính trên nhường dưới, nhường nhịn hết thảy nhà chồng, để người ta không xỉa xói tuổi cọp này nọ nghen con”. 

Má chồng tôi làm dâu trong sự xét nét, dè chừng của má chồng, họ hàng. Họ nhìn má chồng tôi theo kiểu chờ xem những điều xui xẻo, tai ương từ con dâu tuổi Dần giáng xuống. Má kể, mỗi lần trong gia đình có ai bị bệnh, là má lo đến không ngủ, má sợ chuyện không hay xảy ra và mọi thứ sẽ được quy về con dâu tuổi cọp. Gần đến mùa lúa, má chồng tôi lại thắc thỏm, sợ lúa không trúng mùa thì tiếng xấu cũng về con dâu tuổi cọp.

Vì vậy, má chồng nói không muốn tôi phải trải qua những ngày sống trong sợ hãi như má. Vậy là tôi “lọt” vào hang cọp, nhưng hoàn toàn không có ai “giương nanh”, khó chịu với tôi. Cô em chồng “út cọp” (sinh năm 1974 - Giáp Dần), quấn quýt theo chị Ba là tôi cả ngày. Còn ba má chồng lúc nào cũng quan tâm tới tôi và tôi không thấy chút dữ dằn nào trong giao tiếp của ông bà. 

Khi ra ruộng, ba chồng tôi thét ra lửa, nhưng với má chồng tôi, ông luôn dịu dàng. Những khi má bị bệnh, ông đi giăng lưới lựa con lóc ngon, tự tay nấu cháo và đút cho vợ từng muỗng. Những dự báo của họ hàng “cọp vồ, sát phu, nắm đầu chồng” của má chồng tôi đều không diễn ra. Má chồng tôi là “cô cọp” rất hiền, lúc nào cũng nhẹ nhàng, ân cần với chồng con và các cháu. 

Tờ mờ sáng, ba dắt bò đi cày ruộng, còn má làm cỏ đê kế bên. Mỗi lần bò đi cày ngang chỗ má, ba hỏi “mệt không bà ơi?”. Còn má nhìn lưng ba ướt đẫm mồ hôi, kêu “dừng lại uống nước chút đi ba con Bế (má xưng hô theo tên con gái đầu). Rồi ba dừng bò lại, ra bờ đê ngồi bên cạnh má. Hai người vừa uống nước, vừa rù rì trò chuyện. Yêu thương, nhường nhịn và cần cù, ba má chồng tôi đã tạo dựng được gần 100 công đất tại xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Đến tuổi ngoài 70, hằng tuần ba vẫn chở má trên chiếc xe Chaly chạy thăm ruộng từ nhà ở huyện Chợ Mới đến huyện Thoại Sơn (An Giang). 

Tuổi con cọp, chứ không phải… con cọp

Ngày về nhà chồng tôi nghe tiếng ho, hắt hơi của má, tôi sợ cái dự báo “ba ngày má chồng lên bàn thờ ngồi”, tôi bị ám ảnh tuổi cọp của mình sẽ “vật” má chồng.  Ba ngày trôi qua êm đềm, tôi chưa hết mừng lại lo lời phán của thầy bói “vợ chồng tôi bất sang tuyệt mạng”, rồi “điền sản tiêu tan” (cô em chồng kể, khi má chồng đi xem tuổi cưới tôi, thầy bói nói cưới tôi về thì điền sản của ba má chồng tiêu tan, nhưng ba má chồng giấu tôi). Mỗi lần tới mùa thu hoạch lúa, tôi muốn đau tim, sợ lúa thất mùa thì bao lời đàm tiếu của hàng xóm sẽ đổ lên đầu tôi. 

Nhưng, ba má chồng tôi là nông dân giỏi, nên năm nào lúa cũng trúng mùa. Vợ chồng tôi sớm ra riêng, ba má chồng cho mười công đất, chúng tôi vừa làm ruộng, vừa mở quán cà phê có chiếu phim video. Thập niên 1980, đây là loại hình giải trí mới mẻ nên quán của tôi rất đông khách, đêm nào cũng không còn chỗ ngồi. Chỉ vài năm sau, vợ chồng tôi mua thêm 20 công ruộng nữa. Lo tảo tần làm ăn, vợ chồng tôi quên luôn lời phán của thầy bói, thoắt cái đã hơn 30 năm. 

Từ “đàn” cọp nhà mình, tôi nghiệm ra: vợ chồng hạnh phúc hay không, giàu có hay không, không phải do “tuổi” quyết định, mà do tính tình, lối sống nhường nhịn nhau và chí thú làm ăn. 

Rồi cô cọp út (em chồng) nhà tôi cũng có gia đình êm ấm và cuộc sống bình yên bên ba đứa con, nay đã lên chức bà ngoại. Con gái tôi (Bính Dần, SN 1986), lên xe hoa với một cậu trẻ hơn sáu tuổi, không có nghề nghiệp. Nhưng con gái vẫn theo tiếng gọi của tình yêu, rồi chia tay sau hơn một năm chung sống. Dù gia đình hai bên đã làm đủ cách vun đắp, nhưng tính trẻ con, ham chơi của chàng trai trẻ như con ngựa bất kham, không hợp với hôn nhân. Nhưng lạ thay không một ai - kể cả hàng xóm đổ thừa chuyện tan vỡ cho “tuổi cọp”. Hơn năm năm sau, con gái tôi lập gia đình mới, chồng là đầu bếp một nhà hàng. Vợ chồng con gái mở quán ăn, vợ chồng chí thú làm ăn, cuộc sống rất êm ấm. 

Từ “đàn” cọp nhà mình, tôi nghiệm ra: vợ chồng hạnh phúc hay không, giàu có hay không, không phải do “tuổi” quyết định, mà do tính tình, lối sống nhường nhịn nhau và chí thú làm ăn. 

Ba má chồng tôi, hai tuổi cọp được cho là “khắc” và đến với nhau sẽ “thân bại danh liệt”. Vậy mà, đến khi cách trở âm dương ở tuổi gần 80, ba má chồng tôi vẫn chưa một lần to tiếng với nhau. Những ngày cuối của bệnh ung thư đại tràng, ba chồng tôi trong cơn đau, vẫn cứ dặn đi dặn lại chị em tôi phải chăm sóc cho má, nhớ những món ăn má thích. Ông nhẹ nhàng ra đi trong vòng tay của người bạn đời, để lại bà nỗi xót xa “lạc bầy”. 

Năm tháng qua đi, dẫu cuộc sống đầy biến động, khó khăn, “bầy cọp” đại gia đình tôi vẫn luôn gắn bó bên nhau. Với chúng tôi, sự nhường nhịn, yêu thương và chăm chỉ lao động là chất liệu để tạo dựng một gia đình êm ấm. Cọp hay mèo, chuột, cũng chỉ là một trong những con giáp như một cái tên dùng để gọi mỗi người, đừng gán tuổi “cọp” với những cụm từ “cao số”, “sát phu”... mà oan cho chính chủ và cả “ông Ba mươi”. 

Giang Thùy

Ghi theo lời kể của chị Đặng Thị Nghiêm (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI