Cha tôi là thương binh

27/07/2021 - 09:26

PNO - Bạn bè trêu chọc bố cụt chân, các con của chú vẫn luôn tự hào về người bố đã cống hiến đời của mình cho đất nước, sống trọn với gia đình.

Ngày còn bé, mỗi lần đi học chị em chị Nga thường bị bạn bè trêu chọc vì có bố cụt chân. Thay vì khóc, họ lại tự hào: “Bố tớ vì đất nước và nhân dân mà hy sinh đấy”. Người bố trong niềm kiêu hãnh ấy là thương binh Trịnh Công Hoàn (ở Phố Neo, Nam Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Chú Hoàn là người cha, người ông lý tưởng trong mắt con cháu (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chú Hoàn là người cha, người ông lý tưởng trong mắt con cháu - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 21 tuổi, chàng trai Công Hoàn tự nguyện tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Năm 23 tuổi anh xuất ngũ về quê khi một phần cơ thể bỏ lại ở chiến trường. Với thương tật 81%, chàng trai khỏe mạnh đã thành thương binh hạng ¼.

Duyên số đã gắn kết anh với chị Đỗ Thị Thắng - cô thanh niên xung phong từng tham gia xây dựng cầu đường ở Sơn La. Sự đồng cảm đã gắn kết hai con người từng đi qua bom đạn, để họ nên duyên vợ chồng.

Tình vợ chồng của cô chú bắt nguồn từ tình cảm người lính (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tình vợ chồng của cô chú bắt nguồn từ tình cảm người lính - Ảnh: Nhân vật cung cấp

4 người con lần lượt ra đời trong khó khăn nhưng tràn ngập tình yêu thương. Trong tâm trí của người con gái thứ  “bố em luôn là người hoàn hảo”, chị Nga tâm sự.

Nhà đông con, cô Thắng tần tảo sớm hôm với gánh hàng bánh cuốn nóng. Còn chú Hoàn, dù đi lại khó khăn nhưng cũng dậy từ 2 -3 giờ sáng tráng bánh phụ vợ. Việc nhà từ cơm nước, giặt giũ, cho heo gà ăn chú đều xử lý ngăn nắp, gọn gàng.

Hiếm khi chị em Nga nghe bố mẹ to tiếng với nhau, nếu có thì người pha trò và làm lành trước là chú Hoàn. Vì chú luôn tâm niệm “Đàn ông là người dung hòa mọi thứ trong gia đình. Vợ con vui thì bản thân mình đã thấy vui rồi”.

Những việc hàng ngày của chú Hoàn (Ảnh nhân vật cung cấp)
Những việc hàng ngày của chú Hoàn - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sinh ra trong gia đình có 9 người con, dù thương tật nhưng chú Hoàn vẫn đảm nhận việc chăm sóc mẹ già bị tai biến nằm một chỗ. Nhìn cách chú bón từng muỗng cháo cho mẹ vừa sạch sẽ vừa gọn gàng, thay bỉm tã và vệ sinh cho mẹ già 90 tuổi một cách thường xuyên, bà con lối xóm không ai không cảm kích.

Chú Hoàn là tấm gương về lòng hiếu thảo để con cháu noi theo(Ảnh nhân vật cung cấp)
Chú Hoàn là tấm gương về lòng hiếu thảo để con cháu noi theo - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương trên cơ thể chú Hoàn lại ê nhức, nhưng chưa khi nào các con thấy chú kêu đau. Chú cứ thế lặng lẽ làm việc nhà, chăm mẹ, phụ vợ rồi sang trông cháu.

Sự trưởng thành của 4 chị em Nga đều mang bóng dáng của người bố thương binh khi ông hết đưa đứa này đến đứa khác ra Hà Nội, vào Sài Gòn đi thi đại học. Trong mỗi chuyến đi như thế, chú Hoàn luôn mua đủ đồ ăn nước uống ngon cho các con, trong khi bản thân lại chỉ “thích nhất cơm nắm với bánh mì”.

Hết nuôi con, giờ sang chăm cháu (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hết nuôi con, chú Hoàn lại chăm cháu - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình vì nghĩ mình thương tật, chú Hoàn luôn muốn làm mọi việc như một người bình thường. Cô Thắng đã nhiều lúc giận chồng vì việc gì chú cũng muốn tự tay làm. Từ dựng nhà vệ sinh đến sửa sân sau, sửa chữa đồ đạc trong nhà…, chú Hoàn đều tự làm. Chú cứ thế làm chậm rãi, mỗi ngày một chút rồi cuối cùng cũng xong. “Đời quân ngũ rèn cho mình sự chịu khó, không đầu hàng bất cứ chuyện gì”, chú Hoàn tươi cười bảo.

Nhắc về bố, Nga nhớ lại, có lần cả nhà được phen khiếp vía khi chú Hoàn đạp xe đạp đi mổ khối u một mình. Sợ vợ con lo, chú điện thoại về bảo đi thăm bạn, mọi người đừng chờ cơm. Giờ cứ nhìn vết mổ, mọi người vừa giận vừa thương, còn chú Hoàn thì cười xòa: “Nhằm nhò gì".

Chú Hoàn bên vợ con và cháu (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chú Hoàn bên vợ con và các cháu - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cần cù, kiên nhẫn, siêng năng và tiết kiệm, bản thân không dám ăn ngon mặc mới, nhưng hễ họ hàng, người quen có việc, chú Hoàn chẳng tiếc gì. Các con chú chỉ biết nói với nhau: “Hạnh phúc của bố chúng ta là được sống hết mình vì người khác”.

                                                        Lâm Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI