Tự tạo niềm vui

17/11/2015 - 15:27

PNO - Hầu hết các bé mầm non hay quấy khóc, không chịu đến trường, con gái duy nhất của tôi lại rất ham đi học vì ở lớp có nhiều bạn để chơi.

Những ngày nghỉ cuối tuần, cháu thường ủ rũ, lười ăn, than thở “buồn chán quá, chẳng có ai chơi, chẳng có gì vui”. Dù thời gian rảnh rỗi không nhiều, tôi vẫn tranh thủ chơi với con các trò như vẽ tranh, ghép hình, nấu ăn, trốn tìm... Bé tham gia rất nhiệt tình, hào hứng nhưng khi tôi bận việc, cháu liền bỏ đồ chơi rồi nằm ngủ hoặc xem ti vi, bấm điện thoại.

Vì thế, tôi thường đưa bé sang nhà bạn tôi để cháu chơi với con cô ấy, cùng bốn tuổi. Tôi quan sát thấy con của bạn rất có kỹ năng tự chơi một mình, không như cháu phải phụ thuộc vào sự hiện diện của người khác.

Không biết có phải vì thế mà cháu bé kia rất độc lập, luôn vui vẻ, cân bằng cảm xúc? Việc mỗi đứa trẻ có khả năng tự tạo niềm vui cho mình hay phải vay mượn từ người khác tùy thuộc vào tính cách từng bé hay cha mẹ có thể giúp đỡ, hướng dẫn con? Và nếu có thể thì bằng cách nào, thưa chuyên gia?

Ngọc Thắm (Q.10, TP.HCM)

Tu tao niem vui
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Chị Ngọc Thắm mến,

Việc mỗi đứa trẻ có khả năng tự tạo niềm vui cho mình hay phải phụ thuộc vào người khác một phần do tính cách của trẻ, một phần đến từ cách dạy con của cha mẹ.

Những trẻ có tính cách hướng ngoại sẽ thường vui thích hơn khi được giao tiếp, được chơi cùng người khác. Những cháu bé hướng nội thì thích chơi một mình hơn là ồn ào cùng các bạn.

Những biểu hiện của con gái chị cho thấy phần nào cháu bộc lộ tính cách hướng ngoại. Cháu thích đi học vì ở lớp có nhiều bạn để vui chơi, cháu vui khi có người chơi cùng, cháu buồn khi phải ở một mình.

Mỗi người chúng ta rất khác nhau, tính cách hướng nội hơn hay hướng ngoại hơn chỉ là một trong những khác biệt. Có người lúc hướng nội, lúc hướng ngoại. Cháu còn nhỏ, đang trong quá trình hình thành nhân cách nên tính cách của cháu sẽ còn được điều chỉnh theo thời gian bởi những mối quan hệ xã hội mà bé tương tác, với gia đình, nhà trường, với xã hội.

Tính cách nào cũng có ưu và khuyết khi gia nhập vào cuộc sống. Cháu nhà chị có thể dễ giao tiếp, hòa đồng với mọi người, nhanh nhẹn, hoạt bát, tự tin, nhưng khi cháu ở một mình, sẽ dễ buồn chán.

Chị quan sát con của người bạn, thấy trẻ biết tự chơi một mình độc lập, luôn vui vẻ, cân bằng cảm xúc. Biểu hiện này chưa đủ để kết luận có phải vì trẻ biết tự chơi một mình mà được như vậy.

Tính cách, cảm xúc của trẻ hình thành từ nhiều yếu tố tác động chứ không chỉ là chuyện chơi của bé. Nhưng chị đúng khi nhận thấy cháu cần biết tự chơi một mình để học sự độc lập, để biết tự tạo niềm vui cho bản thân mà không lệ thuộc vào bất cứ ai, bất cứ điều gì bên ngoài.

Vì thực sự “hạnh phúc tại tâm” (OSHO). Mỗi người chỉ có thể hạnh phúc khi chính biết tự tạo nên hạnh phúc từ con người bên trong mình.

Chị có thể dạy cháu biết tự tìm niềm vui, tự chơi một mình bằng nhiều cách:

- Hướng dẫn cháu cách chơi các trò vẽ tranh, tô màu, xếp hình và buông dần khi cháu đã biết chơi. Mẹ chỉ ngồi cạnh quan sát, cổ vũ, không cùng chơi.

Sau một thời gian cháu quen và thích trò chơi đó, mẹ có thể để cháu tự chơi trong phạm vi mẹ con có thể quan sát được nhau. Cháu có thể an tâm vì sự hiện diện của mẹ, và chị có thể giúp đỡ khi bé cần hay gặp khó khăn, cũng là để trông nom sự an toàn cho con.

- Chị có thể tập dần cho con thói quen đọc sách (ở tuổi của cháu thì xem truyện tranh). Cha mẹ nên cùng đọc sách với con mỗi ngày trước khi đi ngủ, cùng đưa con đi chọn sách hấp dẫn và hữu ích cho trẻ…

- Cha mẹ nên cân đối giữa chơi cùng và tự chơi một mình để trẻ được cân bằng và làm quen với nhiều cách chơi, nhiều trò chơi khác nhau.

Trẻ cần tương tác với cha mẹ, thầy cô, bạn bè để gắn bó cùng người khác, để học cách giao tiếp và các kiến thức, kỹ năng khác. Nhiều cha mẹ hiện nay do bận rộn nên đã cho trẻ tự chơi để làm việc riêng, điều này ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của bé.

Khi trẻ cảm nhận được đầy đủ tình thương yêu, trẻ sẽ dễ thích nghi, tự tin hơn với những hoàn cảnh khác nhau. Điều cha mẹ nên làm là hãy cho con một tổ ấm yêu thương.

Chuyên viên tham vấn Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI