Cuộc ngược dòng của người phụ nữ từng cạn đường sống vì HIV

29/06/2021 - 10:30

PNO - “Nói có vẻ khôi hài, nhưng thực sự là nếu không bị HIV, thì không bao giờ tôi được học những kiến thức bổ ích đó” - chị Th. cười nhẹ bẫng.

Chị Th. từng làm dâu trong một gia đình có chín người nhiễm HIV, rồi góa bụa khi mới 17 tuổi. Con cũng chết theo chồng, bố mẹ chồng hắt hủi, tưởng không còn lý do gì để sống, nhưng rồi nhìn những người đàn bà hiền lành trong hoàn cảnh tương tự, chị nghĩ mình phải làm một điều gì đó cho cộng đồng này. 

Bi kịch trong gia đình có chín người nhiễm HIV

Ngày đó, Tiên Lương một thời làm nhức nhối dư luận. Hầu hết các ông chồng nhiễm HIV từ những ngày đi làm than thổ phỉ ở Quảng Ninh, rồi “vô tư” lây cho vợ và các con.

16 tuổi, Nguyễn Thị Th. (SN 1983, xã Tiên Lương, H.Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) lấy chồng, 17 tuổi đã thành góa phụ. Anh chồng, chị dâu, em chồng, em rể và cháu trai, cháu gái của chị cũng chết đau đớn vì HIV.

Xóm nhỏ thời điểm đó có 15 người nhiễm HIV, riêng nhà ông X. (bố chồng chị Th.) có đến chín người. Chị kể:

“Trong một tháng, tôi vừa mất chồng, vừa nhận tin mình và đứa con đang mang trong bụng cũng nhiễm HIV. Con tôi sinh ra, mới hơn ba tuổi thì bệnh đã ở giai đoạn cuối, hầu như không cử động được, chân tay teo tóp lại. Cháu cũng không nói năng được. Hầu hết thời gian của cháu là để... ho”. 

Bấy giờ, mỗi ngày chị Th. ẵm con sang nhà ngoại gửi rồi mới ra đồng làm thuê kiếm sống. Tối đến, chị ôm con về nhà bố mẹ chồng, nhóm cỏ rả lên nấu một nồi cơm nhỏ rồi mẹ con dỗ nhau ăn.

Tấm hình duy nhất của chị Th. với cháu Ch. là do… nhà báo chụp.
Tấm hình duy nhất của chị Th. với cháu Ch. là do… nhà báo chụp.

Hoàn cảnh oan nghiệt khiến ông X. trở nên cay đắng với tất cả mọi người. Không ít lần, vợ chồng ông X. đuổi mẹ con chị Th. “đi cho khuất mắt”.

Nước mắt chảy dài trên gương mặt khắc khổ, giọng chị Th.  lạc đi: “Tôi chưa bao giờ quên được cái ngày con trai qua đời. Hôm ấy con đòi ăn kem, vì bệnh đã ở giai đoạn cuối nên lúc nào cháu cũng thấy “trong bụng nóng lắm”. Tôi mua hai que kem, cháu đòi ăn hết nhưng tôi không cho.

Thấy cháu mè nheo, bố chồng tôi càng “điên tiết”, rút dép tông vả liên tiếp vào mặt, vào người tôi. Tôi đau quá, con trai đang oặt ẹo trên tay tôi bỗng tuột xuống thềm nhà, rồi rơi xuống sân. Mẹ chồng tôi chạy ra, thấy con nằm thoi thóp, bà gào lên: “Thằng bé chết mất thôi!”. Ông X. gào còn to hơn vợ: “Tao cho chúng nó chết luôn một thể”.

Hàng xóm chạy sang mang cháu xuống trạm y tế xã, vừa đến nơi thì cháu tắt thở… Khi cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi, họ kết luận cháu bị gãy đốt sống. Họ cũng gọi ông X. lấy lời khai và tịch thu chiếc dép tông ông dùng để đánh tôi.

Xóm giềng bất bình, nói tôi phải làm cho ra lẽ cái chết của cháu. Nhưng nghĩ đến đứa con - lý do sống duy nhất của mình đã không còn - tôi không cần gì nữa. Tôi cho qua mọi chuyện, bởi dù sao bố chồng tôi cũng đáng thương hơn đáng trách”.

Chọn cách sống tử tế dù bị đẩy đến tận cùng

Chị Th. bảo, chị tiếp tục sống và cống hiến bắt đầu từ việc có nhiều tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước giúp đỡ.

Có những đợt, tiền giúp đỡ mẹ con chị Th. được gửi về địa phương, ông X. tranh phần đi nhận. Ông nói với chị: “Thằng con tao có bị HIV thì mày mới được người ta cho tiền. Con tao chết rồi thì tiền đó là của tao. Còn mày lấy phải thằng “ết” (AIDS) thì mày phải chịu”. 

Ngày đó chị Th. không bao giờ trốn nhà báo hay tránh chụp ảnh, chị nói: “Các nhà báo không cần che mặt tôi đâu, cả Tiên Lương này ai cũng biết tôi là con dâu ông X. - nhà có chín người “dính” HIV. Vả lại, nếu người ta nhìn vào hoàn cảnh của tôi trên báo, trên ti vi mà người ta biết sợ và tránh xa AIDS, thì tốt quá!”.

Khi mới 21 tuổi, chị Th. đã bị số phận dồn đến cùng cực để thấm thía lẽ đời, để biết san sẻ nhiều hơn với nỗi đau đồng loại. Đầu tiên, chị đến nhà anh Nguyễn Văn Kh., người cùng xã, cùng mắc HIV. Vợ và ba đứa con anh đều có nguy cơ nhiễm rất cao.

Nhưng khi bác sĩ vào lấy máu làm xét nghiệm thì con anh Kh. co chân đạp bay xi lanh, kim tiêm bật ra rồi bập vào tay bác sĩ. Bác sĩ phải đi điều trị phơi nhiễm khẩn cấp.

Anh Kh. còn tuyên bố: “Đứa nào nghi vợ con tao có HIV, đến xét nghiệm là tao chém chết”. Không một ai dám bước vào nhà anh Kh., trừ chị Th.

Chị nói: “Anh là hàng xóm, là bạn của người chồng đã lìa đời của em. Em cũng dính AIDS rồi nên nếu muốn thì anh cứ đánh em đi”.

“Tôi không nhớ mình đã nói những gì, chỉ biết đó là lời sẻ chia của người đồng cảnh, là lời động viên sống tích cực, đừng vì mang “bệnh thế kỷ” rồi tuyệt vọng, làm ảnh hưởng đến an nguy của người thân và cộng đồng.

Dần dần anh Kh. hiểu và tự nguyện đưa vợ con đi xét nghiệm. Anh còn là thành viên tích cực của nhóm đồng đẳng sau này” - chị Th. kể.

Chị Th. đã đi khắp làng, chấp nhận nghe chửi rủa, đuổi đánh để kiên trì thuyết phục những người tiêu cực vì HIV đang nằm chờ tử thần gõ cửa.

Chị thật thà: “Bản thân tôi cũng không biết khi nào mình “đi” gặp chồng con, nên thấy những người có HIV trong xã tiêu cực quá, tôi liền “liều mình” thuyết phục họ.

Tôi nghĩ “họ có đánh, có giết mình, thì cùng lắm là mình chết sớm hơn một hai năm. Còn hơn là ngồi nhìn họ không hợp tác, gây họa cho nhiều người; để rồi lại có thêm những người vợ, những đứa trẻ vô tội phải gánh chịu thảm họa”.

Dần dần họ nghĩ tích cực hơn và đến sinh hoạt với nhóm đồng đẳng Hoa Sim Tím.

Sau cái chết bi thương của con, chị Th. đã gồng mình đứng dậy chọn cách sống tử tế, có ích cho cộng đồng. Chị đi khắp các diễn đàn, lên sóng phát thanh chia sẻ, động viên những người cùng mắc HIV
Sau cái chết bi thương của con, chị Th. đã gồng mình đứng dậy chọn cách sống tử tế, có ích cho cộng đồng. Chị đi khắp các diễn đàn, lên sóng phát thanh chia sẻ, động viên những người cùng mắc HIV

Những đau thương tan biến nhờ tiếng cười con trẻ

Chị Th. trở thành chỗ dựa tinh thần của những người nhiễm HIV ở Tiên Lương, được bầu làm đội trưởng đội tuyên truyền sức khỏe sinh sản và trưởng nhóm đồng đẳng Hoa Sim Tím.

Trước những nỗ lực và thành quả của chị, năm 2007, Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển (COHED) đã giúp đỡ nhóm thành lập câu lạc bộ (CLB) đồng đẳng những người nhiễm HIV ở Tiên Lương. Chị Th. được trả lương, được học cách chăm sóc và điều trị người có HIV.

Mỗi tháng, chị vượt 50km sang thị xã Phú Thọ lấy thuốc kháng vi-rút HIV đưa đến tận nhà các bệnh nhân, rồi giám sát, chăm sóc, hướng dẫn từng người uống thuốc để ngăn chặn sự phát triển của bệnh.

Chị còn được học quản lý sổ sách, học làm kế toán cho CLB, rồi học nhiếp ảnh và trang điểm để mở cửa hàng chụp ảnh, trang điểm cô dâu, cho thuê áo cưới ngay tại xã; được đi dự các khóa tập huấn về truyền thông, tham gia diễn đàn của những người có HIV...

“Nói có vẻ khôi hài, nhưng thực sự là nếu không bị HIV, thì không bao giờ tôi được học những kiến thức bổ ích đó” - chị Th. cười nhẹ bẫng.

Chị Th. rời gia đình ông X. đến sống trong mái nhà do các tấm lòng hảo tâm xây tặng. Đó vừa là trụ sở CLB Hoa Sim Tím, vừa là cửa hàng chụp ảnh, trang điểm cô dâu.

Ngoài những buổi sinh hoạt định kỳ của CLB, ngoài giờ các nhân viên đến cửa hiệu làm việc, gian nhà hiu quạnh ấy chỉ có mình chị Th.

Nhìn di ảnh con trai, chị nghẹn ngào: “Mỗi lần bất chợt nghe tiếng trẻ thơ, tôi lại nhớ con. Nhất là những đêm khó ngủ, thấy lòng trống trải hơn bao giờ, tôi lại càng khao khát có một đứa con để ôm ấp nâng niu”. 

Khi tham gia các khóa tập huấn, và qua báo chí, chị biết được nhiều phụ nữ nhiễm HIV, cả những cặp vợ chồng cùng nhiễm HIV mà vẫn sinh con khỏe mạnh nhờ sự can thiệp của y học hiện đại.

Tìm hiểu kỹ, nhưng lần lữa mãi chị mới quyết định có con, bởi chị biết đứa con mình sinh ra, lớn lên trong cảnh có bố và mẹ mang “bệnh thế kỷ” sẽ thiệt thòi bội phần. Nhưng khao khát làm mẹ quá lớn đã khiến chị càng quyết tâm thực hiện ước mơ của mình.

Năm 2011, chị Th. dồn toàn bộ số tiền tích cóp để về Hà Nội làm thụ tinh ống nghiệm. Sau hơn hai tháng nằm viện chờ đợi, chị Th. đã đậu thai.

Chị xúc động kể: “Các bác sĩ động viên tôi cứ yên tâm, bởi chỉ cần tuân thủ mọi hướng dẫn là đứa trẻ ra đời sẽ hoàn toàn khỏe mạnh. Chín tháng mười ngày mang thai với người nhiễm HIV như tôi quả thực quá dài. Tôi phải uống thuốc chữa bệnh cho mẹ, phòng bệnh cho con và cầu xin số phận mỉm cười với mẹ con tôi nốt quãng đời còn lại.

Tháng 6/2012, tôi về Bệnh viện Phụ sản Trung ương sinh mổ. Con trai chào đời nặng 3,9kg, tôi đã khóc khi các bác sĩ thông báo cháu hoàn toàn khỏe mạnh. Mỗi ngày con lớn lên, là một ngày tôi được tiếp thêm nghị lực sống. Những đau đớn trong lòng cũng theo tiếng cười của con mà tan đi.

Tháng Chín năm nay, con trai tôi lên lớp Bốn. Cuộc sống hai mẹ con còn rất nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn cố gắng từng ngày để mang đến cho con những điều tốt nhất” - giọng chị Th. nghẹn lại, gương mặt chị vẫn khắc khổ, nhưng đôi mắt đã bắt đầu lấp lánh. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI