Chinh phục con

22/05/2016 - 14:41

PNO - Tôi nắm chặt lấy tay con gái, mừng vì dù sao cũng chưa phải là quá muộn.

Bé Sam lên bốn thì có thêm em, là một thằng cu. Nhà không thuộc diện quý trai hơn gái, hơn nữa, khi tôi mang bầu, đã “đả thông tư tưởng” cho con rất nhiều. Thấy con gái háo hức mong chờ có em để chơi chung, tôi cũng mừng và nhẹ nhõm.

Thế nhưng, khi vào viện thăm mẹ mới sinh em, Sam tỏ vẻ không vui, e ngại đứng xa nhìn lại, gọi mãi mới lần lữa tiến đến gần... Những buổi tối ngủ cùng phòng nhưng riêng giường với mẹ, Sam hay trừng trừng nhìn sang nơi mẹ và em bé đang nằm. Con nhóc liên tục trở mình, khó ngủ, và tôi đã thẳng thừng quát con là “làm nư, không biết thương mẹ”, “có biết mẹ vất vả lắm hay không hả?”... Dù đã lớn, nhưng thời gian đó, Sam trở lại cái chứng tè dầm thường xuyên, càng khiến tôi thêm bực.

Tôi đi làm lại, ngập đầu trong công việc và hai đứa trẻ phải chăm bẵm. Về đến nhà là mệt nhoài, chỉ muốn yên thân, đứa nào lân la làm phiền là ăn mắng ngay. Tôi nhận ra, con gái mình ngày càng trở nên cáu bẳn, lì lợm, ít hợp tác và vẫn tè dầm thường xuyên. Mọi chuyện trở nên rõ nét hơn, khi Sam bảo: “Mẹ đừng la em mất công, đánh nó luôn đi mẹ”. Tôi biết con không “ưa” thằng em trai nghịch ngợm của mình, nhưng chẳng nghĩ xa xôi gì thêm…

Chinh phuc con
Ảnh mang tính minh họa

Sáu tuổi, Sam biến thành đứa con gái khó chịu, trái tính trái nết, bảo gì cũng im lặng rồi sau đó cố tình làm ngược lại. Ngay cả hét lên với Sam, thì con cũng chẳng sợ. Không ít lần, tôi giận dữ đánh con trong cơn “điên” của mình. Cảm giác bất lực thật rõ nét. Tiếc thay, tôi chỉ thấy con bé vô tâm, ích kỷ, hay xụ mặt, ít nói cười vận động… mà “quên” hỏi han hay lắng nghe Sam.

Tám tuổi, tôi miễn cưỡng đưa con đi tư vấn tâm lý. Sam có dấu hiệu bị trầm cảm. Cái tên bệnh thời thượng ấy, tôi cứ tưởng phải dành cho đối tượng trẻ con nào đấy, trong những môi trường gia đình phức tạp nào đó, chứ làm sao mà liên quan đến mẹ con tôi cho được! Thế mà… Đau lòng hơn, bác sĩ cho biết, giá như tôi quan tâm đến con hơn, thì chắc bé đã không ở tình trạng tệ như thế này!

Tôi bỏ hẳn công việc làm thêm, dành thời gian và tâm trí cho Sam, từ đầu. Nỗi ân hận thật không gì tả nổi khi Sam hầu như không muốn tiếp nhận bất kỳ sự âu yếm hay gợi chuyện nào của mẹ. Hành trình tìm lại cảm xúc và tình yêu thương của đứa con gái bé bỏng thật không dễ dàng gì. Sam lảng tránh, khép kín, không hợp tác. Muốn khơi gợi cho con mở lòng trò chuyện, thật là khó vô cùng. Tôi chợt hiểu ra, yêu thương một đứa trẻ, đâu đơn thuần chỉ là quần áo, đồ chơi hay món ăn ngon… Gần gũi để chinh phục lại tình yêu của một đứa trẻ, càng không thể vội vàng được…

Bao lần tôi dặn mình kiên nhẫn, giả như không thấy thái độ lạnh nhạt của con trước sự chăm chút của mình. Đừng khiến con sợ hãi hoặc khép lòng hơn nữa. Có những lúc, tôi hầu như độc thoại trong vẻ thờ ơ cố tình của Sam.

Khi tôi cùng con chơi xếp hình lego hay ô chữ, con bé đã chịu lên tiếng nhắc nhở khi tôi giả vờ làm sai. Tôi viết cho Sam vài dòng yêu thương vào một tờ giấy đẹp đẽ, bỏ vào cặp cho con, mỗi ngày. Dù chiều đón con về, hỏi lại, bé thờ ơ bảo, con đọc xong bỏ thùng rác rồi! Trái tim người làm mẹ thắt lại đầy giận dỗi khổ sở. Tôi chỉ còn có thể tự nhủ: nhất định mình không được bỏ cuộc, phải sửa chữa sai lầm của mình, bù đắp cho con thật nhiều...

Tôi nắm chặt lấy tay con gái, mừng vì dù sao cũng chưa phải là quá muộn.

Hạ Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI