“Bài toán chi tiêu” của gia đình thu nhập 30 triệu đồng/tháng vẫn không biết tiền đi đâu

10/09/2016 - 07:34

PNO - Dù thu nhập mỗi tháng của 2 vợ chồng chị M.C (Hà Nội) trên dưới 30 triệu đồng nhưng “bài toán chi tiêu” hàng tháng vẫn khiến chị M.C đau đầu.

Chồng làm Phó tổng giám đốc 1 tập đoàn phát triển nhà có tiếng ở Hà Nội, chị M.C làm ở 1 công ty bảo hiểm thu nhập, mỗi tháng của 2 anh chị dao động ở mức 30 triệu đồng, chưa kể các khoản thưởng, khoản chi khác.

“Bai toan chi tieu” cua gia dinh thu nhap 30 trieu dong/thang van khong biet tien di dau
Các khoản tiếp khách vài ba chục triệu chị M.C không tính (Ảnh minh họa)

Đi làm cách nhà 25km, 2 vợ chồng chị mỗi người làm một nơi nên phương tiện đi lại của anh chị là một ô tô và một xe máy. Chưa kể, công việc của chị M.C có khi phải đi các tỉnh, được hỗ trợ chi phí đi lại thì tốt, còn không, chị lại bắt xe khách đi cho tiết kiệm.

Sau đây là bài toán khó của chị M.C mong các chị em cho ý kiến về việc tiết kiệm tiền bạc với thu nhập gia đình khoảng 30 triệu/1 tháng ở Hà Nội.

“Nhà tôi thu nhập khoảng 30 triệu / tháng, với mức thu này tôi nghĩ cũng khá ổn mà hàng tháng vẫn không biết tiền đi đâu.

Cụ thể:

Vợ chồng tôi có 2 con gái, nhà còn có cụ ngoại của chồng, mẹ chồng và 2 đứa cháu ở quê ra đi học.

Có nhà ngoại thành Hà Nội (cách nhà 25km), đang vay ngân hàng 600 triệu đồng.

Phương tiện đi lại: 1 ô tô, 1 xe máy.

Con cái học trường công lập.

Chi tiết các khoản chi trong tháng:

1. Ăn sáng + cafe: 2 triệu

2. Ăn trưa + tối: 3 triệu

3. Xăng xe, gửi xe: 3 triệu

4. Lãi Ngân hàng: 6.7 triệu

5. Thuốc lá, kẹo bánh: 1 triệu

6. Học phí của con: 1.2 triệu

7. Sách, báo, truyện, phụ kiện, tiêu vặt: 500k

8. Sữa, hoa quả: 1 triệu

9. Điện nước, xà phòng, nước xả vải…: 2 triệu

10. Gas, gạo…: 500k

11. Quần áo dày dép: 1 triệu (vài tháng mua 1 lần)

12. Ma chay, cưới xin, cưới hỏi, lễ tết: 1.5 triệu (chưa tính giỗ bố chồng 10 mâm – không nhận phong bì)

13. Thuốc men, quỹ phòng bệnh: 300k

14. Bảo hiểm: 4.8 triệu

Với các khoản chi trên, thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng tôi chỉ dư chút xíu, bỏ tiền trả ngân hàng thì ít, mà gửi tiết kiệm thì chẳng đành. Theo các mẹ, trong các khoản trên đây, khoản nào nên để, khoản nào nên cắt, tại sao?”

Chị M.C còn chia sẻ thêm về khoản ăn sáng: “Nhà tôi ở xa chỗ làm, sáng đi làm mất 1 tiếng nên thực sự sáng dậy không chuẩn bị đồ ăn được. Sáng nào cũng tất bật là lượt quần áo, lo ăn sáng và đưa con đi học và đi làm.”

Còn ăn trưa, ăn tối, chị cho biết, nhà ăn rất ít vì bà ngoại ở Quảng Ninh nên hay gửi đồ nọ đồ kia, thỉnh thoảng ra ngoài ăn là có người mời nên tháng 30 ngày nhưng thực tế chỉ ăn khoảng 20 bữa tối ở nhà là nhiều, còn trưa chỉ khoảng 2,3 ngày/tháng.

“Chồng tôi đi ra ngoài phải chi chỗ nọ chỗ kia nên cũng hiểu và không bao giờ phàn nàn về việc chi tiêu của vợ. Có lúc khó khăn, cũng kẹt tiền bạc nhưng thẻ lương anh ấy cũng đưa tôi cầm, thưởng thì về đưa tôi, phong bì vẫn chưa bóc.”, chị M.C chia sẻ.

Mức thu nhập 30 triệu/tháng không phải là nhỏ nhưng chị M.C tiêu tháng nào hết tháng đấy. Với bảng kê chi tiêu trên, chị đặt câu hỏi gia đình chị nên bỏ khoản nào, hạn chế khoản nào để có thể dư dả chút ít. Mời chị em "tay hòm chìa khóa" của gia đình cùng tham gia giải bài toán này.

Linh San (Ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI