Từ gian bếp của mẹ

Mọi thứ lớn lao đều bắt nguồn từ những điều rất bình thường

13/09/2021 - 05:55

PNO - Cùng con vào bếp không chỉ là niềm vui mà còn là một phương pháp giáo dục hữu hiệu về lòng tự tin, tính độc lập, thói quen ăn uống lành mạnh và nhiều lợi ích khác.

Những ngày giãn cách toàn xã hội, có một câu chuyện tưởng đùa mà lại rất thật là khi hàng quán tạm ngưng phục vụ, nhiều bạn trẻ xa nhà bị đói hoặc phải ăn uống tạm bợ do… không biết nấu. Lỗi là của chính chúng ta - những người mẹ, khi thường ngày vì mẹ bận làm, con bận học nên chuyện cho con vào bếp cứ “để mai tính”.

Giờ là cơ hội để ta tranh thủ dạy các con nấu ăn, bởi đó không còn là kỹ năng hay thước đo sự trưởng thành mà đơn giản là để không bị… đói.

Cùng trò chuyện với chị Nguyễn Kim Lý (Kế toán trưởng Công ty Bảo hiểm AAA) để thấy một góc nhìn khác trong cách cùng con nấu ăn của một bà mẹ cũng bận rộn với bao công việc như chúng ta.

Phóng viên: Chuyện dạy con nấu ăn của gia đình chị bắt đầu từ khi các bé mấy tuổi? Làm sao để “kêu gọi” các con yêu bếp như mẹ?

Chị Nguyễn Kim Lý: Để các con có niềm vui với bếp, chịu vào bếp cùng mẹ là cả một quá trình. Từ ngày con gái lớn của tôi lên bảy, tôi đã “dụ” con vào bếp bằng cách rủ con vào bếp chỉ để trò chuyện và chơi với mẹ, sau đó tăng dần “cấp độ”.

Tôi lựa rau củ quả nhiều sắc màu rồi nhờ con phân loại, sắp xếp từng loại, gói ghém cất vào tủ lạnh. Một thời gian sau, tôi nhờ con nhặt rau, bóc hành… hướng dẫn con những việc nhỏ như cầm dao, kéo rồi sử dụng những dụng cụ đó như thế nào cho an toàn.

Tôi biến việc làm bếp thành một trò chơi để từ đó con tôi dần dần yêu khu vực bếp và luôn đồng hành cùng mẹ mỗi lần vào bếp.

Trẻ thường thích được tự tay làm món ăn mình yêu thích. Ví dụ tôi biết con thích món sushi nên thường khuyến khích con làm và hướng dẫn con lên danh sách những nguyên liệu cần thiết rồi lúc đi siêu thị thì cho con tự lựa chọn nguyên liệu theo ý mình. Điều đó khiến con thích thú và hào hứng khi được vào bếp.

Ngoài ra, tôi luôn khen ngợi khi con làm thành công hoặc hướng dẫn lại những món chưa đạt và cảm ơn con đã vào bếp cùng mẹ để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình thêm gắn kết.

* Trong hành trình “dụ dỗ” đó, chị có gặp những phản đối hay khó khăn gì từ con?

- Muốn con cùng vào bếp, đôi khi mình phải tạm quên vai trò làm mẹ để cư xử với con như bạn bè; phải kiên nhẫn, tạo không khí vui vẻ, giúp con có những cảm xúc tích cực khi nấu ăn. Không nên để sự lo lắng, nóng nảy hay mất bình tĩnh của mẹ khiến con thấy bếp liền… né.

Tôi thường “nhờ” con lặt rau, rửa rau và dặn con khi làm xong nhớ dọn dẹp. Ngay cả khi con lau chưa sạch, tôi vẫn vui và khuyến khích con hay nói những câu vui đùa rồi đợi khi con ra khỏi bếp, tôi lau chùi lại mà không để con biết. Có lẽ vì vậy nên con hợp tác tốt với mẹ và chưa khi nào phản đối. 

* Chị và các con nhận được gì nhiều nhất trong những ngày cùng nhau nấu ăn?

- Khi cùng nhau nấu ăn, tình cảm mẹ - con thêm gắn bó vì đây là lúc vừa làm vừa trò chuyện cùng nhau. Công việc bận rộn, thời gian bên con nhiều nhất trong ngày là khi mẹ con cùng vào bếp, vì thế tôi luôn tranh thủ lúc này tâm sự cùng con để hiểu thêm về tâm tư, tình cảm; chuyện trường lớp, thầy cô, bạn bè của con.

Chúng tôi kể cho nhau nghe chuyện một ngày của mẹ, của con; ở đâu có những món ăn ngon rồi hẹn nhau cuối tuần đi ăn thử… Khoảng thời gian này với tôi thật sự vui, thư giãn và có ý nghĩa. Được tham gia nấu ăn cùng mẹ; được tự tay làm món mình thích, món ngon cho cả nhà, con rất vui và tự hào.

Việc vào bếp chuẩn bị bữa ăn còn giúp con hiểu được ý nghĩa của hai chữ “gia đình”, biết trân trọng món ăn người khác làm ra vì để có món ăn ngon, người làm bếp phải lao tâm khổ tứ. 

* Những ngày này hẳn chị cũng nghe râm ran chuyện nhiều bạn trẻ bị đói khi hàng quán đóng cửa, họ lại không thể tự nấu cho mình một bữa cơm. Là một người mẹ, chị cảm thấy thế nào?

- Tâm lý chung của các bà mẹ là luôn lo sợ, cảm thấy bất an khi con vào bếp. Cũng có thể do sự chiều chuộng, bảo bọc mà các bà mẹ “ôm” hết mọi việc; không cho con đụng tay, đụng chân vào bất cứ việc gì.

Theo tôi, điều này ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của một đứa trẻ, biến đứa trẻ thành người ít quan tâm và chia sẻ việc nhà, từ đó không thể tự chăm sóc bản thân.

Cùng con vào bếp không chỉ là niềm vui mà còn là một phương pháp giáo dục hữu hiệu về lòng tự tin, tính độc lập, thói quen ăn uống lành mạnh và nhiều lợi ích khác. Dạy con làm bếp không chỉ đơn giản là vấn đề kỹ năng mà còn giúp con hình thành thái độ lạc quan với cuộc sống.

Nay, con gái 16 tuổi của tôi có thể chuẩn bị bữa ăn cho con cùng hai em khi mẹ vắng nhà. Đặc biệt, những bữa ăn do con chuẩn bị luôn được các em thích vì vừa ngon miệng vừa đúng ý các em.

Chị Nguyễn Kim Lý luôn khen ngợi khi con nấu thành công và cảm ơn con đã vào bếp cùng mẹ
Chị Nguyễn Kim Lý luôn khen ngợi khi con nấu thành công và cảm ơn con đã vào bếp cùng mẹ

Trong những ngày giãn cách, con tôi vẫn tự tin chuẩn bị cho cả nhà những bữa ăn lành mạnh, đủ dinh dưỡng dù nguyên liệu không đầy đủ so với ngày thường.

* Có vẻ nấu ăn đã không còn là chuyện “độc quyền” của đàn bà?

- Từ xưa, người ta vẫn luôn mặc định việc nữ công gia chánh là của phái nữ. Phụ nữ phải biết nấu những bữa cơm tươm tất, giữ nhà cửa luôn sạch sẽ. Nay thì cánh đàn ông cũng hoàn toàn có thể nấu một bữa cơm ngon lành.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò của phụ nữ trong việc chăm sóc gia đình, chồng con; được thể hiện qua việc chăm chút từng bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng và đẹp mắt, từ đó tăng thêm sự gắn bó, sẻ chia, yêu thương và trách nhiệm của từng thành viên đối với gia đình.

Mọi thứ lớn lao, vĩ đại đều bắt nguồn từ những điều rất bình thường và đời thường như thế.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ! 

Lan Khôi (thực hiện)

Ảnh: nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI