Gen Z tự bạch gì về "thế hệ cợt nhả”?

08/05/2025 - 10:28

PNO - Chúng ta “cợt nhả” để che giấu đi sự bối rối trước 1 tương lai mông lung, sự non nớt kinh nghiệm, sự lạc lõng giữa 1 thế giới thông tin hỗn loạn...

Đằng sau những tiếng cười cợt nhả, chúng ta được gì? (ảnh minh họa: Shutterstock)
Đằng sau những tiếng cười "cợt nhả", chúng ta được gì? (ảnh minh họa: Shutterstock)

Gần đây, rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề một bộ phận Gen Z tự nhận mình là “thế hệ cợt nhả”. Là những đứa con của kỷ nguyên số, ngón tay chúng ta đã quen với “vũ điệu” lướt trên màn hình, bộ não của chúng ta tiếp thu "meme" còn nhanh hơn cả tiếp nhận tin tức báo chí hàng ngày. Chúng ta có 1 thứ vũ khí bí mật mang tên cà khịa - 1 nghệ thuật biến mọi thứ, từ chuyện đại sự đến chuyện “hôm nay ăn gì” - thành 1 tràng cười không dứt. Chúng ta nhẹ nhàng hóa vấn đề nan giải bằng những câu bông đùa, giễu cợt. Những sau mỗi tràng cười, những lời cà khịa, chúng ta được gì?

Cái “cợt nhả” ban đầu tưởng chừng như 1 chiếc áo giáp, giúp chúng ta đối diện với những áp lực của cuộc sống, với những kỳ vọng đôi khi quá lớn của xã hội. Chúng ta “cợt nhả” để che giấu đi sự bối rối trước 1 tương lai mông lung, sự non nớt kinh nghiệm, sự lạc lõng giữa 1 thế giới thông tin hỗn loạn. Nhưng dần dà, chiếc áo giáp ấy trở nên rộng thùng thình, che mất đi cả con người thật của chúng ta.

Chúng ta “cợt” cả những vấn đề đáng lẽ phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Chúng ta trêu đùa những giá trị đáng lẽ phải được trân trọng. Chúng ta biến mọi cuộc tranh luận thành 1 màn đấu khẩu xem ai cà khịa giỏi hơn, bỏ quên mất mục đích thực sự của việc trao đổi và thấu hiểu.

Sự kiện diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước vừa qua là 1 minh chứng. Chẳng ai tước đi quyền ngưỡng mộ những “nam thần quân ngũ”, nhưng bên cạnh những lời khen ngợi lịch sự, những cái vẫy chào trân trọng, một bộ phận Gen Z lại chọn cách thể hiện cảm xúc thẳng thắn đến mức gây xôn xao dư luận.

Những tiếng gọi “chồng ơi”, “cục vàng ơi” hay những lời “nhìn anh em muốn rụng trứng” có lẽ xuất phát từ sự quý mến, nhưng vô tình biến những người lính thành đối tượng của sự suồng sã, thậm chí trở 1 món hàng bất đắc dĩ để người dân cả nước vào “chốt đơn” trên livestream.

Hình ảnh những chiến sĩ bối rối, né tránh trước sự vây quanh cuồng nhiệt sau buổi tập luyện, gợi lên 1 câu hỏi về ranh giới giữa sự ngưỡng mộ và hành vi thiếu kiểm soát.

Chưa dừng lại ở những ồn ào trên đường phố, khi trở về nhà, một số bạn trẻ tiếp tục “đào xới” trang cá nhân của những chiến sĩ ấy, tìm kiếm thông tin đời tư, bình phẩm về nhan sắc, thậm chí không ngần ngại bày tỏ sự thất vọng, chê bai khi vẻ ngoài thường nhật của những người lính không trùng khớp với hình ảnh hào nhoáng trong đoạn video lan truyền.

Phải chăng, cái nhu cầu phải “cợt nhả” cho bằng được ấy thực chất là 1 cuộc chạy đua mệt nhoài. Mỗi ngày, chúng ta phải căng mình lướt qua vô vàn thông tin trên mạng xã hội, lùng sục khắp các hội nhóm, tìm xem xu hướng nào đang thịnh hành, ngôn ngữ nào đang được ưa chuộng, ai đang trở thành tâm điểm chỉ trích... chỉ để kịp thời trang bị cho mình vốn liếng để đối đáp, “chặt chém” nhau.

Dường như, chúng ta sợ bị bạn bè đồng trang lứa gắn mác “nhạt nhẽo”, “thiếu muối”, “out trend”… còn hơn cả những lời góp ý, phê bình, đánh giá từ thế hệ đi trước.

Nhưng, Gen Z chúng ta đâu phải là "lũ cợt nhả” vô phương cứu chữa. Trong cái vỏ bọc “tưng tửng” ấy là những trái tim nhiệt huyết, những bộ óc sáng tạo, những khát khao cống hiến. Chúng ta là thế hệ của những người trẻ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Vì vậy, đừng để bất kỳ ai đóng khung chúng ta bằng định kiến “cợt nhả”.

Chúng ta hãy cùng nhau tự chấn chỉnh và định nghĩa lại hình ảnh của Gen Z. Chúng ta có thể vừa hài hước, vừa sâu sắc chỉ cần chúng ta cần học cách “cợt” đúng lúc, “nhả” đúng chỗ và quan trọng hơn là biết cách nghiêm túc khi cần thiết.

Còn gì tuyệt vời hơn khi chúng ta vừa là “chiến thần” mạng xã hội vừa là những công dân có ích, có đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Chúng ta hoàn toàn có thể dùng sự “mặn mòi” của mình để thể hiện những điều tích cực, những hành động đẹp, những câu chuyện truyền cảm hứng một cách dí dỏm, duyên dáng trên mạng xã hội - đó mới thực sự là 1 “trend” đáng để theo đuổi, phải không các bạn?

Cát Quân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI