 |
Gen Z chính là chủ nhân của thế giới trong nay mai, hãy hiểu Gen Z thay vì vội phê phán (ảnh minh họa: Shutterstock) |
Gen Z không chỉ là một thế hệ, mà là tấm gương phản ánh sự đa dạng và phức tạp của xã hội hiện đại. Họ độc lập nhưng khao khát kết nối, lý tưởng nhưng thực dụng, cởi mở nhưng đòi hỏi sự minh bạch. Để hiểu và đồng hành cùng Gen Z, các doanh nghiệp, nhà giáo dục, và xã hội cần linh hoạt, lắng nghe, và tạo ra một môi trường tôn trọng sự khác biệt.
Hơn bao giờ hết, Gen Z nhắc nhở chúng ta rằng sự thay đổi luôn bắt đầu từ những người trẻ. Họ đang định hình lại thế giới theo cách của mình, và chúng ta cần sẵn sàng để học hỏi và thích nghi. Với tất cả những mâu thuẫn của mình, Gen Z là minh chứng rằng chính sự đa dạng và tính phức tạp ấy sẽ mở ra những cơ hội mới cho tất cả chúng ta.
Ngày nay, không khó để bắt gặp những lời phê phán nhắm đến Gen Z rằng họ thiếu suy nghĩ, bộc phát và vô kỷ luật. Họ bị gắn mác “cợt nhả”, “bất cần”, “không biết tôn ti trật tự”. Nhưng liệu những đánh giá đó có thật sự công bằng? Hay ta đang sử dụng thước đo của quá khứ để phán xét một thế hệ đang sống giữa hiện tại?
Đầu tiên, Gen Z trưởng thành trong một thời kỳ đầy biến động. Dù không còn là chiến tranh ác liệt mà ai cũng sợ hãi, dù sống trong thời bình no đủ, nhưng hãy xem thế hệ Z đã phải đối mặt với điều gì: Đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế, làn sóng đổ bộ của AI, sa thải diễn ra khắp nơi… bất ổn xã hội không chỉ là tin tức, mà là thực tế họ chứng kiến. Cùng với đó, sự ra đời của smartphone đã mang cả thế giới với tất cả sự hỗn loạn và cơ hội, đến ngay trong lòng bàn tay họ.
Khác với thế hệ Millennial (còn gọi Gen Y - thế hệ được sinh ra vào khoảng từ năm 1981 đến 1996) liền kề trước đó, Gen Z được nuôi dạy với sự cởi mở hơn. Họ là thế hệ được tiếp cận công nghệ số từ nhỏ. Chính môi trường này đã tạo nên một thế hệ độc lập, tự tin. Có rất nhiều cá nhân Gen Z tiêu biểu thành công trong việc kinh doanh online từ thời còn trên ghế nhà trường hay việc họ tự học kỹ năng, ngoại ngữ qua các nền tảng số.
Gen Z cũng mang trong mình sự mâu thuẫn giữa lý tưởng toàn cầu và mục tiêu cá nhân. Họ mơ về một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng cũng lo lắng về việc tìm được việc làm tốt, đủ tiền trang trải cuộc sống. Khi phải chọn giữa lý tưởng và thực tế, phần lớn Gen Z chọn cách tiếp cận thực dụng, ưu tiên tương lai cá nhân.
Trong khi Gen Y thường trông đợi các tổ chức, công ty giải quyết các vấn đề xã hội, Gen Z đòi hỏi sự minh bạch và hành động cụ thể từ các doanh nghiệp, không chỉ dừng ở những lời hứa suông.
Bất kỳ thế hệ nào cũng không nên bị đánh giá dựa trên vài cá nhân tiêu cực. Chúng ta không thể vì vài hành vi thiếu chuẩn mực của một số người trẻ trên mạng mà kết luận cả một thế hệ đang trượt dài về đạo đức. Đó là sự đánh đồng cảm tính, dễ dẫn đến sai lầm và chia rẽ xã hội.
Cũng không nên nói Gen Z thiếu tự trọng, bởi họ chỉ định nghĩa lại cách ứng xử theo bối cảnh mới. Trong thời đại mà sự chính trực không còn nằm ở vẻ ngoài nghiêm túc hay lời nói lễ phép hình thức, Gen Z chọn cách sống thẳng thắn, trung thực với bản thân, và đấu tranh cho những giá trị họ tin là đúng: bình đẳng giới, sức khỏe tâm thần, bảo vệ môi trường, công bằng thông tin.
Một người trẻ dám rời bỏ công việc độc hại dù bị xem là thiếu kiên trì, có thực sự là kẻ thiếu trách nhiệm? Hay đó chính là lòng tự trọng cao, là sự từ chối cam chịu bất công?
 |
Một thế hệ "meme hóa" (châm biếm) mọi vấn đề - có phải một thế hệ thiếu nghiêm túc? (Ảnh minh họa: Shuttetstock) |
Việc họ sử dụng sự hài hước, cợt nhả, "meme hóa" (châm biếm) các vấn đề xã hội không có nghĩa là họ xem nhẹ mọi thứ. Trái lại, đó là cơ chế thích nghi trong một thế giới bất ổn, nơi áp lực đến từ cả thế giới thực lẫn không gian ảo.
Khi ngôn ngữ truyền thống không còn đủ để diễn đạt trải nghiệm sống mới, họ sáng tạo ra cách biểu đạt riêng. Không nên vội vàng gán ghép sự khác biệt thành sự xuống cấp của đạo đức hay trò đùa vô nghĩa, bởi đôi khi trong những thứ tưởng chừng nhảm nhí đó lại ẩn chứa thông điệp sâu sắc như mối quan tâm về sức khoẻ tâm thần, phân biệt giới tính...
Cần nhớ, mỗi thế hệ đều từng bị chê trách. Thế hệ Baby Boomer (sinh từ 1946 đến 1964) từng nói Gen X (sinh từ 1965 đến 1980) "thụ động". Gen X từng gọi Gen Y là “ích kỷ”. Giờ đến lượt Gen Z bị chê trách, nhưng có lẽ lỗi không nằm ở những thế hệ mới, mà nằm ở sự trì trệ trong tư duy đánh giá của những thế hệ cũ.
Tôi không phủ nhận rằng Gen Z cũng có không ít vấn đề như mọi thế hệ khác. Nhưng chỉ vì thế hệ này không giống người đi trước nên họ gắn mác tiêu cực cho Gen Z là không đúng. Điều thế hệ đi trước cần làm không phải là phán xét, mà là hiểu để đồng hành, dẫn dắt, và học hỏi lẫn nhau.
Gen Z cũng là con người và họ chỉ đang sống theo một thứ chuẩn mực của thời đại mới. Đó là thẳng thắn hơn, nhạy cảm hơn, và cũng đầy thử thách hơn.
Khánh Vinh