"Cuộc chiến" không bao giờ kết thúc

01/11/2022 - 05:45

PNO - Chuyện ra riêng của các bạn trẻ khi bước qua 18 tuổi được các nhà nghiên cứu chứng minh là diễn biến tự nhiên, vì có một rào cản vô cùng lớn trong giao tiếp và cộng sinh giữa phụ huynh với con cái.

Thực tế cho thấy, từ giai đoạn trẻ dậy thì, mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ thường có xu hướng tệ đi, đến mức gần như không thể nói chuyện được với nhau và đột nhiên trẻ vô thức mong muốn được sống tách biệt khỏi cha mẹ. Điều lạ hơn là nhóm trẻ sinh năm 1980 - 2000 cảm thấy nếu phải sống với cha mẹ sẽ không thể phát triển bản thân, không thể làm những gì mình muốn hay cần trong cuộc sống…

Bản thân tôi cũng khá khắc khẩu với cha mẹ nhưng may mắn lựa chọn được ngành nghề hợp với bản thân, đồng thời cha mẹ có điều kiện cho tôi một căn nhà riêng từ năm 25 tuổi. Ngoài ra, có lẽ gia đình tôi là một gia đình hạnh phúc dù phần lớn cuộc đời, tôi không thể chia sẻ với cha mẹ mối quan hệ hay thậm chí những kiến thức về ngành nghề cá nhân vì rào cản thế hệ và đương nhiên, cả chuyện tôi là lesbian. 

Ảnh minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh minh họa - SHUTTERSTOCK

Cho tới gần đây, khi được học các lớp nâng cao với những giáo sư tâm lý người Anh, tôi mới nhận ra “vết xe đổ” của mối quan hệ cha mẹ - con cái trượt dài từ giai đoạn dậy thì (tuổi teen) thực sự mang một mối nguy hiểm tiềm tàng rất lớn.

“Tôi sẽ biến con trở thành một chú robot ngoan ngoãn, thức dậy 6g30 sáng, đi học ngoan suốt 12 năm với đạo đức và học lực xuất sắc (tốp 5 - 7% của lớp), rời trường thì đi học thêm tới tối và giữ mọi thứ nền nếp hoàn hảo để đậu đại học, du học, làm việc ở công ty xịn…

Để đạt được những điều đó, tôi sẽ la hoặc trừng phạt mỗi lần con làm bất kỳ điều gì trái với chuẩn mực đạo đức hay những quy định của gia đình. Tôi sẽ kiểm soát khắt khe để đảm bảo nó nên người”. Khi ta có con, có ai trong các bạn nghĩ như trên? Nếu có, bác sĩ tâm lý sẽ chẩn đoán ngay bạn bị hội chứng Sociopath - rối loạn tâm lý bao gồm hành vi thao túng. 

Đương nhiên chúng ta chỉ yêu thương các con, mong muốn mang lại những gì tốt nhất cho con, bảo ban bao điều hay, chia sẻ những gì ta thích, đưa con ngắm nhìn cảnh đẹp thế giới, giúp chúng hạnh phúc. Thế nhưng, việc đáng buồn xảy ra trong những thế hệ gần đây mà ít ai dù có khi đã bạc tóc, dám thừa nhận rằng khi vừa có con, ta đã không biết mình phải làm gì cho đúng. Bất kỳ bậc cha mẹ nào ở thời đại này đều có một câu chuyện chung: Thằng nhỏ nhà tôi vốn rất ngoan nhưng càng ngày nó càng sao sao đó. Rồi nó bắt đầu chơi với những bạn bè tôi không thích, làm những việc tôi không thích, học lực đi xuống và chúng tôi bắt đầu không thể nói chuyện với nhau.

Chưa hết, chúng bắt đầu không làm theo những gì tôi nói nữa. Các buổi nói chuyện dường như lúc nào cũng khiến tôi stress, thậm chí bùng nổ thành gào thét đập đồ đạc, đuổi con ra khỏi nhà… Tại sao mọi người cứ phải chọn gật gù với nhau “bởi tụi nó trẻ người non dạ nên lớn lên ngang ngược và chỉ cần mình uốn nắn, nó sẽ nên người trở lại”? 

Điều đó không bao giờ xảy ra. Thay vào đó là một hiện tượng xã hội được hình thành dưới mỗi mái nhà mà tôi thường gọi là “chiến tranh gia đình” luồn lách vào mọi mái ấm.

Đây là một cuộc chiến tranh trường kỳ, không có điểm dừng cũng như không có mục đích. Hệ lụy tất yếu là con cái sẽ tìm cách ra ở riêng dù có phải rơi vào cảnh bấp bênh về kinh tế và cuộc sống cá nhân. Dù ở thể dạng nào, với những xung đột bắt đầu từ nguyên nhân sâu xa nào của mỗi gia đình, tôi cũng có thể tóm gọn lại rằng những xung đột này thường nằm trong đại chủ đề chung: quyền hạn, nghĩa vụ và lợi ích của con cái trong gia đình đối với cha mẹ.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Dường như vì chính cha mẹ cũng không biết thế nào mới là một đứa con ngoan và sẵn sàng với cuộc đời phía trước nên họ đặt quá nhiều niềm tin vào học lực và đạo đức của trẻ ở trường, đặt quá nhiều trách nhiệm lên thầy cô - những người dẫn lối và là thước đo đánh giá con cái mình. Cũng phải thôi, vì họ mắc kẹt với công việc 8-12 tiếng/ngày và những tự ti cá nhân rằng thế hệ mình không bằng thế hệ trẻ nước ngoài nên con mình phải hơn vậy. Tất cả đều áp đặt một khung những quy định về giờ giấc và thói quen sống, kỹ tới từng tiếng cho tới lúc con ngủ, dọa nạt, so sánh con với người khác. Mỗi hành động sai, thái độ chống đối đều là biểu hiện con sẽ trở thành chú “cừu đen”. 

Phụ huynh đã quên mất rằng họ cảm thấy stress mỗi ngày vì công việc chính là do cấp trên ép họ phải làm những việc họ không thích với khung thời gian chặt chẽ. Người lớn stress vì những kiểm tra chất lượng làm việc oái oăm dựa trên ý kiến cá nhân cấp trên và những cơn ác mộng về deadline vẫn khiến tim họ đập thình thịch như thể các bài kiểm tra cuối kỳ ngày xưa. Chính con của họ ở trường cũng cảm thấy như thế mỗi ngày. Vì vậy, những kỳ vọng của bản thân vào bọn trẻ, rồi buộc chúng ngoan ngoãn làm mọi thứ đã được khoa học chứng minh là chỉ làm con bạn stress hơn, tới mức trầm cảm.

Nhắc đến vấn đề “trẻ ngoan”, ta lại phải nói về bản năng của trẻ khi dậy thì, dưới góc nhìn của các nhà nhân chủng học. Quá trình dậy thì dẫn đến sự thay đổi cấu trúc hoóc-môn nhiều đến mức thay đổi cơ thể và suy nghĩ của trẻ mạnh mẽ. Khoảng thời gian này vô cùng quan trọng để trẻ định hình bản thân về cảm xúc, sở thích, những gì là quan trọng với đời sống cá nhân để từng bước trở thành con người trưởng thành mà trẻ mong ước. Trẻ có nhu cầu được chứng minh bản thân là một cá thể độc nhất. Do đó, điều đi ngược lại với sự phát triển của trẻ nhiều nhất chính là việc bị cha mẹ so sánh với… “con nhà người ta”.

Ở trong mớ bùi nhùi xung đột gia đình vừa đề cập, có một cốt lõi căn bản lặp đi lặp lại là niềm tin: Bạn thể hiện cho con bạn thường xuyên rằng bạn không tin chúng vẫn là đứa trẻ ngoan như ngày xưa chỉ vì chúng làm trái ý bạn, rằng chúng không đáng được thừa nhận trí tuệ vì chúng không nằm trong tốp 5 - 7% trên lớp. Chúng cứ mãi không làm vừa lòng bạn dù đã bao năm chúng phải làm răm rắp mọi điều mà chúng không thích. Khi trẻ không thấy niềm tin của bạn, chúng sẽ mất niềm tin vào bản thân. Đây chính là gốc rễ khiến cuộc chiến tranh giành quyền lợi trong nhà mãi cứ tiếp diễn xung quanh những nghĩa vụ và trách nhiệm của các thành viên. 

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Và rồi những xung đột gia đình được giải quyết bằng việc con trưởng thành, ra riêng, với nhiều bí mật, từ cái hình xăm tới những trải nghiệm sống của con trong thế giới mới. Song, ta vẫn phải công nhận 80 - 90% trong chúng ta dù có khắc khẩu với con thì phần lớn con chúng ta cũng không phải là những con người tệ hại trong xã hội. Chúng vẫn có nghị lực, mục tiêu, lối sống riêng để chúng cảm thấy hạnh phúc với bản thân. Vậy, các bậc phụ huynh có bao giờ tự hỏi vết xe đổ trong giao tiếp có nên được tránh từ sớm?

Tôi cam đoan với bạn, từ niềm tin tích cực dẫn đến sự trao đổi và trò chuyện, chia sẻ, kết nối thường xuyên với nhau một cách bình tĩnh sẽ giúp cải thiện mối quan hệ của bạn và con rất nhiều. Đừng biến mình thành cấp trên của con.

Tới đây, tôi xin tự đặt câu hỏi cho mình: “Vì sao tới nay tôi vẫn chưa đủ tự tin để chia sẻ với cha mẹ rằng tôi là lesbian?”. Thực ra, tôi luôn tránh né vì nghĩ tới nỗi buồn của mẹ và sự thất vọng của cha? Cha mẹ luôn muốn tôi có một tấm chồng và những đứa con xinh đẹp nhưng bao lâu nay tôi vẫn cứ phải giải thích cho mái tóc ngắn và những bộ đồ có phần tomboy là vì tôi muốn thoải mái cũng như để tiện hơn cho công việc tư vấn viên dù tôi vẫn biết rằng có một chiếc đồng hồ sự thật đang đếm ngược trên đầu mình mỗi ngày.

Liệu có phải bí mật này của tôi là nguồn gốc khiến nhà tôi khắc khẩu với nhau tới mức không thể sống chung? 

Roman Solomixki 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI