Đừng cô đơn trong nhà mình!

31/10/2022 - 09:08

PNO - Mỗi cá nhân, gia đình đều có hoàn cảnh, tâm lý, suy nghĩ khác biệt. Nhưng nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy vài điểm chung có thể áp dụng để stress bớt làm phiền cả cha mẹ và các con trong thời kỳ phát triển được coi là rất nhạy cảm này.

“Kỷ luật không nước mắt” phủ nhận hoàn toàn quan điểm “thương cho roi cho vọt”, song hành với xu hướng coi con là bạn trở thành phương pháp, mục tiêu giáo dục của nhiều gia đình, cũng ngầm được coi là một tiêu chí giáo dục văn minh.

Vậy nhưng, khi trong gia đình có một vài cô cậu tuổi teen, gương mặt hoen nước mắt nhiều lúc là của các bà mẹ chứ không phải các con. Lý thuyết hay thực tế được chia sẻ trong các bài báo, cuốn sách hoặc hội thảo cũng luôn chỉ để tham khảo.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

1. Xẵng giọng và “sáng nắng chiều mưa”

Một lần, trong cửa hàng bán đồ cho thú cưng, có hai cô bé độ tuổi teen đeo ba lô, bế mèo trên tay. Cả hai vuốt ve, thầm thì, dịu dàng nựng “Na”. Lõm bõm câu được câu mất trong vài phút có thể hiểu ngay Na được hai chị cưng chiều vô cùng. Khi chờ ở quầy tính tiền, một trong hai cô bé nhận điện thoại. Bao ngọt ngào dịu dàng thoắt biến mất, cô ngắt lời người gọi bằng những câu ngắn gọn, cộc lốc: “Ok Mom”. Hóa ra là một cuộc gọi của phụ huynh. Cúp máy, cô quay sang người đi cùng, hậm hực: “Không kịp spa cho Na đâu. Chiều ba bay, mẹ hối về nhanh còn đi với ba qua bà nội. Phiền vãi!”. 

Chủ shop đợi hai cô bé bước ra, quay sang người chứng kiến: “Bọn nhỏ tuổi teen thường vậy đó chị, ở đây gặp hoài. Nói chuyện với thú cưng, với bạn bè thân thì tụi nó dễ thương hết biết nhưng trả lời hay đi cùng ba mẹ thì xẵng lắm. Ở nhà em cũng có vài đứa y hệt. Không biết khi nào bọn nó qua cái tuổi dễ sợ này! Có khi quay ngoắt 180 độ, đang vui quay ra hằm hằm, không hiểu luôn. Hồi xưa mình đâu có vậy, cãi người lớn một tiếng là no đòn.

Ngày trước, hễ cha em rút cây roi ra là con cái khóc thét; giờ nhiều lúc mình tức con trào nước mắt mà nào dám đánh tụi nó. Cha mẹ em giờ thấy cảnh mình dạy con chỉ dám quay đi, công nhận bây giờ, đời có nhiều thay đổi quá”.

Một khách hàng cũng đang chờ tính tiền góp chuyện: “Đúng vậy! Nhà mình ba thế hệ ở chung. Do ông bà lớn tuổi nên việc thanh toán điện nước trực tuyến, mua hàng online, thông tin máy móc đều phụ thuộc vào đám cháu. Tới lúc ông bà dạy học hành, ứng xử phải như thế này, thế kia, tụi nó chỉ dạ nhưng đâu làm theo bởi cho rằng ông bà đã già, đã lạc hậu. Kiểu như thế giới này giờ là của gen Z. Mà giờ đúng là phải nương theo tụi nó cho êm nhà êm cửa”.

 

Ảnh mang tính minh họa - Suksao
Ảnh mang tính minh họa - Suksao

 

Người khách này là cô giáo dạy tiếng Anh ở một trường THPT. Trò chuyện thêm, người viết nhận ra chị có quan điểm khá cởi mở và hiện đại về giáo dục: “Tôi cũng nhiều lúc phát khóc vì hai đứa teen ở nhà nhưng may quá, thời gian đôi bên cùng stress đã qua, không đến nỗi “một mất một còn”, cũng không có vết thương nào quá sâu vì về tổng quan cả nhà vẫn giao tiếp được với nhau, không bằng cách này thì cách khác”.

Chị chia sẻ thêm, bạn bè, phụ huynh của lớp chị phàn nàn, than thở rất nhiều rằng họ rất stress vì công việc bên ngoài vốn dĩ đã bộn bề. Teen là tuổi của những sự thay đổi: thay đổi vóc dáng, tâm lý (sáng nắng chiều mưa, vui buồn, đồng thuận, phản đối… có khi chỉ cách nhau vài phút).

Những sự thay đổi này khiến người lớn lúc nào cũng loay hoay giữa vị trí làm phụ huynh hay làm bạn; khi nào làm phụ huynh, khi nào làm bạn. Có người dở khóc dở cười nói nhà có bọn teen thì không biết ai là cha mẹ của ai. Nhiều người cha muốn né xung đột, nhường hết việc giao tiếp, chăm sóc con ở thời điểm này cho vợ, kiểu mẹ và các con cứ quyết, cha không ý kiến, từ học hành, ăn uống, tập luyện…

Ngược lại, nhiều người cha không thể kiên nhẫn, xử lý thật rắn kiểu cha quyết định vậy, cả nhà cứ theo… Cả hai trường hợp đều dễ dẫn đến hậu quả rất đáng tiếc.

 

2. Cô đơn trong chính ngôi nhà của mình

Đó là người lớn. Còn các bạn nhỏ tuổi teen thì sao?

Trong vai một người ngoài có quan điểm khách quan, sẵn sàng thông cảm, là bạn thân của cha mẹ các con, cũng có lúc là phụ huynh của bạn các con, cứ vô mấy tiệm bán đồ cho thú cưng, các quán ăn vặt cho teen, ghế chờ ở rạp phim… bạn sẽ được phản hồi:

- Mình không còn là học sinh tiểu học, không muốn cha mẹ cư xử với mình như một đứa trẻ lớn xác, vô dụng, cần được giám sát kỹ lưỡng nếu không thì chắc chắn sẽ làm sai. 

- Dường như cha mẹ không nhận ra con mình đã lớn dù đi đâu, gặp ai cũng tự hào khoe “giờ đây mình là người thấp nhất nhà, con mình đã cao hơn mình 5cm nè”. Mới sáng ra đã la: “Con lớn rồi, phải tự giác, đừng sa lầy vô game”. Chiều đến: “Con còn nhỏ, con phải nghe lời ông bà, cha mẹ. Mọi người chỉ muốn tốt cho con”. Ủa, gì kỳ vậy, sao thay đổi nhanh vậy, là con lớn rồi hay còn nhỏ? Tự ba mẹ rối, ai mà hiểu nổi!

- Mình muốn được ngồi yên để nghĩ sẽ phải làm gì, phải nói như thế nào cho mẹ hiểu đúng, đừng suy diễn kiểu “con không biết thương cha mẹ gì hết” thì lại bị la “Sao con đóng cửa, sao cứ chui vô phòng một mình?”. Thực sự, mỗi lần cha mẹ nhắc nhở phải như thế này, thế kia, con biết những điều đó không sai nhưng nói ra câu nào cũng bị hiểu sai thì tụi con cũng stress lắm.

- Cha mẹ bận, tụi mình không bận chắc? Vậy mà mỗi lần mình nhấc điện thoại là mẹ cứ dài dòng nhắc nhở. Mình không muốn xung quanh biết mình có một “bà mẹ trực thăng” lúc nào cũng lượn vòng nhắc này nhắc kia nên trả lời “ok” cho nhanh thì mẹ trách: “Ủa, sao con cộc lốc với mẹ quá vậy?”. Quá phiền! Ở trường đang chạy deadline mà thấy số mẹ là stress luôn. Chặn số thì mẹ lại qua Zalo, Messenger… Nản! 

- Chụp hình là chuyện rất không vui. Tiệc đông thì không từ chối, còn lại cứ canh me chụp rồi mang con ra khoe, mình quay lưng lại thì cũng bị cằn nhằn…

- Nếu không có bạn bè, không có bạn game, không có thú cưng, sẽ thấy không có ai hiểu mình.

Đây mới là hiện trạng của các gia đình bình thường. Với các gia đình có cha mẹ ly thân, ly hôn, tái hôn… stress còn muôn hình vạn trạng vì hoàn cảnh cá biệt (thực ra cũng không quá cá biệt vì tỷ lệ ly hôn hiện tại chiếm 1/3) sẽ khiến nảy sinh hàng ngàn câu chuyện gây stress khác. Dịch bệnh, khó khăn trong đời sống kinh tế càng dễ khiến những bất hòa trong gia đình gia tăng. 

Ảnh mang tính minh họa - DCStudio
Ảnh mang tính minh họa - DCStudio

 

“Tôi rất ít khi nói với họ rằng “hãy yêu thương nhau nhiều hơn” dù mục đích cuối cùng của các buổi tư vấn là vậy” - N.T.A.V. - một người tiếp xúc, tư vấn với hàng trăm phụ huynh có con ở tuổi teen - cho biết. Chị khẳng định, cha mẹ yêu thương con là hiển nhiên; vấn đề là đứng vào vị trí của nhau mà thông cảm, chấp nhận thay đổi rất nhiều từ quan điểm đến phương pháp giáo dục. Nếu vẫn áp dụng những quan điểm và tiêu chí “ngoan” của trẻ em trước đây thì rất khó. 

Cha mẹ thường tự hào về sự độc lập, tự tin, hòa nhập tốt của các con trong cuộc sống công nghệ, đồng thời cũng phải chấp nhận cách giao tiếp ngắn, nhanh, trực diện của chúng. Những gia đình có con tuổi teen vẫn lễ phép, thật thà, trung thực nhưng tự tin, chủ động, độc lập cũng không hiếm, hầu hết là cha mẹ phải theo rất sát, rất tâm lý, nắm/buông đúng lúc, rất gần con nhưng giữ khoảng cách đủ để chúng không thấy bị kiểm soát gắt gao, thấy được cha mẹ tôn trọng.

Những gia đình lý tưởng này không phải lúc nào cũng vui, 100% không stress nhưng giảm thiểu tối đa các xung đột, va chạm còn các thành viên không cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà của mình. 

Lê Lan Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI