Mẹ luôn thương con

16/06/2023 - 21:36

PNO - Khi bản thân không cảm thấy hạnh phúc thì làm sao có thể mang hạnh phúc đến cho người khác?

 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tôi nhẹ nhàng ngồi vào chiếc ghế trống, đưa mắt nhìn xung quanh. Vài thai phụ đợi kết quả. Trên tay họ cầm khư khư cuốn sổ theo dõi sức khỏe thai kỳ dày cộp những hình ảnh, toa thuốc của một hành trình đem con đến với mình, với cuộc đời.

Bỗng dưng tôi như thấy mình của nhiều năm trước, cái bụng tròn căng sau chiếc váy hoa hồng hệt người mẹ trẻ ngồi cạnh. Tôi như thấy mình qua cách cô ấy khẽ khàng ngồi tựa vào lưng ghế, cố lấy từng hơi thở mệt nhọc. Tôi thấy lại mình những đêm kê gối ngồi, cố gọi giấc ngủ về. Rồi cả những miếng phim siêu âm được dán cẩn thận trong quyển nhật ký viết suốt 9 tháng và nhiều năm sau đó cho con.

Làm mẹ, hạnh phúc chứ! Chỉ cần 1 đứa con chào đời, người đàn bà vĩnh viễn sở hữu sức mạnh của một chiến binh bất khả chiến bại. Tất nhiên cái giá để trở thành chiến binh không phải là nhỏ. Có chiến binh nào tránh khỏi những vết thương? Đâu phải vết thương nào cũng chỉ là cơn đau thoáng qua hay một vết mờ rồi mất hút trên thịt da.

Dạo gần đây, hết giờ dạy, tôi và đồng nghiệp hay lấy cớ ngồi nghỉ một chút, nấn ná để nói với nhau ba điều bốn chuyện. Trong những câu chuyện kể của bạn bè, tôi cứ nghĩ mãi về chuyện các cô gái trẻ, học trò cũ của chúng tôi. Nhiều em không muốn kết hôn, không muốn sinh con. Yêu nhau đã 8-9 năm nhưng khi hỏi đến chuyện kết hôn, sinh con, các cô trả lời: “Em chưa sẵn sàng”.

Không hiểu sao tôi cảm thấy vui. Có cảm giác nhiều cô gái trẻ bây giờ dần ý thức trách nhiệm và cả kiến thức khi quyết định sinh 1 đứa trẻ. Để ra chiến trường, chiến binh cần tập luyện, trong tay phải có vũ khí cùng tinh thần sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy.

Trước khi sinh 1 đứa trẻ, người mẹ cần có sự trưởng thành về cảm xúc, có khả năng tài chính và có những hiểu biết nhất định về hành trình nuôi con. Nếu cứ nghĩ, kệ, nước lên đến đâu thuyền theo đến đó, làm sao tránh được những vết thương hằn sâu, có khi là đau đớn nhói buốt cả đời? Khi bản thân không cảm thấy hạnh phúc thì làm sao có thể mang hạnh phúc đến cho người khác? 

Không biết bao năm đã qua mà những dòng tin nhắn, những lời tâm sự cùng giọt nước mắt và cái cúi mặt của các học trò cũ vẫn khiến tôi nhớ mãi như một nỗi ám ảnh: “Mẹ con ghét con”, “Mẹ con nói con là sai lầm của mẹ”, “Con là nỗi nhục nhã và tai họa của bà ấy”…

Tôi còn nhớ cảm giác lúc đó, nước mắt chỉ chực trào ra bởi thương cho mẹ, cho con. Trên đời này có thứ tình yêu nào to lớn, là điểm tựa, có khả năng chữa lành vĩnh viễn trái tim con người bằng tình mẫu tử? Khi không còn nơi nào nương náu, người ta vẫn còn mẹ mà! Vậy nên, có bất hạnh nào lớn hơn cho con người nếu tình yêu ấy vì lý do nào đó thành một nỗi đau? 

Trẻ con vô tội. Các con được chúng ta mang đến thế giới này. Nếu đã mang các con đến, xin hãy chuẩn bị thật sẵn sàng. Mấy hôm nay, học sinh của tôi cứ nhao nhao: “Cô biết vụ em 11 tuổi sinh con không?”. “Cô ơi, tội em gái ấy quá!”. Tôi nghe mà mừng lắm khi các em học sinh 17, 18 tuổi ngày thường ngỡ vô tâm, mải ăn mải chơi, vậy mà suy nghĩ thấu đáo. Không có lời nào phán xét. 

Người mẹ trẻ ngồi cạnh quay sang nhìn tôi. Tôi kịp trông thấy 2 quầng mắt thâm sâu hun hút. Đôi mắt của những đêm dài mất ngủ, của những cơn nghén, của những lo toan… Tôi cảm thấy bản thân không thể nói làm sao cho thỏa cảm giác thương yêu và đồng cảm với những người đàn bà đã và sẽ làm mẹ trên đời này.

“Con với mẹ ổn hơn rồi cô. Con biết con không thể dùng tổn thương để chống lại tổn thương. Ai cũng tổn thương hết phải không cô? Lâu lâu con vẫn buồn mẹ nhưng con học cách dịu dàng và kiên nhẫn với mẹ. Con nghĩ mẹ sẽ hiểu. Rồi mẹ sẽ dịu dàng với con bởi mẹ luôn thương con mà, phải không cô?” - điện thoại tôi rung lên vì những dòng tin nhắn của cô học trò cũ. Một ngày thật đẹp. 

Triệu Vẽ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI