Có nên thử chồng?

17/02/2022 - 06:22

PNO - Trong hôn nhân, bất kỳ ai cũng có quyền được tính, được thử. Trong tính có thử, trong thử có tính.

Mặc dù không thích ồn ào, nhưng tôi phải công nhận rằng, thỉnh thoảng những anh MC ở đám cưới có được mấy câu rất… bắt tai: “Tình yêu là phép thử của cảm xúc, hôn nhân là phép tính của cuộc đời”.

Thật vậy, khi yêu người ta hay thử lòng nhau. Có thể bởi khi yêu, cả cô gái và chàng trai đều luôn trong trạng thái thăng hoa tình cảm, lẽ khác, vì đang giai đoạn hẹn hò, khám phá lẫn nhau nên việc đầu tư thêm thời gian để tìm hiểu, thử lòng đối phương là điều cần thiết.

Yêu gần có bao nhiêu cách thử, thì yêu xa bí kíp đó càng dày gấp đôi. Khi nghe tôi kể chuyện người yêu không nhắn tin đều đặn cho tôi mỗi ngày, song mỗi lần nhắn thì nhắn nhiều và rất ngọt ngào, Thúy bảo: “Đừng nghe ngọt mà vội say. Đôi khi ai đó quan tâm bạn cũng chỉ vì họ đang rảnh thôi. Tui vẫn hay nhắn nhiều cho bạn trai mỗi lúc đợi tàu, chờ khám bệnh hoặc ngồi chờ sửa xe”. 

Sau khi nói, bạn không quên dúi vào tay tôi cuốn cẩm nang nhỏ có tiêu đề 50 cách thử lòng bạn trai có yêu mình thật lòng hay không.

Không biết bạn thu lượm những bí kíp ấy ở đâu, nhưng bên cạnh những cách áp dụng tạm được như “ngỏ lời muốn được ra mắt gia đình đằng trai”, “thả những dòng trạng thái giận hờn bóng gió trên mạng”… thì cũng có rất nhiều phương pháp rất trời ơi đất hỡi, dễ hư bột hỏng đường, kiểu như: “Bạn hãy vờ bị tai nạn để người yêu ngay lập tức chạy đến” hay “Đang yên đang lành, bạn có thể soạn chuyện chia tay để chàng níu kéo”…

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Vì tính thật thà, tôi chưa bao giờ dám thử lòng nửa kia của mình. Cách của tôi đơn giản chỉ là khi đã chọn được người phù hợp thì thật dạ yêu thương, đặt niềm tin và nhẫn nại chờ đợi. Tôi tin, khi lòng người chân thành cộng hưởng với sự xếp đặt của duyên lành sẽ an bài một kết quả tốt đẹp.

Mấy năm sau, tôi và anh xã làm đám cưới. Chúng tôi chuyển công tác về chung thành phố, cùng bên cạnh, yêu thương nhau mỗi ngày. 

Tôi nghĩ, khi yêu không thử lòng vẫn có kết quả tốt thì đến khi cưới nhau về cũng không cần coi cuộc hôn nhân là một phép tính để so đo, khôn khéo. Nhưng tôi đã hiểu sai khái niệm của từ “phép tính”. Tính ở đây không phải là tính toán, là chi li, mà là tính liệu, là sắp xếp cất đặt sao cho con thuyền hôn nhân luôn được bình yên, có đích đến tốt đẹp để cùng nhau hướng đến. 

Khi yêu, điều quan trọng nhất là cảm xúc, và ai cũng có xu hướng đặt cảm xúc bản thân mình lên trên hết (muốn xem người ta có thật lòng yêu mình không, nếu đã yêu thì yêu như thế nào, có nhiều không) nên mới bày mẹo để thử lòng đối phương. Sau khi cưới, ngoài vấn đề tình cảm, cuộc sống gia đình còn rất nhiều danh phận, trách nhiệm khác mà hai vợ chồng phải đồng lòng gánh vác. Mỗi người vợ/người chồng không nên vì sự đầy đủ, đáp ứng trọn vẹn cho bản thân mà xem nhẹ người còn lại. Chiếc thuyền sẽ quay mòng vô phương giữa biển lớn nếu chỉ có một người chèo.

Tối hôm qua, vợ chồng hàng xóm cãi nhau to. Công ty may của chị vợ hàng làm không kịp. Ngoài tăng ca liên tục, chị còn ôm hàng tồn về bán tại nhà để kiếm thêm tiền. Trong khi đó, anh chồng ngày nào cũng tụ tập bạn bè nhậu nhẹt, hát karaoke từ trưa đến tối. Nhà tôi phía đối diện, vốn sẵn bực bội với tiếng âm thanh tra tấn hát hò kéo dài cả tuần, tôi chép miệng nói với chồng: “Mong đợt này chị Châu giải quyết luôn, chồng gì suốt ngày chỉ biết hưởng thụ, không nghĩ đến sự vất vả của vợ”. 

Chồng tôi trả lời: “Đời sống vợ chồng là một bài toán có nhiều cách giải. Đôi khi cứ cộng trừ nhân chia thẳng thừng sẽ ra kết quả, nhưng đôi khi cũng phải đóng ngoặc, mở ngoặc, giải quyết từng phép tính nhỏ trong phép tính lớn. Anh thấy chị Châu cũng ham công tiếc việc quá, không biết cân đối thời gian cho gia đình và chính bản thân chị. Bình thường chị quá kiệm lời, để dồn đọng mọi thứ rồi mới bung xả một lần. Mâu thuẫn vợ chồng dùng cách giải quyết cơm sôi thêm lửa như vậy sẽ không hiệu quả”.

Với câu nói “Tình yêu là phép thử của cảm xúc, hôn nhân là phép tính của cuộc đời”, quan điểm của chồng tôi thật đa dạng và thấu đáo.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Anh bảo, khi yêu người ta vẫn có thể tính, mà khi đã cưới nhau vẫn có thể thử. Rồi anh kể câu chuyện cô bạn tên Trang muốn chồng chiều chuộng nên nhắn tin cho một nick lạ do chính cô lập ra, để thử lòng chồng, mong anh ấy đầu tư công sức quan tâm vợ, hâm nóng tình yêu. 

Cứ đêm xuống là cô nhắn thương, nhắn nhớ rồi bày binh bố trận sao cho chồng đọc được. Xui cho cô, khi “bắt được quả tang”, anh chồng đi uống một trận thật say rồi về nhà gây chuyện ồn ào, tung hê mất kiểm soát. Anh chửi vợ đã có chồng còn mê trai. Cuộc tình của họ chưa kịp hâm nóng thì đã cháy khét lẹt. Trang chỉ thử, nhưng cô không biết tính, nên không lường hết hậu quả.

Trong hôn nhân, bất kỳ ai cũng có quyền được tính, được thử. Trong tính có thử, trong thử có tính. Nhưng cũng như cách hai vợ chồng đang cùng dùng chung một tấm chăn, phải biết gia giảm, co kéo ở mức độ hợp lý mới mong giữ được ấm áp.

Minh Thi 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI