“Trang sức” trẻ thơ

20/05/2023 - 06:06

PNO - Đám trẻ chúng tôi đã đi qua những ngày gay gắt ấy bằng nhiều niềm vui và nay quãng đời ấy đã trở thành kỷ niệm an lành.

Những ngày nắng như đổ lửa, bạn bè khắp nơi càu nhàu từ online đến offline. Nghe người lớn cáu bẳn với ông trời, bỗng nhớ và thương quá đỗi những mùa hè thơ bé của mình, nắng nóng mà không đứa nhỏ nào buông lời thở than.

Đám trẻ chúng tôi đã đi qua những ngày gay gắt ấy bằng nhiều niềm vui và nay quãng đời ấy đã trở thành kỷ niệm an lành.

Bắt đầu vào hạ, lũ nhỏ đã bày ra biết bao trò chơi. Tôi cùng bạn thường ngồi dưới gốc cây lêkima nhặt những bông hoa rụng để xâu thành sợi dây chuyền, chiếc nhẫn và những vòng tay. Gì chứ hoa lêkima thì có suốt mùa hè, chỉ cần cây kim, sợi cước và cây kéo là đám nhóc loi nhoi dư sức sắm sửa cho mình những bộ “trang sức” lộng lẫy. Nhưng không lẽ đeo hoài những bông hoa ấy? Đời trẻ con đâu đơn điệu vậy. Hàng loạt những loại lá cây khác cũng được chúng tôi tận dụng làm đồ trang sức.

Ảnh mang tính minh họa - Internet
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Cả đám men theo bờ sông, bẻ lá khoai mì làm dây chuyền đeo chơi. Dễ ợt, đứa nào cũng làm được. Quay ngược chiếc lá lại, phần que cứng bẻ từng khúc xen kẽ nhau, lớp lụa nâu đỏ bên ngoài là “chất kết dính”, cuối cùng là cắt ngắn gần hết khúc lá xanh để biến chúng thành mặt dây chuyền. Bọn con trai đời nào chơi mấy trò của con gái, nhưng không chơi chung với đám ấy thì còn gì vui.

Thế là tụi nó đi bẻ lá dừa lại ngồi chơi chung dưới gốc cây, thắt chiếc nhẫn, đồng hồ. Ngoài ra, chúng tôi còn thắt đủ thứ, nào cào cào, chim chóc, máy bay, nào nón, nào hoa… từ lá dừa. Những món đồ của mấy đứa khéo tay xứng đáng xếp hạng “cực phẩm” chớ chẳng chơi. 

Vô số kiểu chơi và sân chơi của đám nhóc xóm tôi là dưới các gốc cây lớn có tán rộng mát như cây xoài, vú sữa...

Mùa hè với chúng tôi là chuỗi ngày nói cười rôm rả. Chơi đó, rồi cãi đó, rồi lại chơi, rồi lại cãi… cứ lòng vòng và vô tư như vậy. Chúng tôi thường trốn ngủ trưa, lang thang khắp xóm, quậy phá đủ trò làm phiền lòng người lớn nhưng tuyệt nhiên không nói lời vô lễ và cũng không có trò cô lập bạn hay rủ nhau đánh hội đồng đứa nào.

Trò chơi bình dị ấy níu đám trẻ xích lại gần nhau, chỉ bày nhau về kỹ năng làm đồ chơi, từ đó đôi tay khéo léo hơn và đầu óc cũng nhạy bén hơn. Chúng tôi chia nhau từng củ khoai, hạt đậu, vừa làm “trang sức” vừa kể chuyện ba má, anh chị em ở nhà và chuyện thầy cô, bạn bè trên lớp cho nhau nghe.

Ngày của tụi trẻ cứ thế trôi đi - những mùa hạ mang niềm vui riêng tư mà không có bóng dáng của bất kỳ người lớn xen vào. Chúng tôi bày trò chơi, bất đồng rồi cãi nhau, đánh nhau cũng có nhưng sau đó là tự dàn xếp, chẳng đứa nào về nhà méc ba má.    

Lũ trẻ tôi - và cả những người đã ngoài 40 tuổi khác - đã lớn lên với những mùa hè như thế, chắc hẳn không thiếu vắng những “bộ trang sức” bằng hoa lá chẳng đáng một xu mà sao êm đềm quá đỗi. Rồi tôi chạnh lòng chợt hỏi: Vì đâu mà bây giờ muốn một đứa trẻ lớn lên bình yên khó đến thế? Ai còn dám thả con đi chơi quanh xóm suốt cả mùa hè như xưa mà không sợ gì? Thôi đành nhìn cuộc sống đổi thay theo lẽ vô thường, nhưng nhắc mình nhớ học những đứa trẻ ngày xưa.

Ảnh mang tính minh họa - Lê Minh
Ảnh mang tính minh họa - Lê Minh

Trong đôi mắt của đám trẻ ngày ấy, mớ trang sức hoa lá chẳng khác gì vàng vòng vì chúng được định giá bằng niềm vui. Vậy thì, học chúng thôi, tập “định giá” mọi thứ bằng niềm vui, không nhìn giá trị qua những con số. Cũng trong đôi mắt trẻ thơ, an vui theo mùa, có gì phải thở than. Lại học chúng để biết sống an nhiên, mùa hạ tìm bóng cây, mùa đông lội dòng nước lụt.

Mùa hè nào ở miền Trung mà nắng nóng chẳng theo về, mùa đông nào con đường không ngập nước vài đợt. Những “bộ trang sức” ngày xưa giờ đây đã tan biến trong đất nhưng nhờ đó, chúng tôi có vô vàn loại “trang sức” khác cho hành trình sống của mình: tình bạn ấu thơ, tháng ngày êm trôi thuở ấy và cả những bóng mát dưới tán cây bây giờ dễ gì tìm được. 

An Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI