Được chơi với cây, với sông, với đất…

22/07/2022 - 14:31

PNO - Có lẽ phần đông chúng ta quên rằng, ngoài trí thông minh do tri thức mang lại, còn có một dạng của trí thông minh do tâm thức biết xúc cảm trước đời sống tạo ra.

Đứa trẻ nào cũng rất mê thiên nhiên
Đứa trẻ nào cũng rất mê thiên nhiên

Con sông rộng như tắm trong nắng trời. Mùa này nước đang ròng, nên lớp đất sình ở hai bên bờ sông có dịp phơi mình dưới ánh nắng sớm mai. Phủ bên trên lớp đất ấy là những mảng rong xanh ẩm ướt. Một vài dấu chân lõm sâu của những người mò hến nằm rải rác dọc hai triền sông. Mùi hăng của đất, mùi thơm ngái của cỏ theo gió nhẹ lùa qua không gian. Một con cá thòi lòi nhỏ chễm chệ ngồi bằng hai chi trước trên một mô đất nhỏ lẩn khuất dưới bãi lầy của bến nước nhà ai…

Tôi cùng vài người bạn ngồi trên chiếc ghe tam bản nhỏ, thả hồn theo dòng nước, vừa ngắm sông vừa trò chuyện. Tiếng cười nói thỉnh thoảng lại chen ngang bởi tiếng của chú chim sâu trong đám cây bụi bên bờ. Đứa trẻ duy nhất đang ngồi trên ghe thích thú dang rộng đôi tay như thể đang bay. 

“Có lẽ là một sự may mắn, khi mà hầu hết thời gian của thời thơ ấu, chúng ta được tiếp xúc với cây cối, với sông ngòi và với đất. Lũ trẻ bây giờ thì không được như thế”, mẹ của đứa trẻ lên tiếng khi nhìn thấy hình ảnh con. Ánh mắt của cô vẫn còn rất trẻ, đang dõi nhìn về phía những dãy nhà cao tầng kiêu căng ở phía xa kia, trong ngôi chợ mới cất. 

Ký ức những trò chơi thơ trẻ của chúng tôi trong phút chốc hiện về. Từ bắn bi, cò chẹp, ô ăn quan, chơi nhà chòi, pháo đất, trốn tìm, chơi ken, chơi u, bắn ống thụt… những trò chơi đều gắn liền với đất hoặc với sông. Trẻ con bây giờ dành hầu hết thời gian cho việc học ở trường, cho các trò chơi điện tử, cho máy tính. Thiên nhiên các con tiếp xúc cũng phần nào đã mang tính nhân tạo. Các cánh cửa nhà hàng xóm cũng không mở lòng chào đón các con một cách tự do.

Tôi chợt nghĩ, có đúng không khi chúng ta, những người lớn, những bậc phụ huynh, đồng nhất việc phát triển của trẻ với sự tích lũy và tăng trưởng của tri thức. Có lẽ phần đông chúng ta quên rằng, ngoài trí thông minh do tri thức mang lại, còn có một dạng của trí thông minh do tâm thức biết xúc cảm trước đời sống tạo ra. Đời sống nói đến ở đây bao hàm cả thiên nhiên, các mối liên hệ giữa người và người, chứ không chỉ là những cấp bậc xã hội, những chặng đường chinh phục, gặt hái thành công hay những nỗ lực tranh đấu để thành đạt. Thứ trí tuệ xúc cảm mang tính toàn thể trước đời sống này cần phải được đánh thức từ sớm, và phải được nuôi dưỡng suốt cuộc đời. 

Có thể, ai cũng mang suy nghĩ giống tôi. Vấn đề nằm ở chỗ, người lớn chúng ta quá bận bịu, để rồi không có thời gian vui chơi với con. Nếu trường học chỉ có học và học, thì gia đình phải trở thành môi trường giao tiếp cho trẻ, là nơi kết nối trẻ với công việc nhà, với thiên nhiên, với tất cả. Nếu không như thế, một ngày không xa, thế giới ảo sẽ trở thành môi trường giao tiếp quan trọng nhất của chúng. Và để nuôi dưỡng lòng nhạy cảm cho trẻ, cha mẹ phải tự nuôi dưỡng trí tuệ xúc cảm cho chính mình. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI