Nghĩ về hạnh phúc của tuổi già

24/07/2020 - 18:03

PNO - Tiếng xe cứu thương vang lên inh ỏi trong đêm và ngừng lại trước nhà ông Schmidt. Ba bốn người lúi húi đưa ông lên xe. Sáng ra được dịp hỏi thăm con ông, thì được biết ca cấp cứu tối qua không thành.

U100 - ở nhà một mình

Những năm 40 của thế kỷ trước, nước Đức còn là đống hoang tàn sau thế chiến thứ hai. Ông Schmidt - cũng giống như nhiều người Đức khác - đã lên đường tìm vùng đất mới. Ông đến xứ sở chuột túi và quyết định lưu lại Sydney (Úc). Lúc đó, khu Pittwater chưa có nhiều người. Ông chọn cho mình một thửa đất rộng rồi trồng trọt, xây nhà ở đó.

Ngôi nhà ấy giờ trở thành căn cuối cùng trong con đường cụt. Sau khi bà mất, ông vẫn sống một mình với nó. Ông nuôi một chú chó điện tử trước nhà. Cứ sáng sớm, tuần ba buổi là chó sủa gâu gâu, báo ông biết có người giao sữa. Thỉnh thoảng chó lại sủa khi con cháu đến thăm ông.

Hơn 5 năm trước, những ngày chúng tôi mới dọn về xóm này, ông hàng xóm Schmidt đã sang nhấn chuông thăm hỏi. Lúc đó ông đã ngoài 90, nhưng vẫn còn tự lái xe đi siêu thị. Không lâu sau đó, cái vỉa hè trước nhà ông được sửa lại, người ta bắc ngang chiếc ván hẹp để ra vào. Chân ông run run vượt qua thách thức, bước từng bước nhỏ băng qua cầu.

Đến được sân nhà, ông ngoảnh lại nhìn thì phát hiện mình quên khóa xe. Nhờ chúng tôi kịp sang giúp, ông vui mừng như vừa thoát khỏi một bàn thua. Rồi sẵn dịp ông mời chúng tôi vào nhà, dắt đi tham quan giới thiệu khắp nơi.

Vườn nhà ông cây trái bốn mùa rụng đầy. Cứ vài ba tuần ông lại bảo chúng tôi sang hái mang về. Rồi ông lại kể những câu chuyện (cũ có, mới có) về chiến tranh, về những tháng ngày trai trẻ oai hùng, đến những chặng đường cùng bà xây tổ ấm mới, những chuyến về thăm lại cố hương kẻ mất người còn...

Có những đoạn gần như muốn thuộc lòng, nhưng chúng tôi cứ há hốc mồm lắng nghe, tận hưởng cảm giác tuổi thơ đang trở về, được quây quần nghe ông kể chuyện và thấy ông cười hiền hòa vì có bạn để "giải phóng" nỗi cô đơn. Thời gian trôi, sợi dây gắn kết vô hình giữa những kẻ tha hương dần hình thành tự lúc nào không rõ.

Viện dưỡng lão có hơn ở nhà?

Vì một số lý do nhất định mà không ít người cao tuổi ở các nước phương Tây phải trải qua những năm tháng cuối đời tại các trung tâm dưỡng lão. Đến đây, các cụ được chăm lo về nhiều mặt, nhưng điều đó chẳng khác gì để cuộc sống rơi vào thế bị động. Rồi khi dịch bệnh bùng phát, các trung tâm lại trở thành nơi "đe dọa" nhất.

Tại các viện dưỡng lão ở Anh, thời điểm này đã có hơn vài ngàn người chết vì Covid-19. Còn ở Canada, độc giả bàng hoàng hay tin nhiều nhân viên của Résidence Herron (Montreal) đã bỏ rơi người già ở viện. Trong nhiều ngày liên tục, các cụ không được chăm nom vệ sinh, thức ăn không ai cung cấp, dù mức phí mỗi tháng cao đến hàng ngàn, thậm chí chục ngàn đô la. Khi phát hiện ra thì người chết mòn trong viện đã lên đến con số 31. Và tất nhiên, còn nhiều câu chuyện bi thương khác đã và đang xảy ra khắp nơi trong mùa dịch.

Nói điều đó không có nghĩa là cuộc sống tại các trung tâm trước đó chẳng có gì bất cập. Ví dụ điển hình như: hôm giáng sinh 2019, người cao tuổi trú tại viện dưỡng lão The Vales (Adelaide, bang Nam Úc) đã khóc ròng khi chìa tay nhận bữa ăn "thịnh soạn" với món khoai tây nghiền kèm hạt đậu; rồi đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ đông về là bệnh cúm lại tấn công thành "ổ" ở những nơi này.

Suy đi ngẫm lại, ông Schmidt đã có một cuộc sống đầy đủ, tự do đến cuối đời, dù rằng cũng lắm nỗi cô đơn. Gặp nhau, quyến luyến rồi ly biệt, người ở lại sao tránh khỏi bùi ngùi. Nhưng "sinh - lão - bệnh - tử" đã là quy luật của tạo hóa, buộc ta phải chấp nhận.

Tối nay gọi Facetime về nhà thì gặp mẹ đang đút dở bữa cháo chiều cho ngoại. Ông bị tai biến, mất tiếng và không đi được hơn một năm qua. Ngoại sống với cậu út, nhưng nhờ có năm trong sáu người con vẫn ở cùng một huyện, nên hằng ngày các con thay nhau đến bầu bạn, chăm sóc ông.

Mẹ kể ông bị sặc bữa xế, nên chiều cậu bế ông xuống xe lăn, vừa ăn vừa hóng mát ngoài sân. Mẹ ngừng đút rồi giơ máy cho hai ông cháu gặp nhau. Cháu nói, ông nghe gật gật đầu cười, mắt ánh lên niềm hạnh phúc. Ngoại chưa từng được đi xe sang như ông Schmidt, cũng chẳng sở hữu khối tiền lớn để lo cho tuổi già. Nhưng có lẽ nếu so ra, ngoại là người may mắn hơn cả.

Nghĩ về thế hệ trước rồi nghĩ đến mình. Mẹ giờ gắn bó với ông, rồi đến một ngày mẹ già yếu, hai đứa con lại đang xa xăm tự phương nào. Băn khoăn thầm tự hỏi mình, giữa đêm dài 
tĩnh lặng. 

Thu Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI