Một lần đi bán bông tết

02/01/2022 - 05:39

PNO - Càng cận kề cái tết, thiên hạ càng rộn ràng bao nhiêu thì người bán bông càng thấp thỏm bấy nhiêu.

Lúc còn nhỏ, tôi là con út, được cưng nhất nhà, tôi hay mè nheo, tỵ nạnh với con Tý, con Lành hàng xóm vì tụi nó đứa nào tết cũng có áo mới. 

Má vuốt tóc tôi, thở dài. Chị Hai nói sẽ sửa cái áo bông tím của chị cho tôi mặc. Tôi thích cái áo bông tím của chị từ lâu nên khấp khởi mừng. Chị Hai tiếc vải, nên áo sửa rồi vẫn dài rộng thùng thình. Con Lành cười khùng khục: “Ê, mày mặc áo khính của chị Hai phải hông?”. Tôi quê độ quá trời.

Ba bàn với má thuê ghe rồi mua bông chở đi bán. Tết nhà nào cũng chưng vài chậu cúc, vạn thọ, bán kiểu gì cũng có lời, có tiền sắm áo mới cho tụi nhỏ. Đó là ba tính vậy thôi, chớ bông là thứ xa xỉ. Thịt thà bánh mứt đủ rồi, dư ra người ta mới mua bông. Sạp bông của ba má xấu mối mở hàng, nên dù bông to, nở đẹp vẫn ế nhệ. Má biểu: “Rao đi con, giọng con nít người ta nghe tội nghiệp, sẽ ghé mua”.

 

“Bông cúc, bông thọ đê”, giọng tôi chắc không tội nghiệp lắm nên người ta chỉ ngoái nhìn. Người ghé lại thì chê bông nở sớm quá, chậu này nở vầy sao kịp tết… Chê ỏng chê eo rồi trả giá thấp, tôi tức muốn khóc.

Ngồi bên này, tôi ngóng qua dãy bán quần áo bên kia. Đầm xanh đầm đỏ, cái bằng voan cái bằng ren đẹp như công chúa. Tôi biết má sẽ không đủ tiền mua đầm ren, thôi thì cái bằng vải màu xanh kia cũng được. Tôi nghĩ sáng mùng Một mà mặc chiếc đầm ấy về ngoại chắc vui phải biết.

Cặp bông to đùng má bán 40.000 đồng, rồi hạ giá còn 30.000 đồng. Người mua trả giá được rẻ thì mừng rơn, chỉ có má là rầu. Nhìn vẻ hớn hở của người mua, tôi chỉ ước… giá họ đi bán bông một lần cho biết. Mấy chậu bông đẹp vậy, giờ tôi hết thương, chỉ ước tụi nó “đi” cho sớm. Giờ tôi không cần áo mới gì nữa, chỉ mong má bán hết mớ bông…

Trưa 30 tết, vẫn còn hơn 30 chậu bông. Má khóc: “Phen này nhà mình mất tết”. Ba ngồi nhẩm tới nhẩm lui: “Lỗ mấy triệu đồng lận bà ơi”. Ba đi gặp chủ vựa bông, lí nhí xin khất mấy triệu đồng tiền nợ. Chủ vựa liếc qua, thấy tôi đứng bí xị kế bên, chắc mặt tôi thảm quá nên ông cho nợ, còn biếu ba ít tiền để “tụi nhỏ nhà anh có tết”. Tôi muốn nhào tới ôm ông chủ vựa để cảm ơn. Với số tiền đó, má mua được hai ký thịt và bịch thèo lèo về cúng ông bà.

Trên đường về nhà, hai bên bến sông nhà nhà mai vàng rực, nhà nhà chưng bông bên thềm. Đây đó, bếp lửa nấu bánh tét còn reo vui. Các dì các chị mang xuống bến giặt nốt chiếu mền, cọ rửa nốt mớ nồi niêu. Ai cũng hối hả trong chiều cuối năm để năm mới được tinh tươm, tươi mới. Những gia đình thương hồ lấy ghe làm nhà cũng chưng hai chậu bông thọ trên mũi ghe. Dán giấy đỏ in chữ “phúc” hai bên mui ghe… Thấy má rầu rầu, ba an ủi: “Thôi bà đừng buồn, có thịt thà bánh mứt là được rồi. Người ta sống trên ghe, không có nhà để về cũng đâu có buồn”.

Tối muộn, ghe bông về tới nhà, chỉ ngọn đèn dầu leo lét trên bàn thờ. Chị Hai chị Ba ào ra, mếu máo nói trông ba má quá trời. 

Má nói: “Năm nay không có áo mới nghe con”. Chị Ba khóc thêm một trận, nói ba má về là mừng rồi, cần chi áo mới. Các chị ào xuống ghe, bưng mấy chậu bông ế chưng trước thềm nhà. Chị Hai kho thịt, chị Ba bày thèo lèo ra cúng. Vừa xong là kịp lúc giao thừa. Cả nhà thắp nhang cúng ông bà. Má sụt sịt: “Cầu ông bà độ sang năm khấm khá, chứ đi buôn lỗ vốn vầy sợ lắm rồi”. Ba rầy: “Tết nhất, đừng nói chuyện không vui. Không ai giàu ba họ, khó ba đời. Sang năm nhà mình sẽ khá hơn, biết đâu!”. 

“Biết đâu”, sự ngóng vọng về điều may mắn trong năm mới luôn tha thiết đến xót xa. Cũng may mấy năm sau này ba má làm ăn khấm khá dần, áo mới không còn là mơ ước quá cao xa với chị em tôi.

Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy
Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy

 

Giờ ba má đã thành người thiên cổ. Chuyến đi bán bông năm nào thành ký ức trong tôi. Vậy nên tôi luôn có sự đồng cảm với những người bán bông ngày tết. Càng cận kề cái tết, thiên hạ càng rộn ràng bao nhiêu thì người bán bông càng thấp thỏm bấy nhiêu. Mỗi năm tết có một lần, chợ bông chộn rộn chỉ mấy ngày. Vốn liếng, bánh mứt, áo mới, thịt thà… nằm hết ở mấy chậu bông. Bán có lãi, nhà sẽ có tết, ngược lại, là một năm nợ nần đeo mang.

Mấy năm nay, mọi người hay bảo nhau đừng đợi ngày cuối mới mua bông. Hãy mua sớm và cũng đừng cò kè trả giá để người bán bông, nông dân trồng bông còn có tết. Cái đẹp, đôi khi đánh đổi bằng mồ hôi và cả nước mắt nhọc nhằn. Mình có tết, cũng nên sẻ chia cho nhau để ai cũng có tết. Người ta vui, mình cũng vui. 

Đức Phương

 

 

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhyeuhonnhanvi /strCate=tinhyeuhonnhan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEchamevaconvi /strCate=chamevacon

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtinhvalyvi /strCate=tinhvaly

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEphongcachsongvi /strCate=phongcachsong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhonnhangiadinhvi /strCate=honnhangiadinh