Má đã chịu về quê

18/07/2021 - 17:42

PNO - Chiều, má với ba làm vườn, chủ yếu ba làm, má chỉ phụ nhổ cỏ, nhặt rác. Tối, những đêm trăng, má ra vườn nghe tiếng ếch nhái còn thư giãn hơn nghe karaoke…

Chị - dù đã hơn 60 - nhưng theo nhận xét của đa số thì chị thuộc típ đàn bà năng động, trẻ trung hơn so với tuổi. Với mái tóc tém ngắn gọn gàng được nhuộm màu, chị hoạt bát, biết nhảy đầm, biết uống bia, lướt Facebook ào ào, có thể chạy xe máy vi vu hàng chục cây số… 

Anh hơn chị gần một con giáp, như một thái cực đối lập với vợ. Anh sống mẫu mực kiệm lời, không trai gái, không hút thuốc, không bia rượu, chỉ vui thú điền viên sau khi nghỉ hưu. Vợ và con gái út vẫn ở căn nhà trong hẻm, còn anh về vườn nhà ba mẹ để lại, cách trung tâm thành phố hơn 60 cây số.

Chị chê: “Vùng sâu, vùng xa chỗ gì mà không có quán xá”. Anh tiến hành sửa sang lại căn nhà từ đường cho tươm tất, cải tạo lại vườn cây ăn trái tạo bóng mát.

Nói chung, nhìn vào mọi người đều thấy cuộc sống của anh sung túc và an nhiên, tự tại, không phải lo nghĩ nhưng có một thắc mắc mà ai cũng muốn hỏi: “Chị đâu, sao không về?”. Anh cười cười: “Bả còn ham vui, thôi kệ…”.  

Cô con gái đầu nhỏ nhẹ thưa với mẹ: “Vợ chồng già là phải nương tựa nhau, tụi con ai cũng có gia đình riêng và nhà cửa ở đây. Má về quê với ba để đỡ đần cho ba, tụi con cũng yên tâm hơn”.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cô thứ hai tiếp lời: “Ba cũng gần 80 rồi, đau bệnh liên miên, mà cũng còn có mấy năm nữa đâu. Ở quê nhà cửa rộng rãi thoáng mát, má về ở với ba. Nhà ở đây để út Xuân trông coi…”.

Chưa để con cái trình bày hết ý kiến, chị nạt ngang: “Giờ không nói nhiều, để cho công bằng thì cứ má về dưới đó một tuần thì tụi con chia ra mỗi đứa về một tuần, giáp vòng như vậy cũng trọn tháng. Chớ tụi bây sung sướng ở thành phố rồi bắt má về quê, buồn lắm, không được đi đâu hết,  má xác định ở thành phố là chính”.

Tháng trước, anh nhập viện do suy tim, huyết áp, khớp… Chị phân công: “Má về coi nhà cho ba, còn mấy chị em thay ca vào viện chăm sóc ba, chứ má già rồi, không có sức chăm đâu”. Bác sĩ chẩn đoán anh đi lại nhiều nên chân bị sưng tái đi tái lại. Mà anh ngồi một chỗ thì ai lo cơm nước, cây cối, chó gà… 

Khi ba xuất viện được hai tuần, các cô con gái cứ tưởng má sẽ vội về thành phố. Thế nhưng, trên Facebook của má ngày càng nhiều hình “nhà mình”, từ vườn cây ăn trái lúc nào cũng có quả chín, đến cái sân gạch sạch sẽ, cái cổng có giàn thiên lý nhìn ra con sông xa xa… cả con chó mực, bầy gà mới nở cũng được má đưa lên mạng…

Rồi ba, bốn tuần, các cô con gái cũng không thấy má về nên nhắn tin hối hả. Chị trả lời: “Dịch đang bùng nổ, các con ở yên một chỗ, không cần về đây, ba đã có má lo”.  

Mấy cô con gái không tin đó là lời của má, vì cách đây không lâu, má còn cho rằng, người già nên được tự do, bám lấy nhau, chỉ làm phiền nhau. Giờ má thay đổi tư duy là phải có lý do.

Chị không nói nhiều với các con gái, nhưng siêng đăng hình, viết bài trên Facebook để “tụi nó” biết má đang làm gì. Sáng, má dậy sớm, đạp xe thể thao một vòng đường rợp bóng cây, rồi bên ly cà phê nóng, ngắm hoa cao hứng làm mấy vần thơ.

Muốn ăn con cá con tôm tươi rói có người mang đến tận nhà bán giá rẻ. Có khi không cần trả tiền mà đổi cá tôm lấy trái cây, bầu bí… Toàn người trong làng, bà con xa gần với nhau mà.

Chiều, má với ba làm vườn, chủ yếu ba làm, má chỉ phụ nhổ cỏ, nhặt rác. Tối, những đêm trăng, má ra vườn nghe tiếng ếch nhái còn thư giãn hơn nghe karaoke…

Lâu nay, chị cứ nghĩ ở quê là… quê, là chán, không năng động, nhưng không khí trong lành, người quê hiền hòa, thêm ông chồng ít nói, hay  cười, ăn uống đơn giản… khiến chị tự hỏi “sao mình không tận hưởng cuộc sống bình an nơi đây”. Chị tham gia tổ hội phụ nữ, hội làm vườn, bao việc cần chia sẻ với nhau, chứ đâu phải ở quê là cứ ru rú trong nhà.

Còn các con chị mừng nhất là ba má một nhà, dù cả hai “người già” chung quan điểm “tự lo là chính”. 

Tuyết Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI