Liên tiếp các vụ ôm con tự tử: 5 câu hỏi báo động 1 người muốn tìm đến cái chết

20/05/2022 - 11:06

PNO - Có thể trắc nghiệm mức độ muốn tự tử của một người bằng 5 câu hỏi. Nếu tất cả đáp án đều là "có" thì tình trạng của người đó thực sự nguy hiểm.

Bài test cho người có ý định tự tử

Trưa 17/5, những người lưu thông trên cầu Cửa Đại (nối TP. Hội An và huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) nhìn thấy người đàn ông điều khiển xe máy chở theo bé gái chừng 6 tuổi, dừng ở giữa cầu.

Sau một chút tần ngần, người này ôm cháu nhỏ nhảy xuống sông Thu Bồn trước sự hoảng hốt của những người chứng kiến.

Nhiều vụ việc cha mẹ tự tử kéo theo con mình cùng chết.
Nhiều vụ việc cha/mẹ tự tử mang theo con 

Chỉ một tuần trước, vào ngày 8/5, chị V.T.H.T. (giáo viên mầm non tại huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) đã đưa hai người con (9 tháng tuổi và 2 tuổi) đi khỏi nhà. Sau đó, người thân, đồng nghiệp của chị T. nhận được nhiều tin nhắn của chị với nội dung khá tiêu cực, nên vội vã đi tìm. Gần hai ngày tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể cả 3 mẹ con chị T. trên sông Thái Bình.

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hiển - công tác tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM - cho rằng đó là những hành động cực đoan, tồi tệ và đáng lên án nhất. 

Nhiều người lo lắng sau khi họ tìm tới cái chết sẽ bỏ con bơ vơ, không muốn con mồ côi cha/mẹ, không người nuôi dưỡng nên chọn cách cho con chết cùng mình. Các trường hợp này hay gặp nhất là ở trầm cảm sau sinh, ở nam giới ít hơn. Đa số họ gặp bế tắc. 

Bình thường, ai có suy nghĩ tự tử đã là lệch lạc, bệnh hoạn. Nếu họ còn có suy nghĩ lôi theo người thân đi cùng là suy nghĩ cực kỳ tồi tệ. Đặc biệt, có người còn có suy nghĩ chết để trả thù người ở lại. Dù lý do gì đi chăng nữa, đây đều là hành động cần lên án.

Thông thường, khi khám và tiếp xúc với người có dấu hiệu trầm cảm, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển cho biết, các bác sĩ chuyên khoa thường tìm hiểu người đó có dấu hiệu toan tự sát hay không? Bác sĩ tìm theo kinh nghiệm chuyên khoa, hoặc bệnh nhân tự nói họ muốn tìm tới cái chết. 5 câu hỏi sau thường được dùng để đánh giá mức độ nguy hiểm của tình trạng tự sát:

1. Cuộc hôn nhân của mình có thất bại hay không? (Có những bà mẹ trầm cảm sau sinh họ thấy cuộc hôn nhân của mình không như mong muốn, thất bại hoàn toàn).

2. Có nghĩ mình là người vô dụng không?

3. Có nghĩ việc mình chết đi có làm gia đình mình tốt hơn không?

4. Có thường suy nghĩ về cái chết?

5. Có cho rằng mình chết đi thì gia đình mình tốt hơn, hay giúp trả thù người còn lại không?

Nếu tất cả các câu trả lời trên đều cho đáp án là "có" thì thực sự báo động.

Đặc biệt, với một người có ý định tự tử nhưng chưa thực hiện, nếu họ đang khóc lóc buồn bã, đột nhiên lại bình tĩnh lạ thường, không khóc lóc nữa, thì cảnh báo tình trạng nguy hiểm: họ đã quyết định tự tử, chuẩn bị thực hiện điều đó. Báo động này cần có sự giám sát ngăn chặn kịp thời của người thân và can thiệp y khoa về tâm thần khẩn cấp.

Qua các trường hợp tự tử liên quan tới đời sống vợ chồng, hôn nhân, gia đình, bác sĩ Hiển cho rằng đa số họ đều đi đến từ trầm cảm, thất vọng trong cuộc sống. Những người bộc phát hiếm hơn, ví dụ như người không dám đối diện với người thân do một cú sốc nào đó như thất tình, thua lỗ chứng khoán, cờ bạc… họ đã có trầm cảm nhẹ và gặp thêm cú sốc thì sẽ có quyết định tự sát nhanh chóng.

Căng thẳng kéo dài có thể dẫn tới trầm cảm, không thiết tha cuộc sống và muốn giải thoát (Ảnh minh họa)
Căng thẳng kéo dài có thể dẫn tới trầm cảm, không thiết tha cuộc sống và muốn giải thoát (Ảnh minh họa)

Bí quyết kiểm soát cảm xúc tiêu cực 

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển chia sẻ rằng, bất cứ ai cũng có những áp lực, stress, điều quan trọng bạn vượt qua nó như thế nào. 

Các biểu hiện stress: mất ngủ, dễ bùng nổ cảm xúc, làm việc không tập trung, dễ mất bình tĩnh. Khi đó, bạn cần lấy lại thăng bằng của cuộc sống như nghe nhạc, làm việc mình thích, đọc sách, đi chơi cùng bạn bè, thiền, tập luyện thể thao. Nếu sau 2 đến 3 tuần, các triệu chứng không hết, có dấu hiệu nặng nề hơn, bạn nên tìm bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để được tư vấn và có hướng điều trị thích hợp. 

Trầm cảm có một thời gian dài từ stress chuyển thành, vì vậy bác sĩ Hiển cho rằng không nên để tình trạng stress kéo dài.

Trong cuộc sống hiện đại, mỗi người sẽ luôn song hành hai cảm xúc tích cực và tiêu cực. Để kiểm soát cảm xúc tiêu cực hiệu quả nhất, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển khuyến khích tìm ra căn nguyên và các sự việc khiến cảm giác tiêu cực bùng phát để giải quyết. Ngoài ra, hàng ngày mỗi người cần duy trì luyện tập để làm giảm tăng tiết các hormone gây căng thẳng. Nhờ vậy bạn có thể kiểm soát, điều chỉnh cảm xúc tiêu cực tốt hơn. 

Mỗi người nên học cách quản trị và thấu hiểu cảm xúc của mình một cách từ từ, đừng tự tạo áp lực, bạn sẽ giảm stress và trầm cảm trong tương lai.

Phương Thuý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI