Phụ nữ châu Á ngày càng trầm cảm hơn

14/04/2021 - 08:56

PNO - Hằng năm, trên thế giới có gần 1 triệu người chết vì tự tử, và con số muốn tự tử còn cao hơn. Các nước thu nhập thấp và trung bình đặc biệt có nguy cơ về tự tử, chiếm 75% số vụ tự tử trên toàn cầu, trong đó các nước thu nhập thấp và trung bình ở châu Á chiếm gần 40%. Tình trạng đáng lo ngại này xảy ra ở mọi độ tuổi, và tỷ lệ nữ tự tử cao gần gấp đôi nam giới.

Khi đại dịch vẫn còn ám ảnh toàn cầu thì trầm cảm cũng được gọi tên với những trường hợp tử vong do một ai đó muốn tự giải thoát cuộc đời mình. Những căng thẳng trong mùa dịch, thất nghiệp, gánh nặng kinh tế, áp lực gia đình khiến nhiều người tìm đến cái chết để giải thoát.

Báo động đỏ

Nhật Bản vẫn là quốc gia có tỷ lệ tự tử vì trầm cảm cao nhất thế giới và gần đây, tỷ lệ tự tử ở phụ nữ trẻ đang tăng. Theo dữ liệu được công bố đầu năm 2021, có đến gần 21.000 người tự tử vào năm ngoái, nhiều hơn 750 vụ so với năm 2019. “Tỷ lệ tự tử có xu hướng thấp hơn trong nửa đầu năm 2020, nhưng từ tháng Bảy trở đi, con số này bắt đầu tăng lên do tác động của đợt bùng phát COVID-19 và tỷ lệ phụ nữ tìm đến cái chết tăng 14,5%”, một quan chức Bộ Y tế Nhật Bản cho biết.

Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu tình trạng tự tử
Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu tình trạng tự tử

Haruka Sakamoto, chuyên gia về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Tokyo, đã báo cáo trong một nghiên cứu rằng, mười năm qua, Nhật Bản đã tìm nhiều cách để giảm tỷ lệ tự tử. Nhưng giờ đây, khi đại dịch vẫn còn ám ảnh thì nó càng đe dọa sẽ đảo ngược tiến trình này bằng cách tạo ra nhóm người mới dễ bị tổn thương. “Số vụ tự tử ở phụ nữ trẻ và sinh viên, học sinh tăng so với trước dịch. Mất việc làm, khó khăn trong cuộc sống cũng như bi quan về tương lai khiến phụ nữ trẻ như rơi xuống địa ngục”, tiến sĩ Sakamoto nhận xét. 

Tương tự Nhật Bản, cuối năm 2020, Hàn Quốc cũng đưa ra báo cáo đáng buồn là phụ nữ trẻ nước này tự tử với số lượng lớn hơn bao giờ hết. Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, nửa đầu năm 2020, gần 2.000 phụ nữ đã tự sát, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. “Chứng trầm cảm và ý nghĩ tự tử ở thanh niên đang ở mức nguy hiểm”, Nam Jae-woo, một nhà nghiên cứu tại Hàn Quốc, cho hay.

Gần đây, tỷ lệ trầm cảm ở Thái Lan cũng đáng báo động với số vụ tự tử tại nước này trong bối cảnh đại dịch. Cụ thể, đã có 2.551 vụ tự sát trong nửa đầu năm 2020, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019. Theo Varoth Chotpitayasunondh, người phát ngôn của Cục Sức khỏe tâm thần Bộ Y tế Thái Lan, làn sóng tự tử hiện nay giống như năm 1997, khi nước này trải qua cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tự tử tại “đất nước của những nụ cười” là 14,4/100.000 người, cao hơn so với mức bình quân của thế giới là 10,5/100.000 người và cứ 10 phút lại có một người Thái tìm cách tự sát.

Hành trình gian nan

Để hạn chế trầm cảm và tự tử, nhiều nước đã có những chiến dịch, kế hoạch hỗ trợ. Tại Hàn Quốc, chính phủ cam kết tăng cường dịch vụ tư vấn cho phụ nữ, đồng thời tạo ra lợi ích cho phụ nữ trẻ nghỉ việc không lương hoặc đang tìm kiếm việc làm tự do… Tuy nhiên, Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc cho rằng, cần có sự thay đổi lớn trong cách nhìn nhận về vấn đề tự tử khi những áp đặt xã hội, gánh nặng gia đình luôn đè nặng lên vai phụ nữ.

Trong khi đó, giữa tháng 2/2021, chính phủ Nhật Bản cũng đã bổ nhiệm ông Tetsushi Sakamoto làm Bộ trưởng Cô đơn, được xem là động thái giúp chống lại nạn tự tử. Sau khi được bổ nhiệm, chính trị gia 70 tuổi đã thành lập văn phòng với khoảng 30 quan chức có trách nhiệm giúp đỡ, hỗ trợ những người gặp khủng hoảng. 

Thời gian tới, Bộ trưởng Sakamoto sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề như phòng, chống tự tử, chăm sóc người già, trẻ em nghèo… Từ đó tạo ra chiến lược toàn diện để giải quyết vấn đề trên. 

Thảo Nguyễn (tổng hợp từ JT, AP, KP)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI