Lặn lội xa xứ một mình nuôi con

30/11/2021 - 06:00

PNO - Nhiều bà mẹ đơn thân người Philippines đến Việt Nam sống và làm việc, phần lớn họ là giáo viên. Sau nhiều tháng trường học đóng cửa vì dịch COVID-19, một số người mừng rỡ trở lại với công việc, những người kém may mắn chỉ mong trở về quê nhà.

 

Sống sót sau bạo lực

Cô giáo Monica Auria, người Philippines, vui mừng nhận hai lớp học trực tuyến vào đầu tháng 10/2021. Trường quốc tế nơi chị dạy sau hơn một năm đóng cửa hiện đã mở trở lại với hình thức dạy online. Việc dạy trực tuyến đã được chuẩn bị chu đáo, nhưng với Monica, làm tròn nhiệm vụ trên lớp không dễ dàng, vì người mẹ đơn thân này còn phải chăm sóc ba đứa con chưa thể đến trường.

Khi dịch COVID-19 bùng ở TPHCM, gia đình chị Monica lâm vào cảnh khó khăn. Không đi dạy đồng nghĩa với việc không được trả lương. Các trung tâm tiếng Anh nơi chị cộng tác cũng mới làm quen với việc dạy trực tuyến được vài tháng trở lại đây. Suốt một thời gian dài, chị mất các khoản thu nhập. COVID-19 đã làm người mẹ đơn thân dày thêm nỗi lo tiền thuê nhà, tiền điện nước rồi bữa ăn của ba đứa con đang lớn.

Giọng chị nhỏ nhẹ, đôi lúc nghẹn ngào: “Khi dạy học, tôi vẫn phải làm tròn nhiệm vụ. Nhưng cứ nghĩ đến con lại đứt ruột đứt gan. Mẹ là giáo viên mà con không thể đến lớp. Giả sử đủ tiền đóng học phí, tôi cũng không biết phải xoay xở thế nào để mua máy tính cho con học, ít nhất phải có ba chiếc máy tính, dù là cũ. Tôi phải dạy trong giờ học của con nên không thể chia sẻ máy tính”. Sau thời gian dài khổ sở vì đại dịch, chị đành nói lời cầu xin với bạn bè để tìm máy tính cho con.

Chị Monica rời Philippines đến TPHCM làm việc đã 5 năm. Trước đại dịch, chị vừa dạy ở trường quốc tế vừa kiếm thêm thu nhập từ các lớp dạy tiếng Anh ở trung tâm. Hầu hết thu nhập dồn vào học phí cho ba đứa trẻ. Các con biết mẹ khổ cực vất vả nên rất cố gắng và học giỏi.
Chị kể: “Sống ở TPHCM, mẹ con tôi rất hạnh phúc. Do trước đó chúng tôi phải trải qua những tháng ngày trong địa ngục. Khi không thể chịu đựng nổi ông chồng vũ phu, tôi đưa các con chạy trốn, đến sống ở một nơi trợ giúp phụ nữ khó khăn. Nhưng tôi không thể ly hôn vì sợ lại đối diện với người ấy. Những người ở nơi trợ giúp phụ nữ tìm được việc làm cho tôi tại Việt Nam. Tôi mang con theo vì sợ chúng ở lại sẽ bị cha hành hạ. Sang được đến TPHCM, chúng tôi như có được một cuộc đời mới. Mẹ con chúng tôi thực sự đã sống sót sau bạo lực”.

Tiếp sức cùng con vượt khó

Các con của chị Monica hòa nhập rất tốt ở môi trường mới, nhưng việc học của các bé đã gián đoạn từ năm ngoái. Đây chỉ là bước khởi đầu nhọc nhằn của người mẹ đơn thân trong mùa dịch. 

Đó là lúc mấy mẹ con phải dọn ra khỏi căn hộ ở Q.7, TP.HCM vì không thể trả nổi tiền thuê nhà. Chủ nhà, dù thương tình cho chị Monica nợ vài tháng tiền thuê, nhưng cũng không thể cho nợ mãi. Khoản dành dụm ít ỏi của chị đã cạn dần. Một cô bạn người Việt mời chị về nhà ở cùng một số người thất nghiệp khác từ tháng 7/2021, nhưng người bạn ấy cũng không đủ giàu để có thể giúp chị nuôi ba đứa con. Có lúc nhìn lũ trẻ đang lớn đói ăn, chị phải giấu nước mắt, không cho con biết.

Chị rốt ráo đi tìm và xin dạy ở các lớp dạy tiếng Anh trực tuyến. Hằng ngày, chị đến các cơ sở thiện nguyện để xin thức ăn cho con. 

Vài tháng trước, Monica đã nhận được 70% thu nhập từ hai lớp dạy tiếng Anh trực tuyến, nhưng thu nhập này vẫn không đủ cho cả nhà.

Chị phải trông vào các nguồn thiện nguyện. Trong thời giãn cách, mấy đứa trẻ cứ ngồi nhìn ra cửa chờ bóng dáng chiếc áo xanh của các chú bộ đội đến phát thực phẩm. Đây là những khoảnh khắc vui vẻ trong ngày của chúng vì chúng được tiếp xúc với con người. Kèm theo đó là những chiếc túi thực phẩm mang đến niềm vui của người mẹ, khi chị lại được vào bếp nấu cho các con.

Con đường đến trường của lũ trẻ còn xa. Không còn cách nào khác chị phải dạy con ở nhà. Monica tìm các bài tập trên mạng và cùng học với con. Cậu con trai đang tuổi học cấp I, hai con gái đang học cấp II. Các con chia nhau thời gian dùng máy tính với mẹ. Ngoài giờ dạy lớp tiếng Anh, Monica phải ngồi cạnh con khi chúng chia ca nhau học. Có lúc chị vừa dạy con học vừa nấu ăn.

Vào năm học, Monica quay cuồng với lớp học và soạn giáo án, nhưng để các con chị được đi học, chị phải chờ đến năm sau, khi dành dụm đủ tiền. Chị vẫn có niềm tin con mình sẽ nhận được học bổng, để dễ dàng trở lại trường lớp. 

Để có sức mạnh vượt qua những khó khăn trong những tháng đại dịch, chị Monica cho biết luôn giữ tinh thần lạc quan để truyền cho các con tinh thần học tập và có niềm tin vào tương lai. Vì TPHCM có môi trường sống và học tập thân thiện, dễ hòa nhập đối với trẻ em Philippines nên chị muốn ở thành phố này dài lâu.

Mẹ con chị Monica tìm thấy hạnh phúc ở TPHCM
Mẹ con chị Monica tìm thấy hạnh phúc ở TPHCM

 

Muốn về nhà với con

Nhiều người mẹ đơn thân Philippines đang thất nghiệp ở TPHCM cho biết trở về quê nhà là giải pháp tốt nhất trong hiện tại. Vì ở lại Việt Nam, họ không biết khi nào mới có việc làm lại. Tuy nhiên về nước, họ cũng không chắc kiếm được việc làm. 

Chị Sharon Quidangen Tanallon, 47 tuổi, cũng là giáo viên, nhưng chưa thể quay lại công việc như chị Monica vì chị dạy lớp mầm non. Sau nhiều tháng sống nhờ vào các cơ sở từ thiện để có thực phẩm và chỗ ở, chị Sharon muốn trở về Philippines để gặp hai con. Người thân của chị đã mất ở quê nhà vì COVID-19 nên không còn ai chăm sóc lũ trẻ. Hơn nữa, con trai út của chị lại bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Mong ước lớn hơn của người mẹ đơn thân lúc này chỉ là được gần con, được ôm con. 

Chị Sharon vui mừng gặp lại các con
Chị Sharon vui mừng gặp lại các con

 

“Tôi chấp nhận đi làm việc xa xứ để có tiền gửi về, giúp con học hành tử tế. Dù rằng có lúc gọi cho con tôi phải giấu chúng tình trạng kiệt sức vì không còn tiền xoay xở. Lúc trước tôi làm mọi việc để nuôi con ăn học nhưng không thấy cô đơn. Còn với tình hình này tôi chỉ mong được về nước để mẹ con gần nhau”, chị Sharon trải lòng. 

Khi TPHCM hết lệnh giãn cách, chị Sharon đi dạo ở công viên và chụp ảnh gửi cho các con xem. Chị hứa sẽ liên hệ với các chuyến bay nhân đạo để sớm về với con. Song chị cho biết cũng chỉ có thể về nước một thời gian ngắn, khi dịch bớt căng thẳng chị phải quay lại TPHCM tiếp tục làm việc kiếm tiền, gửi về quê. Người mẹ đơn thân xa con có một ước mơ: “Tôi sẽ sắp xếp mang các con sang đây để vừa tiện chăm sóc vừa chọn được trường tốt cho chúng”, chị Sharon chia sẻ. 

Khi bài viết này lên trang, chúng tôi nhận được tin vui: Chị Sharon đăng ký chuyến bay nhân đạo với Chính phủ Philippines và thật may mắn chị đã được lên máy bay vào cuối tháng Mười. 

Mỹ Huyền

Philippines có 15 triệu người là cha hoặc mẹ đơn thân, trong đó phụ nữ chiếm tới 95%, theo số liệu của Tổ chức World Vision. Còn theo Tổ chức Lao động Quốc tế trên toàn thế giới có tới 10 triệu người Philippines xa xứ làm việc và con số này tăng 1 triệu mỗi năm. Xuất khẩu lao động từng là một nguồn thu quan trọng khi người lao động Philippines gửi về quê nhà nuôi người thân. Năm 2019, họ gửi đến 33,5 tỷ USD về nước qua chuyển khoản ngân hàng. Tuy nhiên với tác động của COVID-19 lên nền kinh tế trên thế giới, nhiều người Philippines đã phải quay về quê hương vì mất việc làm.

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI