Kẻ quấy rối yên vị, còn nạn nhân mất việc

28/07/2025 - 20:55

PNO - Người quản lý trực tiếp thường xuyên nhắn tin khiếm nhã và có những động chạm vào người cô. Cô đã báo sự việc lên bộ phận nhân sự, nhưng chỉ được “giải quyết nội bộ” mơ hồ.

Kẻ quấy rối vẫn yên vị, còn cô thì bị điều chuyển công tác (ảnh minh họa)
Kẻ quấy rối vẫn yên vị, còn cô thì bị điều chuyển công tác (ảnh minh họa)

Cô ấy từng là nhân viên của tôi. Khi mới ra trường, cô giành được một công việc tại một đơn vị có tiếng về du lịch, một công việc mà nhiều người trẻ mơ ước. Thế nhưng chưa đầy 6 tháng sau, cô phải nghỉ việc.

Lý do thực sự không bao giờ được ghi vào bất kỳ biên bản chính thức nào, nhưng tất cả bạn bè thân thiết của cô đều biết rằng người quản lý trực tiếp thường xuyên nhắn tin khiếm nhã và có những động chạm vào người cô. Cô đã báo sự việc lên bộ phận nhân sự, nhưng sau vài lần “giải quyết nội bộ” mơ hồ, kẻ quấy rối vẫn yên vị, còn cô thì bị điều chuyển công tác.

Cuối cùng, cô chọn im lặng rời đi vì “không muốn mang tiếng” và “muốn giữ hình ảnh chuyên nghiệp để xin việc mới”.

Đáng buồn thay, câu chuyện như vậy không hề hiếm trong môi trường công sở Việt Nam. Theo khảo sát năm 2014 của tổ chức ActionAid tại Hà Nội và TPHCM, có tới 87% phụ nữ từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng, nhưng chỉ 13% phản ứng lại và hơn 80% không biết phải trình báo với ai.

Một nghiên cứu năm 2020 của tổ chức CARE cũng cho thấy 1 trong 2 phụ nữ được khảo sát cho biết từng bị quấy rối tại nơi làm việc, nhưng hầu như không ai dám lên tiếng vì sợ mất việc, sợ bị bôi nhọ danh tiếng hoặc đơn giản là không nghĩ sẽ có ai đứng về phía mình.

Tình trạng đó vẫn tiếp diễn đến hôm nay, ngay cả khi Bộ luật Lao động 2019 đã lần đầu tiên đưa ra định nghĩa chính thức về “quấy rối tình dục tại nơi làm việc” là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Hành vi quấy rối có thể là lời nói, hành động, hình ảnh, hay thậm chí chỉ là những ám chỉ phi ngôn ngữ. Tuy nhiên, định nghĩa này vẫn còn chung chung và khó áp dụng.

Chưa chắc khi tố cáo, nạn nhân đã nhận sự đồng cảm của xung quanh (ảnh minh họa)
Chưa chắc khi tố cáo, nạn nhân đã nhận sự đồng cảm của mọi người xung quanh (ảnh minh họa)

Trên thực tế, hầu hết hành vi quấy rối hiện nay không cấu thành tội phạm theo Bộ luật Hình sự. Nếu không có yếu tố cưỡng ép nghiêm trọng, nhiều vụ việc chỉ bị xử lý nội bộ hoặc cao nhất là phạt hành chính theo Nghị định 12/2022 với mức phạt 15-30 triệu đồng. Nhưng danh dự bị tổn thương, cơ hội thăng tiến mất đi, lòng tin tan vỡ của nạn nhân, liệu vài chục triệu đồng tiền phạt đó có xoa dịu được những tổn thương ấy không?

Một rào cản lớn khác là việc chứng minh hành vi quấy rối. Pháp luật yêu cầu hành vi phải “không được người kia chấp nhận”, nhưng trong thực tế nhiều nạn nhân không kịp phản kháng vì sợ hãi, vì choáng váng, hoặc nghĩ rằng “chịu đựng một lần cho xong”. Văn hoá Á Đông đề cao việc “giữ thể diện” càng khiến nạn nhân dễ bị đổ lỗi theo kiểu “ăn mặc như vậy thì bị cũng đáng”, “đồng ý đi ăn riêng thì còn trách ai”. Nạn nhân bị yêu cầu phải “chứng minh mình không sai”, thay vì hệ thống phải chứng minh kẻ kia có tội.

Đáng tiếc, tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có quy định nội bộ cụ thể về quấy rối tình dục. Không có bộ quy tắc ứng xử rõ ràng, không có kênh tố cáo an toàn và độc lập, không có người trung lập để tiếp nhận phản ánh, điều đó đồng nghĩa nạn nhân chỉ có thể cầu cứu chính những người đang nắm quyền quyết định tương lai sự nghiệp của họ. Đó chính là một sự im lặng bị cưỡng bức.

Nhiều quốc gia khác đã tiến xa hơn trong việc đối phó vấn nạn này. Tại Mỹ, từ thập niên 1980, quấy rối tình dục đã được coi là một hình thức phân biệt đối xử vi phạm luật dân quyền. Nạn nhân có thể khởi kiện dân sự đòi bồi thường và tòa án có thể xử lý không chỉ kẻ quấy rối mà cả tổ chức nếu không ngăn ngừa và xử lý kịp thời. Đa phần các công ty ở Mỹ phải tổ chức huấn luyện định kỳ về ứng xử, đồng thời thiết lập các cơ chế để tiếp nhận và điều tra tố cáo.

Philippines là quốc gia tiên phong ở Đông Nam Á về luật chống quấy rối tình dục. Đạo luật Không gian An toàn (Safe spaces Act) năm 2019 của nước này nghiêm cấm mọi hành vi quấy rối tại nơi làm việc, không gian công cộng, thậm chí cả trên mạng; doanh nghiệp vi phạm không chỉ bị phạt tiền mà còn có thể bị bêu tên trước công luận nếu không bảo vệ nạn nhân.

Indonesia năm 2022 đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực tình dục, quy định hành vi quấy rối (kể cả qua mạng) có thể bị phạt tù đến 12 năm. Còn tại Thái Lan, trước sức ép của xã hội và truyền thông, Quốc hội nước này năm 2022 đã sửa luật để mở rộng phạm vi và tăng nặng chế tài xử lý đối với loại tội danh này.

So với những nước trên, Việt Nam hiện chưa có một đạo luật riêng về phòng chống quấy rối tình dục. Việc xử lý chủ yếu được lồng ghép trong Luật Lao động, luật Bình đẳng giới và một số quy định khác. Hành lang pháp lý chưa đầy đủ, trong khi không ít người vẫn coi đây chỉ là “chuyện nhỏ”.

Nhưng cũng chính vì thế, đây là thời điểm chúng ta cần thay đổi.

Trước hết, chúng ta cần một khung pháp luật rõ ràng hơn, với định nghĩa cụ thể các hành vi quấy rối, quy trình xử lý và cơ chế bảo vệ người tố cáo lẫn người bị hại. Đồng thời, pháp luật cần thiết bắt buộc mọi doanh nghiệp ban hành bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục, thiết lập kênh tiếp nhận tố cáo độc lập và định kỳ công khai các vụ việc đã xử lý. Chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức xã hội rằng quấy rối tình dục không phải “chuyện nhỏ”. Đó là sự xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm và quyền được làm việc trong môi trường an toàn của mỗi người. Mỗi người lao động cần được trang bị kỹ năng nhận diện và phòng tránh hành vi này. Mỗi cơ quan, doanh nghiệp phải tạo điều kiện để những tiếng nói dũng cảm được lắng nghe, không bị đe doạ hay trả giá bằng việc bị loại trừ. Không ai đáng phải đánh đổi sự im lặng để giữ được việc làm.

Nhưng đôi khi, sự dũng cảm không chỉ đến từ nạn nhân. Những người dám đứng về phía họ, dù là đồng nghiệp, quản lý, hay một người ngoài ngành cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công. Việc lên tiếng, trong bối cảnh luật pháp chưa hoàn thiện và dư luận còn chia rẽ, không chỉ là hành động đạo đức, mà còn là một sự đánh cược về sự nghiệp và danh tiếng. Nếu xã hội không có cơ chế bảo vệ cho cả người tố giác lẫn người bênh vực họ, thì sự thật rất dễ bị bóp nghẹt trong im lặng và sợ hãi.

Khi quấy rối tình dục không còn bị xem là chuyện đùa, khi im lặng không còn là lựa chọn duy nhất, và khi pháp luật thực sự đứng về phía những người dám lên tiếng - đó mới là lúc chúng ta có thể tin rằng môi trường làm việc ở Việt Nam đã trở nên thực sự an toàn và nhân văn.

Nguyễn Thành Hưng

Giảng viên, Thạc sĩ Chính sách Công.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI