Câu chuyện tình yêu: Hạnh phúc của cặp vợ chồng U80

16/07/2025 - 17:30

PNO - Về miền Tây, nghe tiếng lành đồn xa về ông Tư Bá - cựu chiến binh 80 tuổi tự bỏ tiền túi và vận động mọi người cùng giúp đỡ đồng đội khó khăn, tôi lại tò mò về người bạn đời của ông. Hẳn bà cũng phải đặc biệt lắm mới có thể trở thành hậu phương vững chắc, đồng hành cùng ông suốt hành trình dài.

Áo cưới là bộ bà ba đen

Ở ấp 2A, xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu (cũ), nhắc đến ông Ngô Văn Bá (SN 1945, tên thường gọi là Tư Bá), hầu như ai cũng biết. Bước vào nhà ông Bá, tôi ấn tượng với những bài thơ về tình yêu nước, tinh thần bất khuất của người chiến sĩ được treo trang trọng ở phòng khách. Bà Nguyễn Thị Lửa (SN 1949, vợ ông Bá) không giấu được niềm tự hào: “Những bài thơ đều do ông nhà tôi sáng tác rồi đem in và treo khắp nhà vậy đó”.

Kể về mối tình thời trẻ, bà Lửa cười hiền: “Hồi đó, vừa trình ngày đám nói với 2 họ xong là ổng đi làm nhiệm vụ mấy năm trời. Tưởng đâu ổng bỏ tôi luôn rồi”.

Ông Bá và bà Lửa  sớm hôm bên nhau ở tuổi xế chiều
Ông Bá và bà Lửa sớm hôm bên nhau ở tuổi xế chiều

Ông Bá tham gia cách mạng lúc mới 16 tuổi, thuộc đội du kích địa phương. Thương cha mẹ già, ông nghe lời cưới vợ để có người chăm sóc song thân khi mình xa nhà làm nhiệm vụ. Mẹ bà Lửa là bạn thân mẹ ông nên 2 nhà kết sui gia. Năm 1965, gia đình ông Bá sang nhà bà Lửa trình ngày đám hỏi. Ngờ đâu chưa đến ngày, ông đã được điều động lên chiến trường miền Đông nhận nhiệm vụ. Dù chưa “danh chính ngôn thuận” nhưng trong khoảng thời gian ông Bá đi biền biệt, bà Lửa thường xuyên tới lui chăm sóc ba mẹ ông.

Bà Lửa nhớ mãi một đêm vào năm 1967, mẹ ông Bá hớt hải chèo xuồng sang nhà bà khóc nấc, đưa ra cái bóp nhỏ đựng giấy tờ của ông và nói: “Bác nghe người ta nói thằng Bá bệnh sốt rét nặng lắm, rồi đưa cho bác cái này. Chắc nó chết rồi”. Nghe đến đó, lòng bà Lửa nóng ran nhưng rồi vội trấn an mẹ ông. Sau đó không lâu, ông được đồng đội đưa về nhà dưỡng bệnh, bà ngày đêm chăm sóc. Cảm động trước tấm chân tình ấy, ông quyết định nên duyên cùng bà.

“Hồi đó sợ máy bay nên đâu dám che rạp cưới, cũng không có quần áo đàng hoàng, chỉ mặc bộ đồ bà ba đen làm lễ, nhưng như vậy cũng quý lắm rồi” - ông Bá nhớ lại ngày cưới. Đến năm 1971, khi con lớn được 3 tuổi, con nhỏ mới 1 tuổi, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ hoạt động nội tuyến. Vì hoạt động trong lòng địch, ông hiếm khi có cơ hội về thăm nhà. Những lần gặp gỡ hiếm hoi, mới hỏi han chuyện nhà được vài câu, ông đã vội vã nhờ bà làm cầu nối đưa tin cho tổ chức.

Ông nghẹn ngào nhớ lại lần bị bắt. Khi ấy, người em gái cùng hoạt động cách mạng và mẹ ruột ông cũng bị địch giam cầm. Ngày ngày, bà đem theo 2 con nhỏ chèo xuồng mấy chục cây số mang cơm cho 3 người rồi lại chèo xuồng về lo nhà cửa, ruộng vườn. “Có lần bà ấy nói với tôi: “Bao nhiêu gian khổ, khó khăn tui không sợ, chỉ sợ anh chết thôi” - giọng ông run run như sắp khóc khi nhắc lại câu nói của vợ.

Từ nợ nần vươn lên sản xuất giỏi

Hòa bình, ông trở về đoàn tụ. Vợ chồng họ có thêm 5 người con, gánh nặng kinh tế càng tăng. Vợ chồng đồng lòng, thắt lưng buộc bụng vượt qua khó khăn dù có lúc phải vay mượn nhiều nơi. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, năm 1981 ông bà trả dứt nợ, cuộc sống dần khấm khá. Sau nhiều năm “góp gió thành bão”, đến nay, vợ chồng ông đã sở hữu được hơn 100 công đất nuôi trồng thủy sản, nhiều lần được tuyên dương hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Ông bà dành hẳn 1 góc nhà để treo ảnh gia đình, nhắc nhớ nhau về những cột mốc quan trọng
Ông bà dành hẳn 1 góc nhà để treo ảnh gia đình, nhắc nhớ nhau về những cột mốc quan trọng

Kinh tế ổn, ông lại lo làm từ thiện. Thấy chồng lớn tuổi mà vẫn miệt mài làm thiện nguyện, giúp đỡ đồng đội khó khăn và các gia đình chính sách trong xóm, bà không ngăn cản mà luôn ủng hộ chồng bởi bà hiểu và thương cái tính ấy của ông. Có lần, ông bị thương ở chân khi đi làm ruộng nên một nhà hảo tâm đã dời kế hoạch, không chuyển tiền cho ông mua gạo làm từ thiện vì muốn ông có thời gian tịnh dưỡng. Vậy là suốt ngày ông bứt rứt, tiếc hùi hụi số gạo lẽ ra đã được trao tặng đến bà con nghèo.

Vừa lo làm kinh tế, vừa lo chuyện thiện nguyện nhưng ông không bao giờ lơ là việc chăm sóc vợ con. Gần 60 năm nên nghĩa vợ chồng, ông chưa từng lớn tiếng hay nặng lời với vợ. Bà xác nhận: “Tới giờ, ông ấy vẫn kêu tôi là em, xưng anh. Còn tôi lúc thì kêu anh, lúc kêu ông Tư. Hôm rồi ổng chở tôi đi khám bệnh mà luôn miệng kêu tôi là em. Các cháu y tá, bác sĩ chọc quá trời, khen cô chú lớn rồi mà còn tình cảm quá”.

Bà còn khoe ông là “bác sĩ của gia đình”. Thuốc men của bà đều do ông phân chia, đến cữ là nhắc bà uống. Chưa kể, hễ nghe ai chỉ phương thuốc nào hay, bác sĩ nào giỏi, ông lại lân la tìm hiểu rồi chở vợ đi khám. “Bà nhà tôi cực nhiều rồi nên tôi chăm sóc để bù đắp cho bả” - ông Bá nói.

MONG CÓ SỨC KHỎE ĐỂ NẮM TAY NHAU ĐI KHẮP NƠI

Dù tuổi đã cao, vợ chồng ông Bá vẫn khiến nhiều người nể phục bởi ông bà không muốn là gánh nặng cho con cháu. Có đến 7 người con nhưng hiện vợ chồng ông chỉ sống cùng nhau, các con đều lập gia đình và được cha mẹ tạo điều kiện cho ra riêng, sống gần đó. Ông phân chia ruộng đất đều cho các con, còn vợ chồng ông giữ lại một ít để dưỡng già.

Ở tuổi 80, ông Bá chỉ mong vợ chồng khỏe mạnh, nắm tay nhau đi khắp nơi. Ông muốn đưa vợ đi chơi xa, cùng vợ thăm lại chiến trường xưa, tìm gặp những người từng cưu mang, giúp đỡ mình. Với ông bà, cuộc sống nhẹ nhàng vậy mà ý nghĩa.

Nhã Chân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI