Chuyển nhà đến "trạm cuối"

25/02/2022 - 05:08

PNO - Ở thành phố này, mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi năm, có người hạnh phúc vì mua được nhà ở quận trung tâm, cũng có người ngậm ngùi chuyển về ngoại thành, thậm chí tuổi già mà phải sống nhà thuê.

Sau hai năm kết hôn, vợ chồng chị Hạnh mua căn nhà cấp bốn ở ngoại thành diện tích khiêm tốn. Rồi họ hì hụi làm ăn, tích lũy, tới năm chị 45 tuổi, họ đổi căn nhà thứ hai, xích dần về hướng thành phố. Vẫn là căn nhà cấp bốn, nhưng diện tích rộng hơn căn cũ, giá tiền gấp năm lần. 

Lúc này con gái lớn vào đại học, học ở quận trung tâm. Khi nghe con gái ước mơ được sống ở trung tâm thành phố, chị tiếp tục nung nấu một cuộc sống sung túc, thuận lợi. 

Cuối đời anh chị đổi được căn nhà nhỏ trong trung tâm. Với chị thế là mỹ mãn. (Ảnh minh họa)
Cuối đời anh chị đổi được căn nhà nhỏ trong trung tâm. Với chị thế là mỹ mãn. (Ảnh minh họa)

Năm 62 tuổi, chị đổi căn nhà thứ ba, ngay trung tâm thành phố. Vẫn là nhà cấp bốn, trong hẻm, nhưng giá cao gấp ba lần nhà cũ. Chị gọi đây là “trạm cuối”, không cần nhà cao tầng, phải leo mấy tầng lầu lau nhà mỗi ngày, và dù anh chị vẫn còn sức kiếm tiền, nhưng tâm niệm “biết đủ” để tận hưởng cuộc sống bên con cháu. 

Chị cố tình chọn “trạm cuối” gần nhà con gái. Con gái có đi đâu vài giờ, vài hôm, có thể “vứt” cháu cho ngoại. Anh chị có ho hen, nóng sốt gì, con cháu ở gần rất hữu ích. Trong hành trình chinh phục “trạm cuối”, chị mừng nhất là các con thấu hiểu sự phấn đấu của cha mẹ. Bao năm làm việc khá vất vả, nhưng chị không quên hỏi han chuyện học hành, mở vở con ra xem con ghi chép những gì, cô giáo phê những gì.

Giữa muôn vàn câu chuyện chị học trong sách vở hay ngoài đời, chị khéo léo chọn lọc kể con nghe. Việc kiếm tiền chiếm nhiều thời gian và vất vả, nhưng anh chị luôn canh chừng xem mình có vì tiền mà bỏ quên nhiều giá trị khác hay không. 

Chị Lê lại khác. Đầu tiên là ngôi nhà cao tầng sừng sững ở một quận trung tâm, nhà của ba mẹ chồng cho khi vợ chồng chị ra riêng. Vợ chồng chị để tầng trệt cho người ta thuê bán hàng ăn uống, gia đình chị ở tầng trên. Một sự khởi đầu quá tốt đẹp, có lẽ đó là lý do mà vợ chồng chị Lê chẳng cần phải đi làm vẫn dư.  

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Khởi đầu quá tốt với ngôi nhà bao người mơ ước, nhưng cuối đời chị phải bán nhà chuyển ra ngoại thành. Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Vậy mà rồi chị than: “Ma túy thật kinh khủng, nó khiến chúng tôi phải bán nhà, từ chỗ sống mặt tiền quận trung tâm, giờ phải ở ngoại thành, vậy mà vẫn chưa yên”. 

Thương quá đỗi người phụ nữ gần 50 tuổi, sống trong căn nhà có ba người đàn ông, nơi thường xuyên xảy ra to tiếng, xô xát. Trong những cơn to tiếng ấy, tôi chưa bao giờ nghe giọng của chị. Khi thì chị can ngăn, khi chị bỏ chạy ra ngoài để khỏi bị con trai lớn lên cơn đánh đập.

Hẳn chị khổ sở lắm, tủi nhục lắm, hẳn chị đã cạn lời nên chẳng còn ngôn từ nào để nói nữa chăng? Có phải tại ỷ vào căn nhà to bự do ba mẹ chồng để lại nên không cần phấn đấu? Hay tại ma túy là thủ phạm cho tất cả?

Ở thành phố này, mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi năm, có người hạnh phúc vì mua được nhà ở quận trung tâm, cũng có người ngậm ngùi chuyển về ngoại thành, thậm chí tuổi già mà phải sống nhà thuê. Lẽ đời, làm ăn được, mất, con cái ngoan, hư quyết định nhiều chuyện. Nhưng trên tất cả, ngôi nhà phải là nơi mỗi thành viên đều biết phấn đấu, mới hy vọng có những “trạm cuối” như ý.  

Song Nguyên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI