Có nhà, có chồng, vẫn không có nơi để về

26/12/2021 - 22:23

PNO - Chiều ra khỏi cơ quan, Thu lang thang, chờ thật muộn mới về ngủ, khỏi phải chạm mặt hay nói với chồng tiếng nào. Thế rồi như định mệnh, điều ấy tiếp diễn với chị.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Thỉnh thoảng, chị lại nhớ tới bà bán bánh cuốn trước nhà. Bà hay nói khi anh chị chở con về tới cửa: “Cô chú cứ như đôi chim ấy nhỉ. Sáng ra là ríu rít vợ chồng con cái tha nhau ra cửa. Cả ngày bay đi kiếm ăn, bỏ cái nhà trống, tối mới ríu rít về tổ”…

Nhiều lần, chị bật cười nghĩ về hình ảnh bà bán bánh cuốn gợi ra. Sáng ra, mọi cặp vợ chồng đều vội vã ra khỏi nhà cho một hành trình mưu sinh, con cái thì tới trường. Chiều, bốn người chất nhau lên xe về nhà. Cả ngày dài giao tiếp, va chạm với người khác, thời gian cả nhà dành cho nhau chỉ từ tối tới sáng mà thôi. Chưa kể trong đó, giấc ngủ đã chiếm mất phần nhiều.

Vậy nhưng không phải ai cũng có cái tổ để trở về như anh chị. Và không phải ai cũng muốn về tổ của mình.

Có lần, chị hỏi Thu, người bạn thân đã ly hôn 13 năm và xác định chỉ sống độc thân: “Không ngoại tình, không cờ bạc rượu chè, không hành hung vợ lại rất yêu thương con. Lỗi của ông ấy đâu to tát gì mà cậu chia tay?”. 

Thu cười buồn: “Nhiều đêm nằm nghĩ thì thấy lỗi ở mình thôi. Mình cố chấp nên không giữ được gia đình cho con gái. Đúng là ông ấy chỉ hơi bạc nhược, nhưng những tháng năm ấy, mình ớn và sợ cái mái nhà, mình không muốn về. Chiều ra khỏi cơ quan, mình lang thang, chờ thật muộn mới về ngủ, khỏi phải chạm mặt hay nói với nhau tiếng nào”.

Rất nhiều năm, chị nghĩ về câu nói của Thu, hình dung cảnh người bạn gái lang thang cuối ngày. Nhà Thu thật tiện nghi, thật đẹp, nằm giữa phố lớn. Vậy nhưng nó không phải cái tổ ấm, chỉ là nơi cô ấy gồng mình chịu đựng để xếp những cảm xúc tiêu cực xuống, chờ tới sáng để ra đường.

“Thôi thế thì bạn ly hôn cũng được”, chị nói với Thu và nghĩ: Ai cũng phải có nơi chốn của mình, thuộc về mình chứ làm sao mà sống tạm chờ trời sáng như vậy mãi.

Thế rồi, như một sự sắp xếp của định mệnh, tới ngày nọ, chị cũng phải hét lên câu ấy với chồng: “Anh có biết rằng hết giờ làm tôi không muốn về nhà, tôi rất sợ bước chân vào cái cửa này không?”.

Đó là những tháng ngày vợ chồng chị cố “sống vì con”. Họ nằm trên hai chiếc nệm cạnh nhau. Con trai ngủ với ba, con gái ngủ với mẹ. Tính ra, họ chỉ cách nhau vài mét mỗi đêm. Vậy mà khi tình cảm không còn, họ trải qua những ngày đêm thật khó khăn. Một chậu quần áo phơi không đúng cách cũng khiến cơn giận bùng nổ thành trận cãi vã. Một người dùng nhà vệ sinh không đúng ý người còn lại cũng gây bực bội. 

Chưa kể trong nhà ngày càng xuất hiện nhiều bữa ăn qua quýt, tạm bợ đúng nghĩa đen khi chẳng ai chăm chút. Phòng khách ngổn ngang những thùng các-tông sách vở, quần áo mà họ không buồn lấy ra vì luôn nghĩ sẽ chẳng ở nơi này lâu.

Có lần, chị mua những chậu hoa đẹp về bày ở ban công, để ngắm hoa giảm stress. Trở về sau chuyến công tác dài ngày, chị thấy đám hoa đã chết khô vì anh chẳng buồn quan tâm tới những việc không phải của anh.
Chị nhìn những chậu hoa chết, gào lên: “Tôi không thể sống thế này. Tôi không quen với sự tạm bợ. Anh nhìn căn phòng đi, kinh khủng còn hơn cái ổ chuột. Chúng ta làm thủ tục đi”. “Cô muốn thế nào thì cứ làm thế ấy”, anh lạnh lùng. 

Chẳng ai còn thiết giữ cuộc hôn nhân đã đành, cả hai cũng chẳng thể chịu thêm cảm giác gượng ép, gá vào “vì con”. Song, khi chị đưa đơn, anh lại ngập ngừng.

Chị bồi cú chót: “Bấy nay tôi khổ lắm. Tôi không có nơi để nghỉ ngơi đúng nghĩa. Chúng ta ráng bàn chuyện con cái và làm thủ tục cho xong đi. Tôi muốn xây dựng lại cuộc sống của mẹ con tôi. Tôi muốn cuối ngày tìm về chiếc giường của mình và ngả lưng thoải mái trên đó chứ không phải nơm nớp lo va chạm với anh”.

Anh nhìn chị gườm gườm, định cãi như mọi khi, nhưng rồi anh buồn bã cầm bút ký rất nhanh, cũng chẳng thèm đọc. Có lẽ cảm giác của chị cũng là cảm giác của anh: không còn nơi để mong muốn trở về. Dù rằng, sau cú hạ bút, anh chẳng biết mình có căn nhà nào để dọn đến hay không. 

Châu Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI