Sau cái tết tinh giản sẽ sống gọn ghẽ hơn

09/02/2022 - 05:46

PNO - Có thể ví COVID-19 như cái rổ để ta đặt tất cả vào đó và xóc lại để rồi mọi thứ được sắp xếp lại hợp lý, gọn ghẽ hơn.

Trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết, không hẹn mà gặp, những buổi sáng đầu luôn là dịp để các chị em công sở “review” kỳ nghỉ tết của mình.

Bao giờ cũng thế, câu chuyện đầu năm luôn xoay quanh chủ đề đi chơi tết, ăn uống, thăm viếng bà con, bạn bè, đối đãi nội ngoại… Tuy nhiên, năm nay có thêm "tình tiết" mới, đó là những thay đổi liên quan đến dịch COVID-19.

Nội chuyện bày biện ăn uống thôi đủ khiến người ta sợ tết (ảnh minh hoạ)
Chỉ chuyện bày biện ăn uống thôi đủ khiến nhiều người sợ tết (Ảnh minh hoạ)

Chị Thy, thành viên lớn tuổi nhất phòng và cũng có quê xa nhất, là người "phát pháo" đầu tiên. Nếu như mọi năm, bao giờ chị cũng ca cẩm việc tết nhất ở quê, một tỉnh miền Bắc, luôn khiến chị mong cho mau hết tết bởi thói quen thăm viếng, bày biện rườm rà, nặng tính hình thức, lễ nghi; thì nay, chị hồ hởi kể về sự thay đổi.

Mấy ngày gần tết, mẹ chị thông báo đến bà con họ hàng thân thuộc việc đơn giản hóa thủ tục thăm viếng tết để giữ an toàn sức khỏe cho nhau. Ai cần chúc tết cứ thoải mái gọi điện, nhắn tin, bà thể tất hết mọi nghi lễ thường niên để mọi người đỡ ngại.

Mọi người trong làng đều làm tương tự, có lẽ do vẫn còn lo ngại bởi trước đó ở làng có ca tử vong vì COVID-19, không ai dám xem thường sự nguy hiểm của dịch bệnh. 

Chị Thy bảo, nếu không có dịch COVID-19 cùng những hệ lụy của nó, chẳng biết bao giờ các thói quen xấu vào dịp lễ, tết ở làng chị mới bị hạn chế chứ đừng nói xóa bỏ. Từ nhòm ngó nhà cửa, xe cộ, săm soi mâm cao cỗ đầy của nhà người khác đến tụ tập bài bạc sát phạt nhau, uống say rồi cãi cọ, nấu nướng thừa mứa lãng phí... dù mức sống ở làng chị ở mức trung bình. Chồng chị nhờ vậy cũng ở nhà nhiều hơn thay vì say bét nhè vì đãi đằng, tiếp khách xuyên tết như mọi năm.

Các chị em còn lại đa phần là “dâu phố”, nhưng vẫn đồng cảm với chị Thy về khoản COVID-19 đã “giúp” nhiều người, đặc biệt là cánh phụ nữ, trong việc lược bớt các hủ tục ăn tết rườm rà.

Chị Ánh kể, những ngày cận tết, chị gửi quà biếu cho những người thân, đối tác, bạn bè kèm cuộc gọi chúc tết và xin kiếu viếng thăm trong mấy ngày tết với lý do để an toàn cho gia chủ. Dĩ nhiên chẳng ai nỡ trách móc trước lòng thành của chị. Để phòng dịch, ăn tết “5K” không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cần thiết.

Nhắc đến dịch giã, người tiêu cực chỉ thấy đau thương, mất mát, còn người tích cực nhận ra nhiều bài học sống giá trị (ảnh minh họa)
Nhắc đến dịch dã, người tiêu cực chỉ thấy đau thương, mất mát, còn người tích cực nhận ra nhiều bài học sống giá trị (Ảnh minh họa)

Nhã, cô em trẻ nhất phòng cũng tham gia câu chuyện của hội chị em bạn dì với cái thở phào nhẹ nhõm. Là dâu mới nhưng Nhã cũng kịp trải nghiệm một mùa tết đủ sắc thái của gia đình chồng vốn nặng truyền thống.

Năm nay, nhà chồng hưởng ứng xu thế tết “nhà nào ở nhà nấy”, Nhã và mấy chị em bạn dâu không phải vất vả chuyện bếp núc. Nhờ vậy, cả nhà mới có dịp ngồi lại trò chuyện, tâm sự với nhau và còn làm chuyến du lịch ngắn ngày, điều mà trước đây là không thể.

Nhiều người không hẹn mà cùng gặp nhau ở suy nghĩ: COVID-19 như cái rổ đặt tất cả vào đó và xóc lại để rồi mọi thứ được sắp xếp lại hợp lý, gọn ghẽ hơn.

Thay vì ra ngoài gặp gỡ, nay người ta chỉ tập trung cho những điều thiết thân. Thay cho những mối quan hệ quảng giao, người ta chắt lọc hơn những giềng mối thâm tình. Thay cho những thảo mai, khách sáo, người ta đã biết trân trọng hơn những điều chân thành mà gần gũi.

Những hình thức, lễ nghi không cần thiết cũng được gạn lọc để chú trọng vào điều cốt lõi, ý nghĩa hơn.

Nhắc đến dịch dã, người tiêu cực chỉ thấy đau thương, mất mát, còn người tích cực nhận ra nhiều bài học sống giá trị. Chẳng phải nếu biết tìm tòi, sẽ phát hiện những đốm than hồng ẩn dưới lớp tàn tro xám xịt, lạnh lẽo đấy sao?

Đào An Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI