Chờ con gái về thăm

21/04/2020 - 14:33

PNO - 63 tuổi, bác vẫn còn khỏe mạnh, nhưng sống một mình cũng thật rủi ro và đáng thương.

Con gái út lấy chồng sáu tháng rồi, mà cô Hường vẫn chưa quen với cảm giác trống vắng, dù vợ chồng cô đều biết chuyện này sẽ đến. Thỉnh thoảng, cô mở phòng con gái, dòm ngó một chút rồi thở dài. Ngày con gái lớn lấy chồng, cô từng trải cảm giác này, nhưng dẫu sao vẫn còn gái út thủ thỉ. 

Bây giờ, nhà cửa thênh thang, đi ra đi vào cũng chỉ hai mạng già. May mà hai cô gái lấy chồng cùng thành phố, thường thì tuần lễ, mười ngày là tạt về thăm ba mẹ, vài ba tháng ngủ lại vài đêm.

Trước khi về thăm, các cô đều nhắn tin báo trước. Khi đó, cô chú lại bàn nhau hôm nay đãi con món gì, mua gì cho con mang về “bển”. Chờ chực con gái về thăm nhà, là niềm hy vọng tuổi già của cô chú. Cảm giác đó, chỉ những người làm ông bà ngoại mới hiểu hơn bao giờ hết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cô Hường kể, hồi đó, cô hay nói sau này các con đi lấy chồng, nhà mình sẽ vắng lắm, mẹ sẽ nhớ các con lắm, thậm chí cô còn đùa: “Có khi sau này mẹ phải chuyển đến ở gần con, để được nhìn ngắm con cháu mỗi ngày”. 

Mỗi lần các con về, nhà cô Hường vui như hội. Cô út hay nói: “Chỉ là lấy chồng thôi mà, chứ có hao mòn gì đâu mà ba mẹ buồn tủi”. Cô Hường biết đó chỉ là lời trấn an của đứa con gái vốn hiểu mẹ nó nhất. May mà con lấy chồng gần, chứ lấy chồng xa thì cũng đành chịu.

Cô tự nhủ, cứ tỏ ra mình đã quen với việc con gái rời tổ ấm, đừng quá trông đợi khiến con phải lăn tăn. Tôi an ủi cô Hường, rằng anh trai tôi sau khi cưới vợ cũng ra ở riêng, chứ đâu có chung nhà với ba mẹ, nên cứ xác định con mình chẳng mất vào tay ai cả, chỉ là… chúng nó đã thuộc về nhau. Đứa nào hiếu thảo thì vui, còn không coi như mẹ cha hết trách nhiệm. 

Bạn của mẹ tôi góa chồng năm 45 tuổi, bác “ở vậy” nuôi con gái khôn lớn. Khi con lập gia đình, bác bắt đầu đi du lịch với bạn bè. Người thì nói đó là cuộc trốn chạy, để quên sự thiếu vắng đứa con gái duy nhất mà bác hằng thương yêu. Người thì nói bác ấy mạnh mẽ, xác định con cái lớn lên lấy chồng lấy vợ, ra riêng, có gì phải buồn phải nghĩ.

Chẳng biết ai đúng ai sai, nhưng mỗi khi đi du lịch về, trông bác khỏe mạnh, vui vẻ hẳn ra. Tôi thấy mừng, nhưng rồi đoán chắc bác không khỏi những giây phút chạnh lòng khi nhớ đến đứa con giờ đã... rơi vào tay kẻ khác.

63 tuổi, bác vẫn còn khỏe mạnh, nhưng sống một mình cũng thật rủi ro và đáng thương. Hy vọng con gái bác cũng như con cô Hường, mỗi tuần đều đặn về thăm mẹ, hay gọi điện tâm tình mỗi ngày. 

 Song Nguyên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trịnh Minh Tăng 24-04-2020 10:54:07

    Đây là thực tế cuộc sống trong xã hội công nghiệp, như ở các nước phương tây hiện nay; không chỉ những gia đình chỉ có con gái mà gia đình có con trai rồi cũng sẽ như vậy. Chỉ là những người bước vào tuổi già hiện nay được sinh ra và lớn lên trong nền sản xuất nông nghiệp nên còn nặng tình cảm nề nếp gia đình đa thế hệ. Hiện nay các nước đang phát triển như nước ta bước vào thời kỳ chuyển giao giữa nền sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp do đó nhịp sống ngày càng nhanh nên những người già chậm thích ứng với nhịp sống nhanh đó. Là người được chứng kến sự chuyển giao giữa hai nền sản xuất chúng ta nên mừng mới phải, bên cạnh đó cần chủ động thiết lập cho mình nếp sống tự chủ, không làm khó cho các con để chúng yên tâm lập nghiệp.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI