Chỉ đường cho hươu...: Khóa học “bồi dưỡng duyên” ở đâu?

23/11/2023 - 06:02

PNO - “Duyên” còn được hiểu là văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp. Vì thế, cháu hoàn toàn có thể học hỏi và tự vun bồi cái duyên.

Cháu học hết cấp II thì rẽ sang hướng đi học nghề ở trường vừa học vừa làm. Kết quả học tập của cháu luôn được các thầy cô và người hướng dẫn hài lòng nhưng cháu không cảm thấy vui. Lý do là dù cháu đã hòa đồng với bạn bè trong lớp và trong trường, sẵn sàng gánh vác việc nặng cho nhóm và tận tình giúp đỡ người khác khi họ cần, vẫn luôn có một khoảng cách giữa cháu và mọi người. Họ chê cháu “hời hợt”, “thiếu ý tứ”, “ruột để ngoài da” và nặng hơn là “vô duyên”.

Cháu không biết phải đăng ký khóa học “bồi dưỡng duyên” ở đâu, nếu tự học thì sẽ theo tiêu chuẩn nào ạ?

Một cháu gái giấu tên (Bình Dương)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Dân gian có câu: “Người xấu duyên lặn vào trong/ Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài”, nghĩa là ai cũng có cái duyên riêng, người thì đẹp lồ lộ, người thì duyên thầm. Duyên cũng tùy vào mắt của người cảm nhận, chẳng hạn “ngăm ngăm da trâu, nhìn lâu mới (thấy) đẹp” và cũng có tiêu chuẩn chung như “một thương tóc bỏ đuôi gà, hai thương ăn nói mặn mà có duyên…”…

Cái duyên không ai có thể làm hộ, làm thay; có tiền cũng không thể ước “có ai bán cái dịu dàng, tôi mua một gánh cho nàng làm duyên”.

Ngày nay, “duyên” còn được hiểu là văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp. Vì thế, cháu hoàn toàn có thể học hỏi và tự vun bồi cho bản thân:

- Điều chỉnh âm lượng, giọng nói: Nói to, rõ ràng khi thuyết trình, trong xưởng máy ồn ào, giữa đám đông. Hạ giọng vừa đủ nghe khi trò chuyện riêng chỗ công cộng, trong nhà hàng/tiệm ăn, chỗ giao dịch… Nói nhỏ khi cần trao đổi nhanh trong lớp học, lúc người khác đang làm việc hoặc gọi điện thoại. Nói thầm khi vào thư viện hoặc nơi có người đang ngủ… Không cướp lời hoặc xen ngang/nói leo khi 2 người đang nói chuyện với nhau, nên đợi họ dứt lời rồi mới nói.

- Dù với người quen thân hay người lạ, cháu nên nói năng lễ độ, đừng nói trống không hay dùng câu thiếu chủ ngữ; nên dùng ái ngữ và kính ngữ để thể hiện sự tôn trọng, lịch sự. Đặc biệt, đừng đùa cợt bằng ngôn từ bỗ bã, trần trụi, gợi liên tưởng thô thiển. Hãy thường xuyên sử dụng “4 xin”: xin chào, xin lỗi, xin phép, xin cảm ơn. 

- Hãy gõ cửa xin phép trước khi vào phòng người khác, kể cả khi cửa đang mở. Không tự tiện đụng vào đồ đạc của người khác, dù rất thân thiết cũng phải hỏi trước rồi mới được dùng.

- Không đi qua trước mặt người khác (nên đi sau lưng họ, nhất là trong lúc 2 người đang nói chuyện với nhau); không đứng ở giữa cửa hoặc lối đi gây cản trở việc đi lại của mọi người; nên nhường đường cho người khác trong một lối đi hẹp (trong hẻm nhỏ nên nép vào 1 bên, hạn chế giương dù lên làm ảnh hưởng đến người khác…), không đứng chắn tầm nhìn của người khác (trong rạp phim, trước màn chiếu hay ti vi…).

- Dù ở phòng trọ/ký túc xá/nhà riêng, nên trở về nhà đúng giờ quy định, hạn chế về quá khuya làm ảnh hưởng giờ nghỉ ngơi của mọi người.

- Tìm hiểu một chút về thời trang, nghệ thuật trang điểm để biết kiểu tóc nào hợp với khuôn mặt, chọn quần áo nào tôn thêm vẻ đẹp, màu sắc nào hợp với nước da của mình… Không cầu kỳ diêm dúa nhưng cũng đừng xuề xòa, cẩu thả… trong việc chăm chút vẻ đẹp bên ngoài.

- Vun bồi một thế giới nội tâm phong phú, một tâm hồn giàu cảm xúc, linh hoạt trong ứng xử; khéo léo, hài hước và tự nhiên trong giao tiếp.

Cháu cứ luôn vui vẻ, cư xử chân thành, lúc nào trông cũng gọn gàng tươm tất là sẽ toát lên sức sống, năng lượng tích cực và sự thiện lương. Dù cháu không sở hữu nhan sắc trời ban, mọi người xung quanh vẫn cảm nhận được nét duyên của cháu.

Làm duyên là nghệ thuật khó nhất trong các nghệ thuật sống.

Bác sĩ Hoa Tiêu 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI