Về quê ăn tết thôi!

03/02/2018 - 16:19

PNO - Sáng Sài Gòn những ngày giáp tết se lạnh, lúi húi dẫn xe đưa con đi học, nhớ tiếng của ba hồ hởi qua điện thoại: “Chừng nào cháu nghỉ học con?".

Năm nào cũng thế, khi hai con vừa được nghỉ học, cả nhà đi quét mộ ông nội xong là mẹ con chúng tôi lại kéo nhau về quê ngoại. Căn nhà vốn yên ắng của ông bà ngoại sẽ bị khuấy đảo vài hôm. Ông ngoại sẽ ra vào hò hét, sợ cháu chạy ra đường xe cộ. Bà ngoại lại chộn rộn, chốc chốc hỏi con muốn ăn gì, cháu thích món gì, rồi nấu nấu đun đun, chái bếp bên nhà lúc nào cũng đỏ lửa.

Ve que an tet thoi!
Ảnh minh họa

Mẹ chồng hay cười, bảo tôi “nhà quê” khi thấy tôi đi chợ, khệ nệ mua khoai lang, khoai mì về hì hục rửa rồi luộc, thích ăn toàn món dân dã. Nhiều lúc, ngồi ngẩn ngơ, nghĩ mình cũng nhuộm tóc đỏ tóc vàng, cũng đầm đìa, cũng giày cao giày thấp ra vẻ thị thành lắm, nhưng hình như chảy trong mình vẫn cứ là dòng máu dân dã. Tôi giật mình, hay mình đã bắt đầu bước qua cái ngưỡng của lớp người đã bắt đầu chùn chân mỏi gối; bước vào cái lứa tuổi biết rằng cả đời cứ ham bước đi cho xa chứ thật ra nào có qua khỏi bậu cửa nhà mình.

Vì thế, mỗi dịp về quê, tôi chẳng muốn đi đâu, chỉ loanh quanh trong nhà mà vẫn thấy thời gian không bao giờ cho đủ. Bạn hỏi quê cậu có biết bao nhiêu chỗ du lịch, sao cậu không đi; đường gì, nhà hàng nào ngon, cà phê ở đâu đẹp cậu cứ ngơ ngơ như người lạ. Tôi cười trừ, chẳng biết phải giải thích sao với bạn.

Về quê, tôi chỉ thích ngồi trước khoảnh sân nhỏ, vào buổi sáng, lúc trời hãy còn tờ mờ sương. Tôi thích ra cửa, múc gàu nước, rón rén tưới đám cây kiểng cho ba mà nghe cảm giác ấm áp như len lỏi đâu đó trong mình. Tia nước chảy xuống chậm như cách ba rót trà vào cái ly bé xíu của mình và của mẹ, như kiểu hai người bưng tách trà uống cẩn trọng như đang thực hành một thứ nghi lễ. Tịnh không nghe ba mẹ nói gì, tôi vẫn cảm nhận một thứ năng lượng ấm áp bao bọc quanh mình. Bất giác nhớ đến những ngọt ngào gượng, cười gượng, nói gượng lạnh lẽo, chông chênh ở đâu đó; tự nhiên biết ơn đời đã cho mình một chốn như thế này để quay về.

Ve que an tet thoi!
Ảnh minh họa

Không có gì thú vị cho bằng lúc ba mẹ con chúng tôi ngồi quanh khoảnh bếp đỏ rực than hồng của mẹ. Sáng sớm, mẹ đã lúi húi nhóm than. Dù nhà giờ đây có đủ cả bếp gas, bếp từ, mẹ vẫn giữ thói quen nhóm một bếp than bên hiên nhà. Xong ấm nước trà nóng cho ba là đến luộc khoai, luộc bắp; rồi đến nướng tôm, nướng hột điều, bánh tráng. Mấy đứa cháu cứ loi nhoi, đứa nói đứa hỏi, đứa đòi nướng phụ bà. Tiếng bà, tiếng cháu, tiếng mẹ, tiếng con vang cả một góc phố quê. Mặt mũi bà cháu đỏ bừng, lấp lánh.

Tôi nhớ năm rồi về quê, rủ mẹ gói bánh tét. Hồi nhỏ mê chơi, tết chỉ mải cùng đám bạn hàng xóm và mấy anh chị em họ coi lân coi pháo, coi hội chợ đổ lô tô… Năm nào cũng chỉ mình mẹ lầm lũi gói bánh, kêu rát cả cổ mới lau cho mẹ được rổ lá. Lớn lên, lấy chồng xa, con còn nhỏ, về đến nhà, bánh đã treo lủng lẳng trên tủ bếp; nên tóc trên đầu đã có sợi bạc cũng không biết gói cái bánh thế nào.

Lâu lắm rồi tôi mới thấy mẹ nhanh nhẹn như hôm đó. Dường như cái chân thoái hóa khớp không còn làm khó mẹ. Mẹ sải những bước dài tựa như ngày còn gánh hàng đi chợ. Từ nhà ra sân, từ sân vào nhà, nhắc mấy ông cháu khi thêm lửa lúc châm nước. Mẹ xếp lá, dặn tôi phải để lá ngang, lá dọc ra sao, sợi lạt phải sợi nào ngắn sợi nào dài, ướp thịt sao, nếp rải như thế nào cho đều, nhân để làm sao cho nằm ngay giữa... Ngần ấy thông tin mới mẻ, tôi cố gắng chăm chú, tự hứa với lòng tất cả những gì của năm cũ nhất định bỏ ngoài bậu cửa.

Chăm chú nhìn từng thớ lá xanh vừa heo héo, nhìn đôi tay nhăn nheo thoăn thoắt của mẹ, tẩn mẩn quấn từng vòng dây thật đều ngang đòn bánh tét, nghe tiếng cười trong trẻo của con hòa với tiếng khàn đục của ba... Thời gian như đã đậu lại đâu đó ngoài cửa sổ, để nơi đây chỉ là những yêu thương ngập tràn. 

Sáng Sài Gòn những ngày giáp tết se lạnh, lúi húi dẫn xe đưa con đi học, nhớ tiếng của ba hồ hởi qua điện thoại: “Chừng nào cháu nghỉ học con? Về ngoại gói bánh tét không con?”. Hai đứa con hào hứng không yên: “Yeah, sắp về ngoại ăn tết rồi”. Tôi bất giác cũng thấy nôn nao như lũ trẻ. Ừ, về quê ăn tết thôi!

 Lắm lúc ta cứ ngỡ mình mạnh mẽ, giỏi giang (hoặc cố tỏ ra thế) chứ thật ra thèm đến nhũn người cảm giác được ngồi trong căn nhà thời thơ ấu, ngắm căn phòng đã cũ, bộ bàn ghế đã cũ, chái bếp cũ và hai người thương yêu cũng đang mỗi ngày mỗi cũ. Những lúc ấy, ta lại thấy thương yêu trào lên không cách gì chặn nổi.

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI