Từ việc ca sĩ Thái Trinh bị quấy rối bằng lời khiếm nhã: Im lặng là tiếp tay cho cái xấu

23/03/2021 - 09:24

PNO - Từ sự việc Thái Trinh phải nghe lời quấy rối tục tĩu tại một buổi ghi hình, dư luận đã chia đôi: phe bênh vực ca sĩ và phe cho rằng đó là... chuyện chẳng có gì.

Trong buổi ghi hình một gameshow vào trưa 22/3, khi thử bấm chuông, nữ ca sĩ Thái Trinh đã phải nghe lời khiếm nhã liên quan tới tình dục từ một nhân viên quay phim.

Nữ ca sĩ có cảm giác bị xúc phạm, tổn thương. Nếu như những lần trước cô chọn im lặng, thì lần này cô lên tiếng, trước hết để lấy lại danh dự cho bản thân, sau muốn phụ nữ phải biết bảo vệ mình trước những tình huống tương tự. Hiện, nhà sản xuất (NSX) gameshow đã xin lỗi Thái Trinh, nhưng nhân viên quay phim thì chưa.

Nội dung đăng tải gây xôn xao dư luận của Thái Trinh
Nội dung đăng tải gây xôn xao dư luận của ca sĩ Thái Trinh

Sự việc nhận phản ứng trái chiều từ dư luận. Những người ủng hộ Thái Trinh nói: “Có lẽ, từ lâu chúng ta xem sự việc này bình thường nên chẳng ai buồn lên tiếng. Nhưng im lặng, đồng nghĩa với việc chúng ta tiếp tay cho cái xấu”, “Tôi cực kỳ dị ứng với việc đàn ông buông lời cợt nhả với phụ nữ và nghĩ đó là chuyện hay ho”, “Từ khi nào phụ nữ lại trở thành đối tượng để các anh xem thường như thế?”...

Thái Trinh gây xôn xao dư luận khi chia sẻ việc bị một người quay phim dùng lời lẽ khiếm nhã để
Thái Trinh gây xôn xao dư luận khi chia sẻ việc một người quay phim nói lời khiếm nhã với cô

Nhưng bất ngờ hơn, có không ít người chỉ trích Thái Trinh, dẫu trong 2 bài đăng Thái Trinh đều dùng từ ngữ rất lịch sự, văn minh. Họ viết: “Trinh phải tự hào vì như thế chứng tỏ mình nhiều kinh nghiệm”, “Anh quay phim đã nói đúng lại còn nói to, lần sau nói nhỏ với Trinh thôi nhé”, “Người ta trêu tí chút, làm vậy ảnh hưởng đến chén cơm người ta”, “Đàn ông nói chuyện phóng khoáng vậy mới thích... Mình đẹp người ta mới ghẹo. Vui vẻ đi mấy em mấy cháu, chuyện nhỏ đừng xé ra to”... 

Có người lại đặt nghi vấn Thái Trinh dùng câu chuyện này để đánh bóng tên tuổi, chuẩn bị ra sản phẩm âm nhạc mới.

Vì Thái Trinh là người nổi tiếng nên câu chuyện được quan tâm hơn mức bình thường, nhưng Thái Trinh tiết lộ, nhiều đồng nghiệp nữ đã trải qua những sự việc tương tự. Trong những bình luận phản đối Thái Trinh, có người cho rằng họ liên tục bị chọc ghẹo như thế và xem là chuyện bình thường. Có người cho rằng phụ nữ nào cũng từng nhận lời khiếm nhã như vậy ít nhất một lần trong đời.

Cách đây không lâu, một câu chuyện gây xôn xao khi một bà mẹ được mời làm mẫu ảnh và nhiếp ảnh gia đã nói những lời dung tục, thậm chí miệt thị ngoại hình. Trong một câu chuyện khác, bé gái bị tài xế xe ôm công nghệ dùng những câu hỏi nhạy cảm để “thăm dò”. Việc quấy rối bằng ngôn ngữ không hề hiếm gặp, có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào, bất kỳ nơi đâu.

Theo một thống kê năm 2019 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế, cho thấy 78,2% người bị quấy rối tình dục là nữ, trong độ tuổi 18-30. Nhưng phần lớn họ chỉ bắt đầu tìm kiếm sự trợ giúp khi bị quấy rối nghiêm trọng trong thời gian dài.

Nhiều người vẫn chưa nắm rõ về việc quấy rối tình dục
Nhiều người vẫn chưa hiểu thế nào là quấy rối tình dục

Dù xã hội phát triển, cởi mở, nhưng việc lên tiếng về chuyện bị quấy rối tình dục không nhiều, do tâm lý e ngại, sợ ảnh hưởng đến gia đình, công việc thậm chí bị dư luận phản đòn, chế giễu như trường hợp Thái Trinh. Có người lên tiếng bị xem là bất thường, hoặc cố ý làm nổi để gây chú ý.

Hành vi quấy rối được dung dưỡng bằng những quan điểm như: chuyện bé đừng xé ra to, chuyện bình thường mà, đùa chút thôi, làm gì mà căng.... 

Từ sự việc của Thái Trinh, không ít người băn khoăn về cách dư luận phản ứng với việc quấy rối tình dục bằng lời lẽ. Cũng trong thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộiđến 80% nạn nhân không hiểu rõ thế nào là quấy rối tình dục. Họ cho rằng chỉ khi sờ soạng, phát sinh quan hệ mới được xem là quấy rối, còn bị tấn công bằng lời nói, ngôn từ, hình ảnh khiêu dâm thì chưa phải. 

Theo điều 84, Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn điều kiện lao động và quan hệ lao động, do Chính phủ ban hành ngày 14/12/2020, có hiệu lực từ ngày 01/02/2021, quấy rối tình dục được định nghĩa gồm nhiều hình thức, trong đó có quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục. 

Vì vậy, khi một nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục lên tiếng, hãy động viên cổ vũ để góp phần loại bỏ cái xấu, trái pháp luật...

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI