Báo động tình trạng công nhân nữ ngành may mặc bị quấy rối ở Ấn Độ

11/03/2021 - 21:11

PNO - Sự kiện một nữ công nhân may mặc tại Ấn Độ bị sát hại mới đây, với hung thủ tình nghi là người giám sát của cô, đang cảnh báo một cơn “đại dịch tiềm ẩn” về tệ nạn xâm hại và quấy rối phụ nữ ở đất nước này.

Nhiều nữ công nhân của Natchi Apparels, một nhà máy cung ứng hàng may mặc cho nhãn hiệu thời trang H&M và một số nhãn hiệu khác ở Tamil Nadu - Ấn Độ, mới đây đã lên tiếng về tình trạng bạo lực tình dục mà họ đang phải chịu đựng từ những người giám sát của mình. Những công nhân này đã đưa ra cáo buộc nói trên sau khi thi thể của Jeyasre Kathiravel, 21 tuổi ở Dalit, được tìm thấy trong một cánh đồng gần nhà của gia đình khi cô không trở về sau ca làm việc.

Các nữ công nhân may mặc Ấn Độ phải làm trong một môi trường làm việc mà ở đó những người giám sát nam “nắm toàn quyền”
Các nữ công nhân may mặc Ấn Độ phải làm trong một môi trường mà ở đó những người giám sát nam “nắm toàn quyền”

Người quản lý trực tiếp của Kathiravel sau đó đã bị cáo buộc là kẻ đã sát hại cô. Gia đình và đồng nghiệp ở nhà máy của Kathiravel cho biết cô đã sợ hãi đến mức không muốn báo cáo về việc đã bị người quản lý này quấy rối trong vài tuần liên tục trước khi bị thiệt mạng.

Sau cái chết của Kathiravel, 25 phụ nữ khác đã gửi thư tố cáo lên công ty Tamil Nadu Textile và Liên đoàn Lao động phổ thông Ấn Độ (TTCU), nói rằng họ đã bị những người giám sát và quản lý của Natchi Apparels, nhà máy thuộc sở hữu của Eastman Exports, một trong những công ty may mặc lớn nhất của Ấn Độ tấn công, quấy rối tình dục và nhục mạ bằng lời nói. 

Nhiều nữ công nhân ẩn danh khác tại nhà máy này cũng cho tờ the Guardian biết phải thường xuyên chịu đựng tình trạng bạo lực và lăng nhục bằng lời nói. Họ mô tả đang phải làm việc trong một môi trường mà ở đó những người giám sát nam “nắm toàn quyền” đối với các nhân viên nữ cấp dưới. Một số khác cho biết tình trạng bạo lực tình dục đã diễn ra tại đây trong nhiều năm và thường xuyên xảy ra trong các ca làm việc tối.

Các nữ công nhân tại Natchi Apparels cho biết việc áp đặt các chỉ tiêu về năng suất lao động quá cao và văn hóa dùng cách sỉ nhục nhân viên bằng lời nói để thúc đẩy họ làm việc nhanh hơn, thậm chí tấn công và quấy rối tình dục nhân viên nữ đã trở thành “chuyện bình thường” ở nhà máy này. Những công nhân này cho biết họ phải gia công đến 1.000 sản phẩm may mặc mỗi ngày. “Tất cả những người giám sát đều là nam. Ngày nào chúng tôi cũng bị họ cũng nhục mạ, chì chiết và sử dụng những từ ngữ dâm dục. Những hành vi này đã gắn liền với công việc của chúng tôi và là một phần văn hóa của nhà máy này”, các nạn nhân chia sẻ.

Các nữ công nhân nói trên, phần lớn là lao động chính của gia đình, cũng cho biết họ sợ bị mất việc nếu than phiền về điều kiện làm việc ở nhà máy. “Nếu giám sát yêu cầu làm gì thì bạn phải làm điều đó. Chúng tôi cũng chẳng có chọn lựa nào khác. Chúng tôi không kiếm được việc làm nào khác ngoài ở đây”, một nữ công nhân chia sẻ. Những nhân viên này cũng cho biết không hề biết đến các cơ chế báo cáo trình trạng bị quấy rối của nhà máy hoặc quá sợ nên không dám sử dụng các cơ chế này.

Trong khi đó, Eastman Exports đã phủ nhận tất cả các lời cáo buộc và cho rằng nhà máy của họ có đầy đủ hệ thống và cơ chế để nhân viên báo cáo khi bị phiền nhiễu hay quấy rối. Công ty này cũng cho biết không nhận được bất cứ lời than phiền nào về việc bị quấy rối tình dục liên quan đến cái chết của Jeyasre Kathiravel. Theo công ty, nạn nhân đã có quan hệ “tình cảm” với người sát hại mình.

“Chúng tôi không khoan nhượng cho bất cứ hành vi nào có ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động. Cả ban giám đốc và các giám sát của nhà máy đều đối xử công bằng với tất cả các nhân viên ở tất cả các cấp. Chúng tôi cũng có cơ chế giải quyết than phiền đang vận hành tốt. Ngoài ra, chúng tôi cũng lập ra các diễn đàn giải quyết than phiền của nhân viên vốn đang hoạt động rất tích cực và quan tâm đến từng sự vụ. Chúng tôi cũng có các chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp để hỗ trợ nhân viên khi cần”, nhà máy nói trên tuyên bố.

H&M cho biết đã ngay lập tức mở một cuộc điều tra về các điều kiện làm việc và các than phiền liên quan đến tấn công tình dục tại Natchi Apparels
H&M cho biết đã mở một cuộc điều tra về các điều kiện làm việc và các than phiền liên quan đến tấn công tình dục tại Natchi Apparels

Theo luật pháp Ấn Độ, nhà máy này phải có một ban than phiền nội bộ để xử lý các vụ tố cáo liên quan đến quấy rối tình dục, một ban giải quyết than phiền và một ban đại diện cho người lao động.

“Trên thực tế, khi chúng tôi tìm cách báo cáo về những hành vi không phù hợp của người giám sát thì các quản lý cấp cao lại trả lời rằng đó là điều kiện làm việc bình thường tại một nhà máy may mặc và nhiệm vụ của chúng tôi là đến nhà máy, hoàn tất công việc, lãnh lương rồi đi về”, một nữ công nhân bức xúc.

Sau vụ sát hại nói trên, H&M cho biết đã ngay lập tức mở một cuộc điều tra về các điều kiện làm việc và các than phiền liên quan đến tấn công tình dục tại Natchi Apparels. Công ty này cho biết đang phối hợp chặt chẽ với TTCU để tạo ra một môi trường lao động an toàn cho công nhân nữ tại nhà máy.

 “Tập đoàn H&M đang nghiêm túc xem xét sự việc và chúng tôi nhận thấy rằng cần có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho công nhân trong toàn chuỗi cung ứng của chúng tôi. Đây là một tình huống cực kỳ nhạy cảm và chúng tôi đang tích cực thực hiện các hành động có lợi nhất cho công nhân của nhà máy cũng như đáp ứng các kỳ vọng của liên đoàn lao động và các bên có lợi ích liên quan khác. Những lời cáo buộc của công nhân và điều kiện làm việc như họ mô tả là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”, David Sävman, Giám đốc chuỗi cung ứng toàn cầu của H&M chia sẻ.

Theo các nhà hoạt động vì nhân quyền, bạo lực tình dục đang là một “cơn đại dịch tiềm ẩn” có nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của hàng triệu lao động nữ trong các chuỗi cung ứng thời trang toàn cầu. Năm 2018, một báo cáo của Diễn đàn Quyền lao động quốc tế - Công lý cho người lao động toàn cầu (GLJ-ILRF) đã vạch trần nhiều vụ bạo lực liên quan đến giới tính ở các chuỗi cung ứng của H&M. Báo cáo kết luận rằng cơ chế hiện tại của H&M và các nhãn hiệu thời trang khác chưa đủ giúp bảo vệ công nhân may mặc tránh khỏi nạn quấy rối.

“Bạo lực liên quan đến giới tính và quấy rối không chỉ tồn tại ở một nhà cung ứng hay một nhãn hiệu. Trên thực tế, những chương trình giải quyết than phiền của nhân viên hay chương trình huấn luyện cho nhà máy chưa đủ để chấm dứt các tình trạng như công nhân nữ ở Natchi Apparels đang phải gánh chịu”, GLJ-ILRF cảnh báo.

Nhất Nguyên (theo the Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI