Tội phạm áo trắng: Những lối rẽ nghiệt ngã

21/04/2016 - 08:45

PNO - Tội phạm thanh thiếu niên không bị tước đi cơ hội được sống nhưng là lối rẽ nghiệt ngã của đời con, là nỗi đau của cha mẹ, người cưu mang.

Ngay cả với những người đề nghị bỏ qua yếu tố tuổi tác khi xét xử án hình sự, quyết không nương tay với những hành vi gây án nghiêm trọng để răn đe cho toàn xã hội, cũng không thôi ám ảnh với gương mặt “búng ra sữa”, đôi mắt trong veo, ngơ ngác của những áo trắng đứng trước vành móng ngựa. Tội phạm thanh thiếu niên không bị tước đi cơ hội được sống nhưng là lối rẽ nghiệt ngã của đời con, là nỗi đau của cha mẹ, người cưu mang.

Quỷ đưa đường

Hành vi phạm tội không chỉ dừng lại ở tự vệ, ở phút giây cạn nghĩ, nông nổi nhất thời mà nhiều vụ được lên kịch bản, có phối hợp, chuẩn bị từ rất lâu. Dừng lại ở từng tình tiết vụ án, người theo dõi không khỏi bật lên câu hỏi: “Những khi ấy, gia đình đã ở đâu?”. Như vụ nữ sinh Kiều Quyên thuê người tạt a-xít hai bạn nữ học chung trường và từng ở chung với mình, mâu thuẫn phát sinh từ lâu khi mối quan hệ đồng tính nữ có kẻ mày râu chen vào. Rồi hai bạn nữ trọ chung phòng đuổi Quyên đi nơi khác thuê nhà; các bên “bút chiến” trên mạng xã hội; Quyên và bạn trai cùng lên kế hoạch thuê người dằn mặt hai bạn nữ ấy, đầu tiên định dùng nước sôi, sau chuyển qua a-xít cho “để đời”; kết nối với một thanh niên đang túng bấn cần tiền đến bất chấp pháp luật; Quyên giả vờ đến hiện trường, hỗ trợ đưa bạn đi cấp cứu… Hành trình phạm tội đã nung nấu qua ngày tháng, nhưng bạn bè, thầy cô, các bậc cha mẹ không hề hay biết để kịp thời kéo con em mình lại. Nhìn Quyên với cặp kính cận, căng thẳng, lúng túng khi cảnh sát hỏi cung, thắt lòng hình dung cảnh cha mẹ ở quê nhà lam lũ nắng mưa, âm thầm ki cóp tiền gửi vào cho con ăn học để một ngày ngã ngửa khi biết tội ác của con.

Toi pham ao trang: Nhung loi re nghiet nga
Ảnh mang tính minh họa: Internet

“Cháu tôi rất ngoan hiền, học xong còn phụ giúp việc buôn bán…”, vì thế nên người nhà không nuốt trôi sự thật “cậu bé” 15 tuổi Nguyễn Công Bảo sát hại nghệ sĩ Đỗ Linh với động cơ tiền bạc. Nếu cô ruột Công Bảo gần gũi, sâu sát, giúp đỡ tích cực từ khi Bảo học kém, được thầy cô nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời việc Bảo nhận lời người lạ rủ rê quan hệ tình dục hay hai lần lôi kéo các bạn vào kế hoạch cướp tài sản, thì đâu đến ngày phải đứng ở tòa trong vai trò giám hộ nghi can (Bảo mồ côi cha mẹ, được cô nuôi dưỡng).

Trong tai ương, thật bất nhẫn khi quy lỗi cho người thân, bở i như chất chồng thêm bi kịch. Nhưng, nhìn nhận vai trò của gia đình khi con lỡ bước sa chân là cần thiết. Độ chênh giữa điều con muốn và thứ mà con đang có khiến chúng bằng mọi giá phải tước đoạt từ người khác. Muốn được tiền bạc, muốn chiếm hữu một mối tình, muốn được “nể” hay chỉ muốn dạy cho người khác bài học... con trẻ đã mượn bạo lực như một giải pháp. Con quỷ dữ xúi giục, lôi kéo con vào ngõ tối chính ở điều con muốn. Nhiều phụ huynh không hiểu con một cách trọn vẹn, toàn diện, không nắm bắt được nhu cầu ẩn sâu giấu kín, cứ tin tưởng vào vỏ bọc bằng lặng ở cô cậu học sinh ngày hai buổi đến trường.

Cắp... dao đến trường

Nhiều trường hợp học sinh hiềm khích nhau vì ghen tuông, tranh giành người yêu, cha mẹ chưa kịp tìm hiểu, nắm bắt thông tin thì mũi dao đã tới trước. Học sinh cắp sách đến trường và cắp theo cả dao. Không ít trường hợp, mâu thuẫn nhỏ như cười đểu, lỡ giẫm lên chân nhau, rớt dép trúng, bạn không cho quay cóp khi kiểm tra, trong một phút mất kiểm soát, mũi dao làm chủ cũng có thể xảy đến bi kịch.

Có khi nào phụ huynh vô tình thấy trong cặp của con trai, con gái mình: một con dao, sợi xích, dây thừng, một chai hóa chất, một sim “rác” điện thoại, một lá thư? Chị Hoàng Oanh (buôn bán, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) từng “chết đứng” khi phát hiện con dao mà cậu trai học lớp 10 giấu trong ngăn cặp. Chẳng biết xử trí thế nào, đi tư vấn chuyên gia, về nhà, chị giả vờ bảo “cặp con bẩn quá, lấy hết đồ ra để mẹ đem giặt”. Con chần chừ một hồi rồi cũng làm. Đến lúc con moi dao ra, chị nhẹ nhàng hỏi: “Con đi học mà mang dao theo để làm gì?”.

Cậu đáp lí nhí: “Bạn con đem vào lớp gọt trái cây ăn mà để quên nên con cất dùm”. Một mặt bảo con đem trả dao cho bạn, một mặt nói với con về những nguy cơ có thể xảy đến như giám thị phát hiện, sẽ đánh giá hạnh kiểm hay lỡ gây thương tích nếu có xô xát… Chị cũng lân la tìm hiểu và phát hiện giữa con và một nam sinh cùng khối có vấn đề hiểu lầm, căng thẳng với nhau từ hai tháng trước.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI