Cùng con đi tiếp cuộc đời (bài )

Tạo dựng cảm giác gia đình cho trẻ mồ côi

10/11/2021 - 12:27

PNO - Trong đại dịch COVID-19, nhiều gia đình đang yên ấm bỗng chốc mất đi người thân. Đau đớn nhất có lẽ là việc nhiều đứa trẻ đang tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” phải nhận cú sốc: trở thành trẻ mồ côi.Tổn thương tâm lý do mất cha mẹ, sự thiếu vắng tình thương của người ruột thịt là những tổn thất không thể đong đếm hay diễn tả.

 

Ảnh mang ti nh1 minh họa - SHUTTERSTOCK
Mất cha mẹ là nỗi đau khủng khiếp nhất với bất kỳ ai. Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK


Khát khao “cảm giác gia đình” 

Những năm từ 2012 đến trước khi đại dịch diễn ra, tôi hay lui tới những mái ấm, cơ sở bảo trợ - nuôi dạy trẻ mồ côi ở TP.HCM, Đồng Nai và các tỉnh Tây Nguyên để hỗ trợ tâm lý, vật chất và giáo dục các em.

Vì được ở với các em, dạy kỹ năng, đọc sách, hát, vui chơi và tâm sự cùng các em nhiều ngày, tôi nhận ra rằng: Dù được chăm sóc tốt về vật chất, những người thay thế vai trò cha mẹ các em ở các cơ sở có nỗ lực tận cùng, có thương các em bằng cả trái tim, thì cũng không thể lấp đầy những khát khao, nhu cầu có cha, có mẹ, có người thân và cảm nhận được “cảm giác gia đình”.

Trong một phát biểu gần đây, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cũng khẳng định: “Một số người cho rằng cho các em một nơi trú ngụ là giải pháp duy nhất. Nhưng không phải như vậy, chúng ta cần phải nhanh chóng cùng nhau tìm được môi trường gia đình cho các em”. 

Do đó, trước những trăn trở “cần làm gì để hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả cho trẻ mồ côi sau đại dịch”, chúng ta cần cân nhắc hướng đến việc tạo cho các em bầu không khí tâm lý gia đình, cảm giác gia đình hay môi trường gia đình để các em giảm bớt gánh nặng tâm lý ở chính mình, cũng như đối với những người xung quanh.   

Ưu tiên yếu tố gia đình

Để tránh những xáo trộn ngày càng lớn sau cú sốc mất người thân, cần chú trọng nắm bắt tâm lý trẻ, chăm sóc tinh thần bên cạnh các hỗ trợ cần thiết về vật chất. Đặc biệt là việc ưu tiên hỗ trợ trẻ ngay tại ngôi nhà nơi trẻ sinh ra và gắn bó. Đặt nặng “yếu tố gia đình” trong vấn đề cải thiện đời sống vật chất và tâm lý cho trẻ.

Ảnh Rawpixel.com
Cần giúp trẻ sống trong không khí gia đình ở đoạn đời không còn cha mẹ - Ảnh Rawpixel.com

 

Chẳng hạn, đối với trường hợp trẻ em mồ côi nhưng vẫn còn người thân/người sống cùng nhà trước đây như ông bà, cô, dì, cậu, chú, bác hoặc anh chị em lớn, cần ưu tiên hỗ trợ ngay tại gia đình, để trẻ vẫn giữ được những thói quen lành mạnh, cảm giác thân thuộc như khi còn cha mẹ.

Đối với trẻ còn người thân, họ hàng ở xa, cần hỗ trợ liên lạc để kết nối càng sớm càng tốt, bố trí cho các em ở cùng. Ngoài ra, nếu các em có anh, chị em ruột nhưng không còn họ hàng, có thể để các em sống với nhau trong các cơ sở bảo trợ. Điều này giúp trẻ giảm cảm giác lạc lõng hay mất mát khi không còn cha mẹ, đặc biệt, trẻ vẫn cảm nhận được tình thân qua những người có cùng huyết thống, có những điểm chung nhất định và chịu ảnh hưởng bởi truyền thống, phong tục, tập quán tương tự nhau.

Nếu không thể ở với họ hàng người thân như ông bà, cô, dì, cậu, chú bác, có thể tìm kiếm các cá nhân, gia đình nhận nuôi dưỡng các em, bố trí cho các em là anh chị em ruột ở cùng nhau.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Hãy giúp trẻ sinh hoạt, học tập trở lại để tránh những khoảng trống tâm lý. Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Duy trì nếp sống bình thường

Trong số hàng ngàn trẻ mồ côi, có trẻ gần như chỉ còn lại một mình, không ai thân thích, hoặc nếu có họ hàng, cũng không đủ điều kiện hỗ trợ như ở quá xa hoặc gia cảnh khó khăn... Các trẻ này thường sẽ được sắp xếp vào các cơ sở nuôi dạy tập trung.  Khi tiếp cận và hỗ trợ trẻ, cần hết sức lưu ý đến gia cảnh trước đây, tình trạng hiện tại, cảm xúc, nhu cầu, tâm tư và nguyện vọng riêng...

Trong đó, việc duy trì hay tạo dựng môi trường, nếp sống, sinh hoạt, học tập giống như gia đình trước đây mà các em đã sống có thể giúp các em đỡ hoang mang, hụt hẫng và giảm cảm giác cô đơn. 

Chúng ta có thể bắt đầu từ việc tìm hiểu nếp sống cũ của trẻ và hỗ trợ trẻ duy trì lịch sinh hoạt trước đây như vui chơi, học tập, thể thao, dọn dẹp, dã ngoại, gặp gỡ bạn bè...

Người chăm sóc trực tiếp hoặc chịu trách nhiệm hỗ trợ trẻ ở các cơ sở tiếp nhận cần tinh tế theo dõi các biểu hiện cảm xúc, hành vi, ngôn ngữ của trẻ để đánh giá sự tiến bộ, cởi mở hay khép kín, từ đó có giải pháp giúp đỡ kịp thời. Việc chỉ trích, chê bai, thành kiến, cô lập trẻ với đám đông, thiếu cân nhắc trong hành xử sẽ làm tổn thương thêm tâm lý vốn dĩ đã mất cân bằng, bất ổn của trẻ.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Người chăm sóc cần quan sát kỹ lưỡng các biểu hiện cảm xúc ở trẻ mồ côi cha mẹ vì COVID-19. Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

 

Nếu trẻ có cha hoặc mẹ nuôi hay đỡ đầu, có anh em kết nghĩa... sẽ có thể là điểm sáng trong việc củng cố “cảm giác gia đình” cho trẻ. 

Trong trường hợp trẻ có thái độ và hành vi kém thích ứng, khép mình, né tránh giao tiếp xã hội, rối loạn cảm xúc, hành vi hoặc có biểu hiện lo âu, trầm cảm sau cú sốc mất cha mẹ... người phụ trách chăm sóc, giáo viên và đội ngũ hỗ trợ cần ghi nhận kịp thời các dấu hiệu, thông báo cho tổ chức trẻ em hoặc tham vấn các nhà chuyên môn tâm lý, giáo dục để được phân tích, giải đáp và can thiệp kịp thời, tránh những diễn biến không mong đợi.

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân 
(Đại học Quốc tế Sài Gòn)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI