Nỗi đau chăn gối

21/06/2014 - 11:42

PNO - PN - Bạo hành tình dục là một nỗi nhức nhối khôn cùng trong một số gia đình. Dù bạo hành tình dục đã được đưa vào Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và là một trong những yếu tố cấu thành tội bạo hành gia đình; song nó vẫn...

edf40wrjww2tblPage:Content

Noi dau chan goi

Chị My tìm đến báo Phụ Nữ để được tư vấn

Tháo chạy

Sáu tháng qua, kể từ ngày lặn lội từ Hải Phòng vào TP.HCM sinh sống, mỗi khi nhắc đến chồng, chị Hoàng Thị Kim (*) (47 tuổi) không khỏi rùng mình: “Không biết cuộc sống của tôi giờ sẽ ra sao nếu vẫn còn ở quê”. Với chị Kim, chuyến “di cư” này là một cuộc tháo chạy khỏi người chồng bạo dâm từng khiến chị chỉ… muốn chết cho xong. Gần 20 năm chung sống, chuyện quan hệ gối chăn là một cực hình với chị. Bất kể thời điểm và cũng chẳng bận tâm đến cảm xúc của vợ, anh Lộc - chồng chị, cứ muốn là hùng hục lao đến vợ. Vùng vẫy, kháng cự, là chị nhận ngay những cú bạt tai: “Mày giữ cho thằng nào?”. Càng ngày, cấp độ bạo dâm của chồng càng tăng. Lộc hết ép vợ coi phim sex rồi cùng thực hành, nghĩ ra đủ chiêu trò, kiểu cách bắt vợ đáp ứng. Tệ hơn, chị Kim càng đau đớn, khóc lóc, van nài, Lộc càng hả hê, thỏa mãn, như được tiếp thêm nguồn cảm hứng. “Anh không ngần ngại cho cả thuốc lá, hộp quẹt hay những vật dụng vớ được vào vùng nhạy cảm của tôi” - chị Kim khóc.

Là kỹ sư xây dựng và là một tay nghiện rượu nhưng lười… vệ sinh, Lộc thường giữ “nguyên trạng” người nồng nặc rượu bia cứ thế ép vợ “hành sự”. Ê chề, đau đớn, nhưng chị Kim không dám kể với ai nỗi khổ tâm của mình vì “chỉ thêm nhục nhã”. Chị càng không dám nghĩ đến ly hôn vì sợ các con phải khổ, và vì bản thân chị cũng đang lệ thuộc kinh tế vào chồng. Giọt nước tràn ly là vào một tối cuối năm 2013, chị nhận được cuộc gọi của chồng yêu cầu đến ngay một khách sạn. Chết điếng trước cảnh chồng cùng một cô gái đang “lõa thể”, chị chưa kịp định thần thì anh ta lao đến, yêu cầu chị “chứng kiến và học theo”. Chị vùng chạy, anh ta lao theo túm tóc, lôi vào góc phòng bắt “ngồi im, mở to mắt nhìn”. “Quá nhục nhã, xấu hổ, hôm sau tôi quyết định gửi con lại cho bố mẹ, bắt xe vào Nam. Hiện tôi đang phụ việc tại một quán cơm, đợi ổn định rồi sẽ đưa các con vào sum họp” - chị Kim nói.

Đã hai lần viết đơn ly hôn, nhưng những lời ngọt nhạt hứa hẹn thay đổi của chồng lại khiến chị Trần Hải My (50 tuổi, Q.Tân Bình) mềm lòng xé bỏ. Trước đây, anh Nguyên - chồng chị, là một người chồng, người cha tốt, yêu chiều vợ con hết mực. Thế nhưng, cái sự “tốt” ấy ngày càng mất dần, nhường chỗ cho một người đàn ông tồi tệ, hung hăng, đặc biệt là trong quan hệ gối chăn. Ở nhà thuê, mặt bằng trước nhà được chị My tận dụng mở một tiệm gội đầu nhỏ. Mỗi khi đi làm về, ngay cả lúc vợ đang bận khách, Nguyên hết vẫy tay ra hiệu đến đi ngang vỗ vai vợ, hàm ý “vào phòng ngay”. Nếu chị không ngoan ngoãn nghe lời, thể nào chồng chị cũng đuổi khách về để “vợ chồng bàn chuyện” hoặc vừa chửi đổng, vừa lôi vợ vào phòng.

Chị My tủi thân: “Anh ta bắt tôi làm đủ các trò, hết quỳ lết đến trườn bò cho anh ta xem. Tôi càng khóc, càng khổ sở thì anh ta càng vui”. Chị My không dám cãi lời chồng, vì bao giờ trước khi “hành sự”, Nguyên cũng chuẩn bị sẵn một con dao hoặc cái kéo, vợ trái lời là kề ngay vào cổ! Chị My cứ âm thầm chịu đựng. Chuyện bung bét vào một ngày cuối tháng 3/2014, lúc chị đang gội đầu cho khách, Nguyên về, vừa đuổi khách vừa yêu cầu vợ vào phòng phục vụ. Uất ức, chán chường bấy lâu khiến chị My quyết tâm phản ứng bằng cách… im lặng, tiếp tục gội đầu cho khách. Lần này, vừa túm tóc lôi vợ vào phòng, Nguyên vừa lăm le con dao như muốn bổ xuống đầu vợ, trước sự ngỡ ngàng của hai con. Sợ lời hăm dọa “giết chết cả nhà” của chồng thành sự thật, chị My gói hành lý sang nhà người quen tạm lánh.

Mạnh dạn nhờ can thiệp

Trong đời sống vợ chồng, tình dục đóng vai trò rất quan trọng, gắn kết tình cảm, nhân lên hạnh phúc nhưng phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tôn trọng nhau. Những hành vi ép buộc, bạo hành, cố tình xâm hại đều gây tác dụng ngược, nạn nhân ngoài việc đau đớn thể xác, còn tổn thương tinh thần khi liên tục bị biến thành “trò chơi” trong cuộc ân ái. Lâu dần, bạo hành tình dục (BHTD) sẽ là nỗi khiếp đảm, ám ảnh của người bị bạo hành, hạnh phúc gia đình dần rạn nứt. Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Ngọc (Phòng tham vấn HN-GĐ, Nhà Văn hóa Phụ Nữ), nạn nhân bị BHTD không nên xem đó là chuyện kín đáo, riêng tư. Người bị bạo hành cần mạnh dạn đấu tranh thông qua việc chia sẻ nỗi khổ tâm với các thành viên trong gia đình để tìm hướng giải quyết, đồng thời nhờ đến sự giúp đỡ của các đoàn thể ở địa phương.

Năm 2008, quan hệ tình dục đã được luật hóa bởi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở điều 2, điểm đ: cưỡng ép quan hệ tình dục, điểm a: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, điểm b: lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người bạo hành bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dù vậy, trong thực tế, gần như không người bị BHTD nào đủ can đảm nhờ đến pháp luật bảo vệ. Mang tâm lý xấu hổ, mắc cỡ, ngại “vạch áo cho người xem lưng”, các nạn nhân thường có xu hướng cam chịu, không tố giác vi phạm. Ngoài ra, bản chất người phụ nữ Á Đông vẫn cho rằng tình dục là “chuyện của gia đình”, phục vụ chồng là một lẽ đương nhiên, thuộc nghĩa vụ và bổn phận nên âm thầm chịu đựng. Chỉ đến khi tức nước vỡ bờ, họ mới dám nghĩ đến việc tháo chạy hoặc chấm dứt hôn nhân.

Đã vậy, việc thu thập chứng cứ làm cơ sở tố giác người bạo hành lại quá… nhiêu khê, nan giải. Theo luật sư Nguyễn Văn Đức - Giám đốc Công ty luật Kinh Luân, BHTD có nhiều cấp độ, từ sử dụng lời lẽ khiếm nhã, chửi bới, xúc phạm, ép buộc cho đến bạo hành thể xác, nạn nhân khó có chứng cứ chứng minh. Dù vậy, người trong cuộc nên quyết liệt nhờ đến sự can thiệp của chính quyền. Sự trình báo này sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng “nắm bắt” tình trạng hôn nhân, tùy theo mức độ sẽ khuyên nhủ, hòa giải hay lập biên bản kiểm điểm, cảnh cáo. Ở cấp độ nặng, khi BHTD gây thương tích, nạn nhân sẽ được chính quyền đưa đi giám định nhằm xử phạt người vi phạm hoặc khởi tố hành vi vi phạm. “Hơn ai hết, người trong cuộc cần có ý thức về giá trị bản thân, về quyền được yêu thương, hạnh phúc. Người bị bạo hành trước tiên phải tự cứu mình bằng cách mạnh dạn tố cáo, trình báo để được can thiệp, bảo vệ kịp thời. Chúng ta đã có vai trò của các nhân viên xã hội và đoàn thể tại địa phương, nếu được trao quyền và phối hợp đúng cách, vấn nạn bạo lực tình dục sẽ từng bước được ngăn chặn” - bà Ngọc khẳng định.

 TUYẾT DÂN - DIỆU HIỀN

(*) Tên nhân vật đã thay đổi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI