Những giọt nước mắt trong buổi họp phụ huynh cuối năm

24/05/2025 - 17:28

PNO - Cuối năm học là giai đoạn nhạy cảm dễ bùng nổ cảm xúc tiêu cực khi những con số trong sổ liên lạc cô đưa không chiều lòng các bậc cha mẹ.

Buổi họp phụ huynh hôm nay khá đặc biệt vì cô giáo đã thông báo hết nội dung rồi mà không phụ huynh nào đứng dậy ra về. Tâm trạng ai cũng như có gì bịn rịn, lưu luyến.

Thoáng chút bối rối, cô chủ nhiệm Nguyễn Thị Hiệp (Trường trung học cơ sở Tăng Bạt Hổ, quận 4, TPHCM) chia sẻ: “28 năm trong nghề giáo, tôi đã có 26 năm làm chủ nhiệm lớp. Chỉ có 2 năm không chủ nhiệm là năm đầu tiên mới bước chân vào nghề và một năm sức khỏe không cho phép. Quý phụ huynh biết không, tự nhiên 2 đêm trước, tôi không ngủ, tôi nhớ từng gương mặt các em và khóc. Sắp hè rồi, lâu lắm mới được gặp lại các em”.

Giọng cô nghèn nghẹn và đôi mắt đỏ hoe theo từng lời tâm sự. Bên dưới, phụ huynh thấm từng câu cô kể, từng ánh mắt cô nhìn. Cô nói tiếp: “Có khi tôi la các con và sau đó hỏi “cô la con, con có giận cô không?”. Con lắc đầu và cười tươi dễ thương lắm!”.

Trong lớp có 2 học sinh học lực không được giỏi, xuất sắc như các bạn. Cô ân cần tặng mỗi phụ huynh một món quà để về trao lại cho con, cảm ơn con dù thành tích chưa tuyệt vời nhưng con đã tuyệt vời trong nỗ lực. Một “kỷ lục” đáng mừng mà lớp mình đạt được bên cạnh thành tích học tập chính là… không bị nợ học phí. Chẳng phải do phụ huynh đều giàu có mà là phụ huynh khéo léo thu xếp cuộc sống, chủ động lo cho con, không gây khó cho cô chủ nhiệm và nhà trường. Năm học tới, hy vọng với chính sách miễn học phí, phụ huynh sẽ được nhẹ gánh hơn, nhất là những nhà khó khăn, có nhiều con.

Cô Nguyễn Thị Hiệp trao quà cho phụ huynh để động viên các con - Ảnh: DHT
Cô Nguyễn Thị Hiệp trao quà cho phụ huynh để động viên các con - Ảnh: DHT

Cô giáo không chia sẻ nhiều nhưng phụ huynh cảm nhận có trăm điều được gói trong từng câu chuyện. Ở cấp II, tâm sinh lý các bé diễn biến phức tạp, khó nắm bắt, dễ mặc cảm, dễ chán học, sa vào cảm xúc đầu đời, xao lãng việc học, bạo lực học đường... Sự phối hợp của cô giáo và phụ huynh cần chặt chẽ khéo léo và thường xuyên. Khoảng cách nhà trường, gia đình dường như đã xóa nhòa để tất cả cùng quan tâm, chăm sóc, nâng dậy tinh thần con trên hành trình học hành, khám phá cuộc sống, trưởng thành. Dù hội trưởng phụ huynh đã đại diện đứng lên cảm ơn cô giáo nhưng một phụ huynh khác cũng tiếp lời với những cảm xúc đã khơi thành dòng cay cay nơi khóe mắt. Những cái nắm tay, những cái ôm trao nhau không ngớt trong buổi họp.

Cuối năm học là giai đoạn nhạy cảm dễ bùng nổ cảm xúc tiêu cực khi những con số trong sổ liên lạc không chiều lòng các bậc cha mẹ. Nhiều trường hợp phụ huynh tác động để nâng điểm, gây áp lực và cả tìm cách mua chuộc giáo viên.

Chị Kim Hiền, phụ huynh của một học sinh tại quận 1, TPHCM chia sẻ: “Tôi cũng khá sốc khi biết con gái không được học lực giỏi. Một suy nghĩ hiện lên là con bị thầy cô ghét hay sao mà năm nay không đủ điểm giỏi trong khi xưa giờ con toàn giỏi, xuất sắc. Con bị thiếu chỉ 0,1 sao cô giáo chủ nhiệm không báo cho gia đình để kịp thời xin điểm thầy cô bộ môn… Nhưng tôi giật mình nghĩ lại, thành tích tròn trịa ấy, con số trên 8 phẩy ấy có ý nghĩa gì một khi con đã cố gắng học hành; con vẫn vui vẻ, hài lòng với kết quả và tự tin, hòa đồng cùng chúng bạn”.

Nhớ năm học trước, không biết may hay rủi mà con gái tôi học lớp 10 gặp phải cô chủ nhiệm mới ra trường. Cũng có nghĩa là cô “lần đầu làm chuyện ấy”: làm giáo viên chủ nhiệm. Phụ huynh nói chuyện với cô thì câu cửa miệng là “cô còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm”. Thực sự, cô lúng túng trong nhiều việc, từ lập nhóm chát, thu tiền quỹ đến quyết định cho các con ăn liên hoan hay không. Phụ huynh đông lại “chín người mười ý”, làm mọi chuyện cứ rối tung trong những kỳ họp, kể cả cuộc họp cuối năm.

Tuy nhiên, bằng tình yêu thương vô bờ bến của người cô, người chị, người lái đò đối với các học sinh chỉ thua vài tuổi, cô đã giải quyết gọn gàng, có lý, có tình nhiều sự cố. Cô cảm hoá cả những em có hành vi quậy phá, thái độ bất cần. Cô rèn cho các em đức tính trung thực, lễ phép và yêu thương nhau.

Sau buổi họp phụ huynh cuối năm, tôi nắm tay cô cảm ơn và khẳng định: “Tôi không bao giờ nghĩ rằng cô thiếu kinh nghiệm và cô cũng không nên nghĩ như vậy. Cô cứ tự tin dạy dỗ các con theo cách bao dung và kiên nhẫn của cô! Cô đã làm được rồi đó”. Cô xúc động nói: “Em cảm ơn chị. Câu nói của chị sẽ theo em suốt cuộc đời làm nghề giáo”.

Tôi trân trọng giọt nước mắt lung linh của những ngày kết thúc năm học và cảm nhận rõ sự gắn bó tuyệt vời giữa cha mẹ - thầy cô trong việc nuôi dưỡng thân tâm cho những thiên thần nhỏ.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI