Hai người mẹ ở trường

19/11/2013 - 16:38

PNO - PNO - Hỏi bất cứ học sinh nào của trường THCS Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) sau khi lên cấp III rằng nhớ thầy cô nào nhất, các em sẽ trả lời: “Má Mười và má Pho”.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Má Mười là cách gọi thân mật đầy trìu mến với cô Võ Thị Riểu, giáo viên môn hóa Trường THCS Đa Phước. Là giáo viên một trong 4 môn “hốt bạc” nhờ dạy thêm, nhưng cuộc sống của cô khá khiêm tốn. Để đứng vững trên bục giảng, cô đã phải nuôi heo tăng thu nhập (trước năm 2000), sau đó cô làm bánh tráng trộn bỏ mối.

Tại sao giáo viên một trong những môn chính đã phải vất vả như vậy? Cô cho biết: “Học trò yếu kém tôi mới phụ đạo, mà nơi đây hầu hết là học sinh nghèo nên tôi miễn học phí”. Con trai lớn của cô đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Con gái út đang học năm thứ ba đại học. Là giáo viên chủ nhiệm nhiều năm, cô luôn tạo sự tự tin cho học trò.

Thí dụ trong giờ học, cô khuyến khích học sinh phát biểu, phán đoán vấn đề…thay cho những bài giảng “tràng giang đại hải” rồi buộc học sinh học thuộc lòng. Nhờ vậy, năm nào cô cũng có học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp thành phố. Chẳng những vậy, sau khi lên cấp III, học sinh của cô vẫn tiếp tục đoạt giải Olympic môn cô dạy. Năm 2010, Nguyễn Thanh Tuấn, học sinh của cô đã đoạt huy chương bạc môn hóa.

Vào nghề năm 1985, trải qua nhiều năm tháng thiếu thốn với đồng lương thấp, thế nhưng chưa ai nghe cô một lần than thở, chỉ thấy cô tranh thủ làm thêm, hết chăn nuôi, trồng trọt đến làm bánh tráng…Tất cả để giữ cho kinh tế gia đình vững vàng và bản thân cô cũng an tâm trên bục giảng.

Hai nguoi me o truong

Cô Riểu ( trái) và cô Pho ( phải) - hai người mẹ hiền của nhiều thế hệ học sinh Trường THCS Đa Phước.

Cùng với cô Riểu, cô Bùi Thị Pho, giáo viên văn của Trường THCS Đa Phước cũng là người mẹ của nhiều học sinh. Năm nào cô Pho cũng có học sinh giỏi văn, từ cấp huyện đến cấp thành phố. Điểm đặc biệt ở cô là không chỉ dạy giỏi, cô còn quan tâm đến đời sống tinh thần lẫn vật chất của học sinh. Cô luôn đóng giúp học sinh nghèo những khoản học phí mà phụ huynh chưa lo kịp.

Tôi từng chứng kiến học trò bệnh, cô cho tiền ăn trước khi uống thuốc. Bởi cô biết chắc em học sinh đó nhịn đói đi học. Có lần tôi hỏi sao cô biết các em chưa ăn sáng, cô chỉ cười: “Nhà em ấy gần nhà tôi mà. Tôi biết ba mẹ em làm thuê, cuốc mướn, cơm bữa có bữa không. Thường làm mướn, trưa hoặc chiều người ta mới ứng tiền, gia đình em mới có tiền mua gạo. Mà nếu có, cơm sáng chỉ ăn mắm muối, đi bộ đến trường, mấy chén cơm cũng tiêu hết”.

Thế đấy! Không ngạc nhiên khi Kim Tuyến (12A8 năm 2010) tâm sự: “Cô Pho như người mẹ thứ hai của em. Lúc học cấp II, cô nhiều lần cho tiền em đóng học phí. Khi em lên cấp III, cô cũng thường quan tâm,động viên, hỗ trợ em”. Ba chết sớm, mẹ bị bệnh nặng và qua đời năm 2010, nếu không có cô Pho, có lẽ Kim Tuyến đã không có điều kiện tốt nghiệp phổ thông để đi làm sau đó…

Sau khi ly hôn, cô Pho một mình nuôi đứa con duy nhất. Tháng Chín vừa qua, cô vui mừng khi con trúng tuyển Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.Vào nghề năm 1987, sống đạm bạc, cô đã vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi dạy con. Cô cho biết: “Tôi vừa có sự mềm mỏng của người mẹ, vừa có sự nghiêm khắc của người cha khi dạy con. Không vì con thiếu cha mà tôi nuông chiều con quá mức”.

Một học sinh nói về cô Pho của mình: “Cô Pho thương học trò lắm, bạn nào không hiểu bài, cô kiên nhẫn giảng cho đến khi học trò hiểu hoặc cô dạy phụ đạo miễn phí. Tuy nhiên, trong nề nếp học tập, cô rất nghiêm. Bạn nào không thuộc bài, xem bài bạn… cô phạt thẳng tay”.

Hai cô giáo của Trường THCS Đa Phước đã tận tâm cho sự nghiệp giáo dục. Hình ảnh của họ in đậm trong tâm trí của nhiều thế hệ học trò.

NGUYỄN NGỌC HÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI