Nhiều trẻ miễn cưỡng nói chuyện với người lớn

04/05/2023 - 06:06

PNO - Phải làm gì để những vướng mắc trong đời sống trực tuyến của trẻ em và thanh thiếu niên có thể được tháo gỡ, mà không trở nên tồi tệ hơn?

Trong bài viết trên trang The Conversation, giáo sư Andy Phippen - chuyên gia trong lĩnh vực đạo đức công nghệ thông tin và quyền kỹ thuật số của Đại học Bournemouth ở Anh - chia sẻ về một dự án dài hạn ông đang thực hiện cùng các cộng sự, nhằm tìm hiểu tác động của công nghệ kỹ thuật số tới đời sống tinh thần của những người trẻ tuổi.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Phippen đã trò chuyện với khoảng 1.000 thanh niên. Theo ông: “Có một sự khác biệt giữa những điều người trẻ tuổi lo lắng khi nói về cuộc sống trực tuyến của họ so với những lo lắng của phụ huynh họ và những người lớn khác”.

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

 

Các thanh niên tham gia dự án nói lời răn đe của người lớn chủ yếu phản ánh tâm lý đám đông về những rủi ro trên mạng xã hội, trong khi điều họ cần là được chia sẻ về chính trải nghiệm trong đời sống trực tuyến của những người thân. Họ cũng chia sẻ những mối bận tâm khi tương tác với mạng internet, bao gồm việc bị bắt nạt và các hình thức xung đột trực tuyến khác. Những người trẻ tuổi cũng sợ bỏ lỡ các sự kiện tương tác nhóm trực tuyến cũng như các bài viết chia sẻ trải nghiệm của bạn bè trên mạng xã hội. Họ cũng lo bài đăng của mình không nhận được nhiều lượt thích như của người khác.

Ông Phippen cho biết, những lo ngại này hiếm khi được phản ánh trong các bài viết trên truyền thông đại chúng về tác hại của internet. Chủ đề chính vẫn là khía cạnh tội phạm của các hình thức lạm dụng trực tuyến, bao gồm dụ dỗ, nội dung khiêu dâm trực tuyến, các triệu chứng nghiện mạng xã hội.

Trước đó, nhóm của ông Phippen từng thực hiện một cuộc khảo sát kéo dài nhiều năm, với những người trẻ tuổi cung cấp thông tin về trải nghiệm đời sống trực tuyến của họ. Một trong các câu hỏi chính của cuộc khảo sát là: “Bạn đã bao giờ khó chịu vì một sự kiện xảy ra trên mạng internet chưa?”. Kết quả cho thấy, dù có sự khác biệt trong phản hồi giữa các nhóm tuổi, tỉ lệ thanh niên nói “có” thường ở quanh mức 30%. Nói cách khác, hơn 2/3 thanh niên được khảo sát chưa từng có trải nghiệm khó chịu nào trên mạng.

Nhóm 30% nói trên cho biết, những trải nghiệm trực tuyến không êm ả thường chủ yếu liên quan đến những bình luận lăng mạ, xúc phạm, công kích của đồng nghiệp, bạn bè hoặc người quen, cùng với những câu chuyện thời sự.

Giáo sư Phippen nhận định, sự thiếu kết nối giữa các thế hệ trong vấn đề internet có nghĩa là những người trẻ tuổi chỉ miễn cưỡng nói chuyện với người lớn về mối ưu tư của họ: “Chúng sợ bị mắng mỏ, rằng người lớn sẽ phản ứng thái quá hoặc nói chuyện với người lớn có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn”.

Theo ông Phippen, 3 điều mà người trẻ cần ở người lớn là sự lắng nghe, thấu hiểu và không phán xét. Giáo sư Phippen lưu ý, giao tiếp là yếu tố rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm giữa các thế hệ, nhưng trò chuyện không phải là đối đầu. Phụ huynh nên kiên nhẫn và không nên đẩy con cái vào thế phòng thủ, khi họ muốn cảnh báo các em về tác hại của mạng xã hội.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Vị chuyên gia cũng đề xuất sự hợp tác giữa phụ huynh với trường học hoặc gia sư. Giáo viên, gia sư cũng có thể quan sát được những dấu hiệu bất thường trong hành vi của người trẻ.

Ông Phippen kết luận, người trẻ cần được cảm thấy tự tin rằng họ có thể thoải mái yêu cầu và nhận được sự giúp đỡ, cảm thông. Điều này đặc biệt quan trọng để những vướng mắc trong đời sống trực tuyến của trẻ em và thanh thiếu niên có thể được tháo gỡ, mà không trở nên tồi tệ hơn. 

Trường An 
(theo
The Conversation)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI