Cha mẹ nên nói gì khi con gái thất tình?

02/05/2023 - 16:37

PNO - Lần đầu trải nghiệm nỗi đau chia tay tình yêu vừa là một thứ cảm xúc đau đớn vừa là sự chênh vênh. Cần lắm sự kề cận của người thân.

“Mợ, con chia tay bạn trai rồi, con thấy không ổn”, cháu tôi nhắn.

Một tin nhắn khác, mẹ của cháu cũng nhắn: “Mun mới chia tay Ti, đang khóc lóc nằm lỳ trong phòng. Nó không muốn nói chuyện nên chị cũng không biết khuyên nó thế nào, nhờ em sang khuyên bảo nó giúp chị nhé. Tối nay luôn được không em? Chị cảm ơn trước nhé, rầu quá”.

Chuyện xảy ra bất thình lình, nên tôi cũng không biết sẽ nói gì với cô cháu nhỏ, tôi gặng nhớ lại những cảm xúc của mình khi chia tay tình đầu.

Đó thực sự là thời điểm khó khăn với một cô gái đôi mươi vừa hình dung bao điều lãng mạn thi vị của tình yêu đã vụn vỡ tan nát tâm can, rã rời thân xác. Giờ trưởng thành tôi mới thấy hồi đó sao có thể mềm yếu và đau đớn đến vậy, nhưng thời điểm đó - lứa tuổi đó, hầu hết sẽ phải như vậy. Tôi nghĩ, việc nhớ lại những cảm xúc của nỗi đau tương tự khi xưa sẽ cho tôi những đồng cảm tốt nhất với cô cháu. Có lẽ như vậy sẽ khiến tôi tập trung hơn vào cảm xúc của cháu thay vì đi theo quan điểm của người lớn.

Tôi sẽ không hỏi “Sao vậy? Con và Ti đã xảy ra chuyện gì?”. Tôi định sẽ chỉ là người lắng nghe, không cố gắng khai thác cháu kể những gì đã xảy ra, trừ khi cháu muốn nói.

Tôi cũng sẽ không đưa ra ý kiến hay bất kỳ lời phán xét nào. Mẹ của cháu nói rằng chuyện chia tay của 2 đứa có khi lại là một chuyện tốt, để cháu thêm tập trung vào việc học hành. Nhưng tôi lại cho rằng đây không phải là lúc để cho cháu biết việc này. Vì có khi chuyện tình cảm kết thúc là niềm vui của ba mẹ, nhưng rõ ràng đó cũng là mất mát, là tổn thương của người trong cuộc.

Nỗi buồn hiện tại cũng như một quá trình cần phải trải qua và sẽ trôi qua chứ không tồn tại mãi mãi. Tôi đã khuyên cô cháu nhỏ vừa chia tay tình đầu như thế. Ảnh: Minh họa
"Nỗi buồn hiện tại cũng như một quá trình cần phải trải qua và sẽ trôi qua chứ không tồn tại mãi mãi". Tôi đã khuyên cô cháu nhỏ vừa chia tay tình đầu như thế. (Ảnh minh họa)

Còn nhớ hồi tôi chia tay, tôi không thích nghe những câu khuyên bảo kiểu như “chia tay là đúng rồi, anh chàng đó không xứng” hoặc “đời còn dài, giai còn đầy” hoặc “có cần vì một thằng không đáng mà phải khổ sở như vậy không?.

Hồi đó, vài người quen biết tin tôi chia tay liền kể lể đủ thứ tật xấu và những điều họ vốn chướng mắt về bạn trai tôi kiểu “đẹp trai khó chung tình” “bố mẹ cưng chiều quá, sau này khó có chí cầu tiến”...

Đừng kể lể xấu về người yêu cũ, vì điều này chẳng có tác dụng gì mà còn khiến tôi cảm thấy tồi tệ hơn vì mình đã “mù quáng” trước tất cả những điều tồi tệ này. Tôi không muốn cháu vốn đang đau khổ lại thêm cảm xúc tiêu cực như vậy.

Đúng như tôi hình dung, khi tôi gõ cửa phòng và nói: “Mợ đây, mợ vào với Mun nhé", tôi nghe giọng cháu yếu ớt đáp lại: “dạ”.

Bước vào bên trong, tôi thấy khăn giấy vứt đầy bàn học và cả trên giường. Tôi nhẹ nhàng đến đặt tay vào 2 vai cháu và nói: “Mợ biết con đang rất buồn. Khi buồn bã, con nên trút bỏ những cảm xúc ấy đó bằng cách nói chuyện với ai đó. Đừng giữ trong lòng, nhưng cũng không sao nếu con không muốn nói gì. Nếu con muốn chia sẻ thì mợ tới rồi đây”.

Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ hơn tôi tưởng, tôi tiếp tục nói với cháu rằng cháu vừa trải qua mất mát lớn, trái tim và tâm trí của cháu đang xử lý sự mất mát này. Sẽ mất rất nhiều năng lượng để xử lý, nên cháu cần nạp thêm năng lượng để vượt qua nó.

Thứ nhất là nạp thêm năng lượng tinh thần bằng những suy nghĩ tích cực. Thứ hai là nạp thêm năng lượng thể chất bằng cách ăn món ngon. Thế là tôi dẫn cháu ra ngoài, ghé tiệm trà sữa cháu thích. Tôi nghĩ con bé ra ngoài sẽ thoải mái hơn giam mình trong 4 bức tường đầy khăn giấy và nước mắt. 

Tôi dặn dò cháu đừng vội cập nhật tình trạng mối quan hệ hay chia sẻ chi tiết chuyện tình cảm trên mạng xã hội, để tránh bị tọc mạch, gièm pha và tránh có những phát ngôn trong lúc khó kiềm chế cảm xúc, dễ hối hận sau này.

Tôi nói với cháu rằng trải nghiệm về nỗi buồn cũng là cách để cháu có thêm kinh nghiệm trong cuộc sống. Nỗi buồn hiện tại cũng như một quá trình cần phải trải qua và sẽ trôi qua chứ không tồn tại mãi mãi. Nhưng cảm giác mất mát sẽ không phục hồi sau một đêm. Không thể chỉ một cuộc nói chuyện là đã có thể trút bỏ hết. Cần có thời gian để chữa lành.

Vì vậy nên tôi và cô cháu đã lên một danh sách kế hoạch những điều sẽ làm vào những ngày sắp tới bao gồm việc đăng ký tham gia lớp nhảy K-pop Dance; tham gia lễ hội Cosplay sẽ vào tháng tới, hoàn tất việc dịch thuật đang dang dở… Còn ngay ngày mai, tôi và cháu sẽ có một buổi đi ăn ở trung tâm mua sắm và sau đó sẽ xem một bộ phim. 

Tôi cũng có một cô con gái, trải nghiệm lần đầu là “mentor” chữa lành cho người vừa chia tay sẽ là trải nghiệm tôi cần ghi nhớ. Không cha mẹ nào muốn con rơi vào đau khổ, điều quan trọng là cùng con xử lý nỗi đau đó như thế nào. 

Mợ Mú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI