Dạy con biết bảo vệ mình trên mạng xã hội

23/05/2022 - 09:55

PNO - Mạng xã hội (MXH) đã là một phần tất yếu trong cuộc sống của các em. Chính vì vậy, thay vì ngăn cấm, cha mẹ cần chấp nhận và đồng hành cùng con.

Cần giáo dục trẻ từ sớm về hàng loạt vấn đề có thể gặp phải khi sử dụng MXH như: nội dung độc hại, bắt nạt trên mạng, xâm hại tình dục hay áp lực đồng trang lứa khi con nhìn thấy những hình ảnh quá hoàn hảo từ mọi người xung quanh…

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Để tự bảo vệ mình, trẻ cần được cha mẹ định hướng nắm rõ những nguyên tắc sau:

Không tiết lộ thông tin cá nhân

Khi hiển thị công khai thông tin trên MXH, thông tin đó có thể bị sao chép, tải về hoặc phát tán bởi bất kỳ người xem nào và gây ra những rủi ro như bị quấy rối, bắt nạt… Kẻ xấu cũng có thể lợi dụng vị trí, hình ảnh và thông tin liên lạc của các em để thực hiện các hành vi bắt cóc, lạm dụng... Cha mẹ cần trò chuyện với con về nguy cơ này, đồng thời hướng dẫn trẻ cách bảo mật thông tin trên MXH.

Nói không với hành vi đe dọa, bắt nạt trên MXH

Có nhiều trường hợp sử dụng MXH gây nên những hiện tượng như bắt nạt, miệt thị, chống đối… Trẻ có thể trở thành nạn nhân, nhưng cũng có thể trở thành thủ phạm khi bị bạn bè lôi kéo. Dù là nạn nhân hay thủ phạm đều ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Thậm chí ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của trẻ trong tương lai. Do đó, cha mẹ cần giáo dục con tránh tham gia các hành vi đe dọa, bắt nạt trên mạng. Trong trường hợp nếu con là nạn nhân, hướng dẫn con cách chặn, hủy kết bạn với các đối tượng bắt nạt và thông báo ngay sự việc với cha mẹ, thầy cô hoặc những người lớn mà các em tin tưởng. 

Không gặp gỡ người lạ

Cảm giác cô đơn, mất kết nối với cha mẹ, bạn bè dễ khiến trẻ tìm kiếm những người bạn trên MXH. Các đối tượng xấu thường nắm bắt được tâm lý này nên dễ dàng dụ dỗ khiến trẻ đặt niềm tin vào chúng mà bỏ qua những lời cảnh báo của người lớn. Do đó, cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện với con, đặc biệt khi nhận thấy con có biểu hiện cảm xúc thất thường hay buồn bã, không tương tác với mọi người. Khuyên bảo con không gặp gỡ người lạ quen trên MXH, trong trường hợp con muốn gặp phải có người lớn hoặc bạn bè đi cùng, đồng thời không gặp ở những nơi vắng vẻ, nhà riêng, hoặc đưa về nhà khi cha mẹ đi vắng.

Không truy cập các trang web không phù hợp

Độ tuổi này, các em rất tò mò về giới tính, thay vì né tránh vấn đề này cha mẹ nên thẳng thắn trao đổi với con và định hướng cho con tìm hiểu từ những nguồn thông tin chính thống, phù hợp, tránh trường hợp trẻ tò mò hoặc nghe theo bạn bè dụ dỗ truy cập vào những trang web không phù hợp. 

Ảnh mang tính minh họa - Our-Team
Ảnh mang tính minh họa - Our-Team

 

Giúp con nhận biết những thông tin, hình ảnh không được chia sẻ trên MXH

Dạy con không chia sẻ những truyện khiêu dâm, hình ảnh khỏa thân… hoặc bất cứ điều gì được coi là không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục. Đồng thời, cha mẹ đề nghị con hủy kết bạn với những người gắn thẻ con vào những hình ảnh không phù hợp, xóa thẻ.

Cha mẹ nên trang bị cho con kiến thức cần thiết về nhận biết các hành vi vi phạm pháp luật như: mua bán, đăng tải, chia sẻ các clip có nội dung khiêu dâm…; có những lời lẽ tục tĩu, khinh miệt, coi thường, nhục mạ, vu khống xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác…

Đặt giới hạn thời gian sử dụng MXH

Sử dụng internet hay MXH thường xuyên ảnh hưởng đến khả năng tập trung và chú ý của trẻ, vì vậy, cha mẹ nên đặt giới hạn thời gian sử dụng cho con trung bình chỉ từ 30 phút - 60 phút mỗi ngày, tùy theo độ tuổi. Đồng thời, bảo đảm chất lượng giấc ngủ của con đủ 8 giờ 
mỗi đêm. 

Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Linh Giang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI