Nguyên tắc sống hạnh phúc của cặp đôi 'kì phùng địch thủ'

14/10/2016 - 11:30

PNO - Họ là trai tài - gái sắc, “ đụng độ” nhau khá thú vị: Lần đầu tiên gặp gỡ đã thấy hết những mâu thuẫn, những trái ngược, những nét cá tính của cả hai bên.

Cứ thế, họ đi song song đến bảy-tám năm như một cặp “kỳ phùng địch thủ”. Cuối cùng, đến một lúc, họ hiểu ra rằng, thực chất tính cách hai người bổ sung cho nhau, làm thú vị cuộc sống của nhau và… không thể sống thiếu nhau.

Kỳ phùng địch thủ

Gọi vợ chồng nhà thiết kế Nguyễn Thị Thu Sương (thương hiệu Chuồn Chuồn Ớt) và kỹ sư công nghệ thông tin Đinh Duy Linh là đôi trai tài - gái sắc có lẽ vẫn còn thiếu thiếu một chút gì đó. Thật ra Thu Sương không chỉ đẹp mà còn là một cô gái tài năng.

Thời là sinh viên ở Trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ, Thu Sương từng đoạt giải thưởng Eureka dành cho các sinh viên nghiên cứu khoa học; được phân công làm Phó chủ nhiệm CLB Eureka của Thành Đoàn. Cô và Đinh Duy Linh (là Chủ nhiệm của CLB) nhiều lần trao đổi công việc với nhau bằng email, nhưng chưa từng gặp mặt.

Một ngày đẹp trời, Thu Sương lên Thành Đoàn làm việc. Đang lơ ngơ ở cửa, cô gặp Duy Linh. Chẳng hỏi han gì, anh chỉ tay hướng dẫn cô sang chỗ các bạn đang tập văn nghệ. Thu Sương đính chính, cô tìm CLB Eureka chứ không đi tập văn nghệ, Linh lại hỏi một câu “sốc hàng”: “Em là thư ký của CLB à? Từ hồi nào anh không biết?”.

Sự nhầm lẫn buồn cười của Linh có lẽ do “cái mặt với sự học hình như chẳng liên quan gì với nhau” của Thu Sương. Thu Sương từng được giải Sinh viên thanh lịch của trường. Nhiều bạn bè đã trêu chọc cô là phí hoài nhan sắc vì cả thời con gái trẻ trung Sương chỉ học và học. Học xong thì mê công việc, mê… kiếm tiền chứ chẳng thèm vui chơi, thậm chí yêu đương gì.

Vậy mà vì cái nhan sắc ấy, sau khi biết Sương là Phó chủ nhiệm CLB của mình, Duy Linh còn hỏi thêm một câu “nặng ký”: “Ai làm đề tài cho em? Nhóm em có bao nhiêu người?”. Khi biết cô chỉ làm một mình và nghe tên thầy giáo hướng dẫn của Thu Sương, anh phán ngay “Hèn gì”. “Định kiến” về gái đẹp - học giỏi của Linh thẳng tuồn tuột như thế khiến họ bắt đầu làm việc chung mà “bằng mặt, chẳng bằng lòng”.

Nguyen tac song hanh phuc cua cap doi 'ki phung dich thu'
Đôi trai tài, gái sắc và gia đình nhỏ hạnh phúc.

Duyên số đưa đẩy thế nào, họ lại phát hiện ra hai ông bố của mình từng quen nhau. Vậy là Linh thành khách thường xuyên, thậm chí đến nhà Thu Sương mỗi ngày. Cô vẫn chẳng quan tâm, chỉ coi anh là khách chung của gia đình. Anh cứ đến rồi đi, loay hoay sửa đèn đóm điện nước, có khi đói bụng tự nấu tô mì mà ăn. Còn cô thì vô tư với những sinh hoạt riêng.

Năm Thu Sương đã thành gái 30 mà vẫn vô tư làm việc, Duy Linh nói với cô: “Em lấy chồng đi”. Sương hỏi lại: “Lấy làm chi?”. Quả thực lúc ấy, Thu Sương cũng chưa thấy mình cần phải lấy chồng. Thế nên khi Duy Linh nói: “Em gần 30 rồi, phải lấy chồng mà đẻ con chứ” thì cô cười giòn tan: “Muốn đẻ con thì đẻ, cần gì lấy chồng. Chỉ cần úp sọt một anh nào đó là xong”.

Nghe cách nói “ngang ngược” của cô, anh cũng chẳng vừa: “Em ngon thì úp đi, xem có úp được thằng nào không?”. Họ cứ “vờ vĩnh” cạnh nhau như thế đến mấy năm trời, cho đến khi cha mẹ Duy Linh xuất ngoại, “mang” con trai đến gửi nhà bạn cũ nhờ chăm sóc giùm thì đường về với nhau của đôi vợ chồng mới được định ra rõ ràng.

Bình an và thoải mái từ những nguyên tắc sống

Đến tận bây giờ, nhắc kỷ niệm thời mới quen nhau, Thu Sương vẫn cười giòn: “Chúng tôi là hai đối tượng chẳng liên quan gì đến nhau”. Rồi cô liệt kê hàng loạt điều khác nhau giữa hai người: Duy Linh là dân IT, cái gì cũng rõ ràng, cứng nhắc; Thu Sương là dân làm quảng cáo, thời trang lúc nào cũng lơ mơ, ăn ngủ trái ngược giờ thiên hạ. Duy Linh thích ăn thịt; Thu Sương thích ăn cá, rau. Duy Linh ăn mặc đơn giản, áo trắng, xanh; Thu Sương thì xanh đỏ tím vàng...

Thế nên, khi được hỏi làm sao có thể ở bên nhau được từng ấy năm, sinh hai đứa con ngoan ngoãn và trở thành một gia đình khiến nhiều bạn bè ngưỡng mộ; Thu Sương giải thích, có hai điều quan trọng nhất mà cô thấy nhiều người không nhận ra, thứ nhất là hãy thẳng thắn nói với nhau tất cả mọi điều và thứ hai là đừng chấp nhặt nhau.

Sống với nhau lâu dài, bên nhau mỗi ngày, có rất nhiều việc phải làm chung mà cứ phải đoán ý nhau thì mệt mỏi lắm. Cho nên, giải pháp tốt nhất là hãy nói ra tất cả những gì mình mong muốn, cư xử với nhau bằng lòng chân thành và thái độ vui vẻ.

Ngày đầu về quê làm dâu, nhớ lời mẹ dặn, cô gái trẻ quen làm đêm ngủ ngày đã cố gắng thức dậy từ 5 giờ để pha trà cho cha chồng. Mẹ chồng cô ngạc nhiên, Duy Linh cũng ngạc nhiên khi thấy vợ lò mò xuống bếp. Khi bị hỏi, cô thành thật nói, mẹ dặn như thế.

Khi mẹ chồng đùa bảo đi ngủ đi, “làm dâu tôi thì nghe tôi chứ” thì cô hồn nhiên: “Vậy con đi ngủ thật nha mẹ”. Cô cũng rất thành thật “thỏa thuận” với mẹ chồng: “Con hay thức khuya, nếu mẹ cần con dậy sớm thì con sẽ dậy, nhưng nếu được ngủ thì con sẽ cám ơn vô cùng”. Chính cái “công thức” nói ra mọi việc bằng sự chân thành của Thu Sương và Duy Linh giúp hai người luôn cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng khi ở bên nhau.

Điều thứ hai Thu Sương và Duy Linh lấy làm kim chỉ nam cho đời sống vợ chồng và cả gia đình lớn nhỏ của mình là: đừng chấp nhau. “Thật lạ là con người ta có khi rất dễ dàng bỏ qua cho người ngoài những chuyện lớn, nhưng lại chấp nhau từng chuyện nhỏ trong nhà. Yêu nhau, chọn nhau làm vợ chồng rồi, khi về sống lại muốn thay đổi nhau là sao?”. Chính nguyên tắc sống này đã giúp họ bỏ qua rất nhiều khác biệt, trái ngược của nhau trong cách sống, cách sinh hoạt, thậm chí cách nghĩ.

Tình yêu đến từ những điều rất nhỏ

16 năm bên nhau với tám năm vợ chồng, khi nhìn lại, cô gái bướng bỉnh cá tính Thu Sương cười dịu dàng khi nói về chồng: “Mình đã tin vào tình yêu nhưng không phải như người ta. Người ta hay nghĩ tình yêu là cái gì vĩ đại lắm; hạnh phúc cũng vậy, là cái gì to tát lắm. Mình thì nghĩ tình yêu đến từ những điều bình dị và rất nhỏ bé. Nó là những thói quen, sự thân thuộc, sự tin tưởng vào nhau của hai người”. Chính quan niệm nhẹ nhàng và đơn giản ấy đã làm cho đời sống của gia đình nhỏ trở nên đáng yêu.

Cho đến bây giờ, vợ chồng vẫn như hai người bạn, tôn trọng sở thích của nhau và mỗi người được tự do với cách sống của mình. Rồi cũng rất tự nhiên, họ tự thay đổi dần để hòa hợp. Duy Linh biết đi chợ, lau nhà, rửa chén lúc nào không biết, làm còn gọn gàng, sạch sẽ hơn vợ. Còn Thu Sương, giờ gia đình, chồng con là trên hết. Xếp công việc và những đam mê khác xuống hàng thứ hai, cô coi nấu ăn, chơi với con, dạy con học, trò chuyện với chồng là những việc quan trọng nhất trong cuộc sống của mình.

Cô theo bà nội của Duy Linh học gói bánh tét, hiểu ra rằng chế biến món ăn cũng là một nghệ thuật và bên cạnh cửa hàng thời trang Chuồn Chuồn Ớt, đến mùa tết, cô còn làm mắm, làm lạp xưởng, gói bánh bán cho khách hàng và bạn bè. Bạn gái thân của Sương thường đùa: “Công lớn nhất của Duy Linh là biến Thu Sương từ một cô gái mơ mộng muốn thay đổi cả thế giới thành người phụ nữ của gia đình.”

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI