Ngồi xuống cùng con

27/03/2016 - 07:51

PNO - Tôi đã khóc hết nước mắt. Thương con. Trách mình vì quá tin vào con mà thiếu sự theo dõi, quan tâm.

Con trai tôi 18 tuổi, cháu ngoan, siêng năng, chăm học và tự giác làm mọi việc. So với các bạn cùng trang lứa, cháu trưởng thành và chín chắn hơn. Tôi rất yên tâm về con mình.

Vừa qua, cháu tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh chuẩn bị cho kỳ thi Quốc gia. Cả nhà vui mừng lẫn kỳ vọng vào cháu. Trước hôm thi một ngày, cháu đột nhiên bỏ đi đâu mất. Gia đình lo lắng gọi điện tìm kiếm khắp nơi. Đến khuya, cháu cũng chưa về.

Chồng tôi lật tung phòng riêng của cháu lên thì phát hiện cháu gửi lại một bức thư. Thư viết gửi cho ba mẹ. Cháu xin lỗi ba mẹ về việc có thể cháu sẽ không có giải trong kỳ thi này, xin lỗi vì những xao nhãng trong thời gian qua. Cháu kể về mối quan hệ giữa cháu và cô bạn gái đã kết thúc hơn hai tháng qua. Cháu buồn không thể nào tập trung học được. Cháu cần tìm một chỗ yên tĩnh, hôm sau về cháu sẽ khác.

Tôi đã khóc hết nước mắt. Thương con. Trách mình vì quá tin vào con mà thiếu sự theo dõi, quan tâm. Sáng hôm ấy cháu về sớm, bình thản xách cặp đi thi và đương nhiên thi hỏng. Tôi và chồng rất muốn ngồi xuống cùng con, nói chuyện với con thật nhiều. Nhưng quả thật tôi cũng không biết mình sẽ nói gì và bắt đầu câu chuyện từ đâu.

Thanh Loan (Thủ Dầu Một, Bình Dương)

Ngoi xuong cung con
Ảnh mang tính minh họa

Chị Thanh Loan thân mến,

Trước hết tôi chúc mừng anh chị đã có một người con trưởng thành và chín chắn, chăm học, chăm làm và hơn nữa, rất có bản lĩnh. Cháu buồn chuyện tình cảm rất nhiều, nhưng sau một ngày tạm lánh xa gia đình, yên tĩnh một mình, cháu đã có thể tạm lắng tâm trạng không vui, bình thản đi thi.

Việc này đã chứng tỏ sự trưởng thành về tâm lý của cháu, cháu sẽ là người vững vàng trước sóng gió cuộc đời. Cháu đang có hai nỗi buồn, chuyện tình cảm và chuyện học. Với một cậu con trai tuổi 18, có ý thức thì hai chuyện này đối với cháu đều là những tổn thương không nhỏ. Cháu rất cần sự đồng cảm và đồng hành của cha mẹ để vượt qua, bước tới.

Anh chị có thể bắt đầu từ ưu điểm của cháu để khen ngợi, nói với cháu rằng bố mẹ mừng như thế nào khi con trở về, khi con vẫn có thể đi thi một cách bình thản. Bố mẹ rất ấm lòng vì con đã trưởng thành. Những chia sẻ này sẽ giúp cháu hiểu anh chị đồng cảm với cháu và tin tưởng cháu. Cảm xúc tích cực từ cha mẹ rất quan trọng, sẽ tác động để cháu thêm tự tin vượt qua sự thất bại tạm thời trong chuyện học và yêu.

Anh chị có thể khơi gợi để cháu tâm sự ngày hôm đó cháu đã đi đâu, làm gì, sao cháu có thể bình thản trở về như vậy? Cháu sẽ có cơ hội giãi bày tâm trạng với cha mẹ. Thái độ lắng nghe của cha mẹ rất quan trọng để cháu cởi mở, nói ra nỗi lòng mình. Nếu cháu chưa nói ngay, anh chị cần kiên nhẫn chờ đợi. Chỉ cần cha mẹ thể hiện sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ, ở bên con khi con cần, đến lúc cần thiết cháu sẽ nói.

Đây là chuyện tình cảm, cảm xúc không dễ nói ra. Nếu có thể, anh chị hãy xem ai là người hàng ngày cháu gần gũi hơn, tin tưởng hơn… thì để người đó mở lời với cháu. Cha hay mẹ đều quan trọng như nhau trong chuyện tâm tình cùng con. Mẹ sẽ gần gũi con hơn, nhưng có thể cha lại dễ đồng cảm hơn. Tùy thuộc vào cách ứng xử hàng ngày mà anh chị xác định lúc này cháu cần ai mở lời.

Không gian và thời gian trò chuyện cùng con cũng rất quan trọng, anh hay chị có thể rủ cháu đi ra ngoài, vừa đi vừa tâm tình nhẹ nhàng. Chọn một hoạt động cháu ưa thích hoặc thường làm cùng gia đình: uống cà phê, ăn sáng, mua sắm hay chơi thể thao…

Đôi khi đi thẳng vào chủ đề lại khó hơn là đi vòng từ câu chuyện quá khứ, câu chuyện tuổi thơ, chuyện yêu đương của cha mẹ. Có thể kể cho cháu nghe về những cú sốc hay những thất bại đầu đời của mình và cách anh chị vượt qua. Khi cha mẹ cởi mở thì con cái mới thấy được sự đồng cảm và từ đó cháu sẽ muốn nói ra những suy tư trong lòng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI