Mùa dịch, ở nhà cho lành, về nhà cho lành

22/05/2021 - 10:09

PNO - Dịch bệnh làm người ta sợ hãi nên cũng trân quý cuộc sống mình hơn. Người ta chọn về nhà, nơi chốn an toàn và yên bình. Không cần ai nhắc nhở, kêu gào, các cuộc vui bên ngoài gác lại.

Vào hè, bao gia đình hồ hởi với kế hoạch du lịch, đi chơi… nhưng những dự định đang trở nên xa vời bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để các thành viên gia đình gần gũi, hiểu nhau hơn. 

Những hẹn hò từ nay khép lại 

Ngay sau khi học sinh dừng đến trường, chị Phương Hạnh ở chung cư Trương Đình Hội (P.16, Q.8, TP.HCM) nhận tin nhắn từ cô bạn thân ở Q.2, TP.HCM: “Tụi nhỏ thi xong rồi. Bạn đưa hai đứa nhỏ qua mình tụ tập đi”.

Bình thường, mỗi tháng là nhóm chị Hạnh, gồm sáu người bạn cũ, chưa kể lũ trẻ, sẽ tụ tập nấu nướng, ca hát và nhuộm tóc cho nhau. Nhưng lần này, dịch bệnh nên cô bạn chỉ nhắn riêng cho chị Hạnh. Mặc dù cuối tuần rảnh rỗi và con đang đòi đi chơi, nhưng chị đành từ chối: “Thèm đi lắm, nhưng đang dịch bệnh căng quá, ở nhà cho lành”. 

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Từ khi dịch bùng phát trở lại, đặc biệt, những đoạn phim, hình ảnh đầy ám ảnh về dịch bệnh ở các nước đã tác động mạnh mẽ, làm thay đổi nếp sống, sinh hoạt, thói quen của nhiều người.

Trước đây, sau giờ làm việc, nhiều ông chồng rủ nhau đi nhậu, khề khà đến khuya, say bí tỉ mới chịu về. Các bà vợ khuyên nhủ, nài nỉ thế nào cũng “bó tay” trước ông chồng ham vui, ham nhậu. Nhưng dịch covid-19 đã làm thay đổi điều này. 

Chị Ngô Ngọc Th. ở đường Gia Phú (P.1, Q.6, TP.HCM) khoe: “Tôi cưới hai năm, bốn tháng, chồng tôi chưa bao giờ về nhà trước 9 giờ tối. Vậy mà nửa tháng nay, đúng 6 giờ chiều là ảnh đã về. Mặc dù không phụ được tôi nhiều, nhưng ảnh về nhà sớm chơi với con và đỡ đi lung tung dễ lây nhiễm bệnh là mừng rồi”. 

Chị Trương Thị Mỹ T., công tác tại một ngân hàng ở Q.3, khoe: “Chồng tôi là nhân viên hành chính của một bệnh viện. Trước đây, chiều nào ảnh cũng bốn ngày nhậu, ba ngày đi đá banh. Giờ bỏ được bốn ngày nhậu rồi, ảnh về nhà sớm, vợ chồng tôi dẫn cô con gái đi bộ vòng vòng gần nhà chơi. Nhiều người quen trong khu nói: “Tới giờ mới biết mặt ba bé Mi”. Dịch bệnh buồn rầu thiệt, nhưng nhìn phía tích cực thì cũng có chút niềm vui”. 

Nhờ dịch, hàng xóm mới biết mặt nhau

Dịch bệnh làm người ta sợ hãi nên cũng trân quý cuộc sống mình hơn. Người ta chọn về nhà, nơi chốn an toàn và yên bình. Không cần ai nhắc nhở, kêu gào, các cuộc vui bên ngoài gác lại. 

Những ngày này, chiều nào khu dân cư Lê Thành, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM cũng đông hơn lúc trước. Trong đường nội bộ rộng lớn của chung cư có hơn mười tốp người, chia ra thành những cụm nhỏ.

Anh Th. hướng dẫn cho hai con trai cùng ba bé gái hàng xóm trượt patin. Anh tỉ mẩn xếp từng cái ly nhựa làm chướng ngại vật cho bọn trẻ làm đường đua.

Cậu bé năm tuổi lao vun vút, khéo léo điều khiển đôi chân để không chạm vào chướng ngại vật trong tiếng gật gù của anh Th.: “Tốt, tốt rồi con”. Rồi anh Th. quay sang bé hàng xóm: “Su tiến bộ rồi đó con, đi đúng kỹ thuật mà không đụng cái ly nào luôn”. 

Mẹ của các bé đứng bên ngoài chăm chút theo dõi con và cùng nhặt những chiếc ly đổ, đặt lại. Kể từ đợt giãn cách xã hội năm ngoái, cư dân chung cư mới biết đến anh Th. vì anh về nhà sớm và dẫn hai cậu con trai đang nghỉ học, cuồng chân ở nhà kéo xuống sân tập patin. Anh cũng sẵn sàng hướng dẫn cho các bé trong chung cư có cùng đam mê. 

Chiều nào, vợ chồng chị M. cũng đi bộ, bên cạnh họ là cậu con trai năm tuổi và cô con gái ba tuổi đạp xe theo sau. Chồng chị M. cũng là một ông bố của đám trẻ hay chơi chung mà từ khi dịch các bà mẹ mới biết. Trước kia, anh luôn làm về muộn và ở lỳ trong nhà, chỉ người mẹ dẫn con đi dạo. 

Chị M. chia sẻ: “Nhìn qua Ấn Độ, thấy sự sống quá vô thường, xứ mình còn bình an nên tranh thủ tận hưởng sự bình an này”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vợ chồng chị Ngọc A. và con gái bảy tuổi cùng chơi cầu lông. Lâu lâu cô con gái với theo trái cầu bị hụt, ngã xuống cỏ, ba mẹ bé đứng đếm chờ bé ngồi dậy như trong các cuộc đấu boxing. Bao giờ cũng vậy, vợ chồng chị A. đếm đến tiếng thứ chín, cô con gái mới đứng lên trong tiếng cười giòn tan của cả nhà. 

Để có những chiều cả nhà bên nhau, chị A. thu xếp việc cơ quan để về sớm hơn bình thường một tiếng, chồng chị cũng không còn nhậu chiều với bạn bè. 

Hơn một năm qua, từ khi xuất hiện, COVID-19 gieo tang tóc, sợ hãi cho nhân loại, nhưng ngược lại, vi-rút này cũng dạy cho con người nhiều bài học, về giá trị của sự sống, giá trị của bình an, giá trị của gia đình, tình thân… Những ngày này, câu cửa miệng quen thuộc của nhiều người là: “Ở nhà cho lành, về nhà cho lành”. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI