"Em sẽ dìu anh bước đến những trạm kế tiếp của chuyến xe cuộc đời!"

01/07/2016 - 07:01

PNO - Nghị lực người vợ lính đã giúp chị bỏ qua mặc cảm, buồn thương, xốc chị đứng vững trên mọi khó khăn, thiếu thốn.

Một người chiến sĩ được tín nhiệm cầm quân đi tiễu phỉ cùng với những năm tháng chiến đấu không mỏi mệt, một cơ thể mất đi đôi chân đang lành lặn, một người phụ nữ tần tảo chịu thương chịu khó, một trái tim chung thủy, bao dung và nhân hậu, tất cả đã hội tụ để sau những ngày gian khó là hạnh phúc, dẫu nhọc nhằn nhưng rất đỗi ngọt ngào.

Nhập ngũ tháng 7 năm 1966, với tính tình điềm đạm, chất phác, dáng vẻ thư sinh và không ngừng học hỏi, chàng thanh niên Lê Văn Lơ được đề bạt chức tiểu đội trưởng, tiểu đoàn 1, trung đoàn 48, sư đoàn 320. Và những năm về sau, người lính trẻ luôn được tín nhiệm, nhận những chức vụ cao hơn, làm nhiều nhiệm vụ quan trong giữa làn mưa bom bão đạn của cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại.

Tình yêu người lính

Năm 1970, ông cùng anh em sĩ quan trong đại đội trinh sát về làng la, xã Hưng Đạo, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) làm nhiệm vụ tuyển quân, tổ chức huấn luyện đi B,  Được bạn bè, anh em trong đội vun vén, anh Lơ gặp cô Nguyễn Thị Thanh Ngoan , và họ nhanh chóng nói chuyện với nhau.

Như trúng tiếng sét, cả hai người đều thẹn thùng mỗi khi gặp nhau. Anh Lơ còn lóng ngóng, mãi chẳng thể mở lời, cứ cô..cô, tôi...tôi, nhiều lần làm cô Ngoan phát bực mình, đội nón bỏ đi thẳng. Sau đó, anh cũng đã biết được mình khó mở lời quá, cứ lúng búng như ngậm hột thị, "kịch bản" đã được dựng sẵn trước những buổi hẹn hò, vậy mà khi gặp nhau, lời lẽ chẳng thốt ra được.

Bao đêm trằn trọc vừa làm việc vừa nghĩ ra kịch bản để đối thoại với Ngoan, nhiều lúc không hiểu sao khi triển khai huấn luyện hay đánh giá tình hình chiến trận, anh khúc chiết, hùng hồn; thế mà đứng trước mặt người con gái làng La ấy, anh lại như học trò không thuộc bài!

Bực bội vì bản thân hiền lành nhút nhát, anh em bạn bè bao nhiêu lần tạo cơ hội cho hai người gặp nhau, mà mình toàn bỏ lỡ. Nghĩ đi nghĩ lại, viết lách thì mình có chịu ai bao giờ. Chỉ có cánh thư mới thổ lộ, bộc bạch được hết tâm trạng người lính.

Thư đi thư lại, không gặp mặt thường xuyên nhưng hai người vẫn gửi được cho nhau những lời yêu thương nồng nàn. Bên cạnh tình yêu lứa đôi còn là niềm mơ ước về ngày mai đất nước quê hương được hòa bình, yên ả.

Họ yêu nhau và tiến tới hôn nhân. Đám cưới thời chiến chỉ có chè, thuốc, bánh kẹo nhưng ấm cúng vô ngần. Bên cạnh hai chữ L-N, một đôi chim bồ câu được cắt từ giấy bìa trắng còn có một dải băng rôn với dòng chữ "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ". Những lời chúc hạnh phúc, những tiếng hát, tiếng cười, tiếng vỗ tay đã làm sôi động cả một vùng quê hẻo lánh. 

Giông bão đã đến

Cuối năm 1973, anh Lê Văn Lơ cùng đơn vị phải hành quân vào miền Đông Quảng Trị. Vậy là xa người vợ yêu quý, nhiều khi anh thấy mình còn chưa làm tròn được bổn phận của một người chồng, thấy thương Ngoan vướng vào đời vợ lính. Những đêm dài, nằm giữa chiến trường đầy mùi thuốc súng, anh hết nhớ quê mình lại nhớ đến làng La quê vợ. Không biết giờ này vợ mình đang làm gì. Ôi chiến tranh! Đã làm bốc lên bao nhiêu khói lửa, đã đập nát bao cảnh yên vui, đã làm đổ máu và nước mắt của biết bao con người vô tội!

Về phần chị Ngoan, chị yêu anh lắm, nhưng anh còn phải lo việc lớn, lo canh giữ đất nước, giang sơn. Những đêm đông giá rét, nằm một mình giữa căn phòng bốn bề hiu quạnh, nước mắt rơi đẫm gối. Thấy thèm khát có một gia đình đoàn tụ, vợ chồng con cái quây quần, nhưng nghĩ đến đôi vai gầy của chồng đang hàng ngày, hàng giờ đối diện với cái chết ngoài mặt trận, chị lại càng mạnh mẽ hơn.

Tháng 12 năm 1976, suốt dải biên giới Việt - Lào, bọn thổ phỉ Vàng Pao đang hoành hành, cướp bóc, chém giết người dân vô tội của hai nước. Lê Văn Lơ được giao chức quyền tiểu đoàn trưởng tập hợp quân, huấn luyện chiến thuật tiễu phỉ. Nhưng sau đó, khi chuyển quân đến vùng La Lung Phèng, anh và đồng đội vấp phải bãi mìn do phỉ để lại. Lê Văn Lơ đã bị thương cả hai chân. Ở trạm xá không đủ điều kiện để điều trị, anh đã được chuyển lên Bệnh viện quân đội 108 tại Hà Nội. Theo đó, phải cắt chân mới ổn định được cho các bộ phận khác. Vậy là, đôi chân người chiến sĩ trung kiên, gan dạ đã mất đi hoàn toàn.

Biết mình mất đi một phần cơ thể, người chiến sĩ vô cùng buồn bã và đau khổ. Khi về nhà, người vợ đang mong ngóng chồng sẽ ra sao khi thấy thân hình anh không còn nguyên vẹn nữa?

Anh nhớ nhà vô cùng, nhớ người vợ hiền tảo tần sớm hôm, chồng vắng nhà một mình chị lo toan, cắt đặt mọi thứ. Anh về liệu có làm đảo lộn cuộc sống của chị, có đỡ đần được gì cho chị không, hay lại làm nặng gánh cho mọi người? Nhưng dù gì anh vẫn tin tình yêu của vợ mình, anh có thế nào chị vẫn đồng cảm, và yêu thương. Không còn đôi chân nhưng anh vẫn còn đôi mắt, còn đôi tay, anh tự nhủ sẽ sống và làm việc hết mình, để bù lại những năm tháng vất vả, cô đơn của vợ.

Đắn đo mãi, anh Lơ mới quyết định báo tin cho chị Ngoan, sau khi anh đã tự di chuyển được bằng xe lăn.

Ông Lê Văn Lơ thời trẻ
Bà Nguyễn Thị Thanh Ngoan thời trẻ

Thu xếp việc nhà, chị Ngoan vội vã lên Hà Nội. Hỏi thăm mãi, có người hỏi lại: "Có phải chồng chị là anh Lơ cụt hai chân không?". Chỉ nghe tới đó thôi, chị đã xây xẩm mặt mày, trời đất xung quanh chị như sụp đổ hoàn toàn dưới chân. Là sao? Chồng chị đã mất hai chân rồi sao?

Chị thấy anh, vội ôm chầm lấy chồng rồi khóc òa lên như một đứa trẻ. Trời ơi, số phận người phụ nữ sao cay đắng thế này? Bao nhiêu năm tháng xa chồng, vất vả cực nhọc, mong chờ ngày gặp chồng, ngày gia đình đoàn viên. Chồng em đây, cha của các con em đây, mà sao anh chỉ còn nửa trên thân mình!

Mong chờ biết bao cảnh anh chạy tới ôm chị, là bờ vai ấm áp chị cần, lau đi những giọt nước mắt, những giọt mồ hôi vất vả, bù lại những năm tháng cực nhọc của mẹ con chị. Nhưng không, chị không nghĩ như vậy, chị không thể nghĩ như vậy. Người anh cần nhất bây giờ là chị. Nếu chị không mạnh mẽ, chị không đứng dậy mà cứ khóc hoài như vậy, anh sẽ càng thêm yếu lòng.

Chị mở rộng cánh tay, ôm anh vào lòng, hai vợ chồng cùng hiểu nỗi khổ của nhau. Bao năm xa cách không làm tình vợ chồng phai nhòa, đã đến lúc anh chị trở về và làm lại tất cả.. Đây chỉ là một thử thách nhỏ thôi, thử thách sự vững vàng của anh và lòng bao dung, trái tim nhân hậu và sự chung thủy của chị.

Chị hiểu rằng, gia đình đoàn tụ, vợ chồng, cha con có nhau, gặp được nhau đã là điều vô cùng tuyệt vời. Nghị lực người vợ lính đã giúp chị bỏ qua mặc cảm, buồn thương, xốc chị đứng vững trên mọi khó khăn, thiếu thốn. Trong nước mắt, chị nghẹn ngào: "Em sẽ lại thay anh làm tất cả, em sẽ làm đôi chân của anh, dìu anh bước đến những trạm kế tiếp của chuyến xe cuộc đời".

Trở về với đời thường

Sau chiến tranh, anh Lơ mất đi một phần cơ thể, anh có biết bao lo lắng, mặc cảm. Biết làm gì khi không có đôi chân? Chẳng nhẽ lại làm gánh nặng cho vợ? Nghĩ vậy anh càng cảm phục người vợ hiền thảo, đã không chối bỏ, chị đã đón anh về bằng tất cả tình yêu và thương nhớ, bằng nước mắt và những giọt mồ hôi. Về đến ngôi nhà cũ, anh càng cảm thấy vợ đã cho anh sống thêm một cuộc đời.

Bằng ý chí của người lính, anh chị bàn nhau quyết tâm tự đóng gạch xây nhà. Lấy chút vốn mua nguyên liệu, vậy là vợ trộn đất, trộn vữa, chồng đóng gạch ba banh. Có gì dễ dàng đâu. Chỉ cần một trận mưa rào là đám gạch mới đóng chỉ còn đống đất. Hai vợ chồng nhìn nhau khóc, nhưng rồi lại gạt nước mắt tiếp tục công trình còn đang dang dở. May thay, thi thoảng có bà con, bạn bè sang giúp đỡ hai vợ chồng. Đến lần cố gắng thứ ba, ngôi nhà của anh chị mới được hoàn thành.

Bằng lòng với cuộc sống của mình, chăm chồng tai nạn, lo cho hai con đi học, chị Ngoan đã làm cho chồng bớt đi mặc cảm thương tật về cơ thể không còn nguyên vẹn. Mọi người xung quanh đều ca ngợi nghị lực người vợ lính, và sức dẻo dai của người chiến sĩ trở về sau chiến tranh. Bằng đôi tay và lòng kiên nhẫn được hun đúc qua bao cuộc chiến, qua bao làn mưa bom bão đạn, trải qua những gian khó lớn lao vì hy sinh cho Tổ quốc, cuối cùng, vợ chồng người bộ đội ấy cũng có được hạnh phúc bình yên. 

Cuối cùng, vợ chồng người chiến sĩ ấy cũng có được bình yên (Ảnh minh họa)

Hạnh phúc nhọc nhằn

Cho đến bây giờ, cuộc sống có đầy đủ hơn, đôi vợ chồng trẻ năm nào nay đã gần 70 tuổi đang hạnh phúc với gia đình, các con, các cháu. Ông bà sống một cuộc sống êm ả tại một khu phố nhỏ ở Hạ Long - Quảng Ninh. Chiều chiều, bà đẩy ông đi dạo bằng chiếc xe lăn, hít thở không khí trong lành. Ông tự hào về người vợ hai sương một nắng, về bản thân mình không còn đôi chân nhưng vẫn còn trái tim người lính, càng cảm phục nghị lực và lòng nhân hậu của vợ mình. 

Cảm động thay tấm lòng người phụ nữ trước sau như một, nghị lực phi thường, cúc cung tận tụy vì chồng con, dám đương đầu với mọi biến cố, dũng cảm đối mặt với mọi hiểm nguy, hy sinh cả thời thanh xuân tươi trẻ để chờ chồng, vượt qua sóng gió, chông gai để dìu bước chồng đến hết cuộc đời.

Hà Phương Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI