Đừng bắt cá học leo cây

02/11/2023 - 06:09

PNO - Nhiều người loay hoay cả đời vì chọn sai nghề. Một phần lớn là do cha mẹ định hướng, áp đặt theo kỳ vọng của thế hệ họ, kiểu như “giấc mơ mẹ đè nát cuộc đời con”.

“Mẹ ơi, sau này con muốn trở thành đầu bếp, được không mẹ?”. Tiếng bé Út lanh lảnh từ bếp vọng lên, cùng với tiếng xèo xèo của hành tỏi phi. Năm nay, bạn ấy lên trung học, đã nhiều lần tôi hỏi lớn lên con thích nghề gì, nhưng con vẫn ậm ừ “con chưa biết”. Thế mà hôm nay lại hỏi ngược mẹ thế này.

Một cảm giác ngạc nhiên lẫn chút thất vọng tràn ngập trong lòng tôi. Sau vài giây lặng đi, tôi quát: “Con nghĩ sao mà nói vậy? Bao nhiêu tiền của, công sức đầu tư cho việc học của con, giờ con nói vậy mà nghe được à? Nếu con muốn làm đầu bếp thì con đừng vào cấp III nữa, đi trường nghề luôn cho nhanh”. Âm thanh xôn xao của bếp núc im bặt…

Ba mẹ tôi là giảng viên ở một trường cao đẳng, nên khi các con còn bé, ông bà luôn gieo vào tâm trí chúng tôi: con đường để thành công chỉ có học và học. Nhà có 3 anh em thì đều thi đậu vào các trường danh giá của thành phố. 2 anh tôi là kỹ sư xây dựng, còn tôi làm bác sĩ tim mạch. Tôi luôn mặc định con gái lớn lên sẽ trở thành kỹ sư, bác sĩ hoặc luật sư… nói chung là ngành kỹ thuật hoặc kinh tế cũng được, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ tới đầu bếp.

Gái Út nhà tôi ham phụ mẹ nấu nướng từ hồi bé xíu: nhặt rau, lột hành tỏi, xay tiêu. Lớn lên chút, con thích tự chiên trứng, luộc rau, giờ thì giành nấu ăn cho cả nhà. Ai muốn ăn món gì, cứ báo trước, con sẽ tự lên mạng nghiên cứu cách nấu. Tôi thấy con cũng có năng khiếu, nhiều khi thử nghiệm món mới, lạ nhưng vẫn khá ngon. Ngay cả tôi cũng chưa chắc đã nấu được như vậy.

Bất giác, tôi chợt nhớ đến bộ phim Cậu bé rừng xanh, tối hôm trước mẹ con vừa hào hứng xem. Đoạn cuối rất xúc động, với hình ảnh Mowgli - cậu bé mồ côi được bầy chó sói nuôi dưỡng trong rừng - chiến đấu với con cọp Khan hung dữ để trả thù cho sói đầu đàn. Trước khi vào trận chiến, cậu bé được báo đen Bagheera mách nước cách để có thể tiêu diệt kẻ thù: “Con không thể đánh với hắn như sói, con không phải sói. Hãy chiến đấu với hắn như một con người”. Đúng vậy! Con người không thể cào cấu, cắn xé như sói được, dù cậu bé sống chung và được sói dạy dỗ từ nhỏ. Mỗi người có sở trường riêng. Tối qua, tôi từng nói với con như thế. Vậy thì con thích nấu nướng thì có lỗi gì kia chứ?!

Nhìn quanh, tôi thấy nhiều hoàn cảnh khốn khổ vì cha mẹ chọn nghề mà không màng đến mong muốn và khả năng của con. Hậu quả là phí hoài cả thanh xuân, chất xám, thời gian và tiền bạc mà chẳng nhận lại kết quả nào tốt đẹp.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Điển hình như Phong, đứa cháu tôi. Ba Phong mở công ty về bất động sản nên muốn con mình theo ngành quản trị kinh doanh, trong khi cậu bé cực thích mày mò máy tính, công nghệ. Không để cho Phong được lựa chọn, ba Phong tự đăng ký luôn trường bên Úc cho cậu bé du học. Được 2 năm thì Phong nhắn về, con không muốn và cũng không đủ năng lực để đi tiếp, con muốn về nhà. Quay lại Việt Nam, Phong nhất quyết nộp hồ sơ vào ngành công nghệ thông tin để làm lại từ đầu. Đến giờ, Phong đã đầu quân cho một công ty phần mềm của Mỹ với mức thu nhập kha khá. 

Đấy là còn may mắn, khi kịp thời sửa chữa để có chọn lựa đúng đắn cho riêng mình. Nhưng nhiều người loay hoay cả đời vì chọn sai nghề. Một phần lớn là do cha mẹ định hướng, áp đặt theo kỳ vọng của thế hệ họ, kiểu như “giấc mơ mẹ đè nát cuộc đời con”. Không thể làm công việc mình muốn chính là điều đáng buồn nhất trong cuộc sống.

Minh - cô bạn thân của tôi, tốt nghiệp ngành kiểm toán, dễ dàng tìm được công việc đúng chuyên môn ở một công ty có tầm cỡ. Nhưng bao năm qua, cô ấy vẫn giậm chân tại chỗ với cương vị nhân viên kế toán. Minh rầu rĩ tâm sự: "Tui chọn nhầm nghề, vì chưa bao giờ có cảm hứng với những con số. Bây giờ thì lại không đủ can đảm để làm lại và cũng không đủ thời gian để thay đổi. Công việc ngày càng trở nên mệt mỏi, nhàm chán, tôi cố gắng bước vào cơ quan mỗi ngày chỉ để kiếm sống”.

Đẩy cửa vào phòng, thấy con gái nằm ôm gối thút thít, nỗi ân hận tràn lên trong tôi, khi thấy mình vô lý quá. “Mẹ xin lỗi, mẹ đã không đúng. Con cứ chọn bất cứ nghề gì con cảm thấy yêu thích và có khả năng, để mỗi ngày được vui vẻ hạnh phúc là mẹ mừng rồi”. 

“Con cảm ơn mẹ” - khuôn mặt bé Út rạng rỡ sáng bừng. 

Trần Lai

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI