Câu chuyện tình yêu: Cuộc tình trên Gác Mây

31/10/2023 - 11:19

PNO - Rất tình cờ, trong một chuyến công tác, tôi “lọt” vào một homestay nhỏ trên ngọn đồi cao khoảng 1.000m của TP Bảo Lộc, có cái tên rất thơ mộng: Gác Mây.

Phụ nữ đã thương, đàn ông phải đổ

Họ từng là một đôi bạn học chung lớp, chung trường cấp III Bảo Lộc. Thời còn đi học, Nguyễn Trâm Anh xinh đẹp nên có nhiều người theo đuổi. Trong khi Nguyễn Hữu Thanh Châu là một chàng trai bình thường về ngoại hình, lại có vẻ trầm lặng. Ngày tốt nghiệp lớp Mười hai, Trâm Anh tặng cho Châu tấm hình và viết vào sổ lưu bút của Châu: “Mai mốt mày cưới vợ, nhớ mời tao nghe Châu”.

Cả Châu và Trâm Anh đều lên Sài Gòn học đại học. Trâm Anh được sống cùng với gia đình, nên thấy “tội” Châu thui thủi một mình trọ học. Cô bạn gái thỉnh thoảng hỏi thăm, rồi rủ nhau đi cà phê, đi ăn… và rồi tình cảm bắt đầu xuất hiện. Trâm Anh có tình cảm với Châu trước.

Kể chuyện thời sinh viên đó, Trâm Anh thường cười cười, bảo: "Hồi đó thấy Châu ít nói, trầm tính nhất trong đám bạn bè, nên nghĩ anh ấy là người sâu sắc, nội tâm… Phụ nữ mà thương rồi thì đàn ông thế nào cũng phải “đổ” thôi".

Vợ chồng Châu - Trâm Anh đang ngắm nhau, ngắm mây
Vợ chồng Châu - Trâm Anh đang ngắm nhau, ngắm mây

Thương nhau một thời gian lâu lâu rồi mà 2 người vẫn cứ mày tao, cậu tớ, còn không thì gọi tên… Mãi mới có thể chuyển thành anh - em. Rồi họ cưới nhau, Châu đã thực hiện đúng lời Trâm Anh dặn trong lưu bút ngày xưa: "Trâm Anh được mời có mặt trong đám cưới của Châu, nhưng với vai trò… cô dâu". 

Ra trường, cả hai làm cùng nghề du lịch. Năm 2005 họ làm đám cưới, sinh 1 gái 1 trai. Châu làm hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài ở một công ty, Trâm Anh làm trưởng phòng điều hành của một công ty khác chuyên về mảng khách Nhật. Ngoài công việc văn phòng, họ còn kinh doanh trong lĩnh vực điều phối xe du lịch cho các công ty. Cuộc sống bận rộn và khá thành công khiến mọi thứ trong cuộc sống chung êm đềm và đơn giản.

Vợ phải nuôi "chí lớn" cho chồng

Tháng 5/2021, trước khi dịch bùng nổ, vợ chồng họ cho 2 con về Bảo Lộc nghỉ hè với ông bà. Đêm nghe tin thành phố phong tỏa, đèo Bảo Lộc sẽ bị chặn, vợ chồng ngay lập tức chất đồ lên xe về với con và gia đình. Họ không nghĩ rằng chuyến đi đó lại thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình.

Trong những ngày khó khăn đó, mẹ Trâm Anh bị ung thư. Dịch bệnh kéo dài đã cắt mất con đường đi về Sài Gòn khám chữa bệnh của mẹ. Thời gian bi thảm đó cũng làm cho nhiều người nhận ra ý nghĩa của tình cảm gia đình. Châu và Trâm Anh quyết định ở lại Bảo Lộc, để được gần người thân.

Gần 20 năm gắn bó và phát triển ở Sài Gòn, họ vẫn thường nói với nhau rằng tuổi già sẽ trở về quê hương Bảo Lộc sống. Thế nhưng họ không nghĩ mọi việc lại trở thành hiện thực sớm như thế. Có 2 điều rất lớn đã đưa họ đến với quyết định này: niềm đam mê, tình yêu của Châu với mảnh đất quê hương và tình yêu của Trâm Anh với chồng.

Ẩn sau vẻ trầm lặng, ít nói của Châu là một tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp. Bạn bè thường bảo anh có máu nghệ sĩ. Cái máu nghệ sĩ ấy, một lần bắt gặp những bức ảnh của bạn bè chụp những ngọn đồi bát úp chìm trong mây tuyệt đẹp, anh hỏi người bạn chụp hình ở đâu và người bạn đã nói đó là ở Bảo Lộc. Châu vô cùng kinh ngạc, anh bảo mình đã đi nhiều nơi, săn mây ở nhiều điểm, thế mà không ngờ ở chính quê hương mình lại có một điểm săn mây đẹp đến thế.

Khi Châu quyết định mua miếng đất trên ngọn đồi cao gần 1.000m này, cả 2 vợ chồng đều không nghĩ gì tới việc kinh doanh. Đất Bảo Lộc khi đó chưa lên giá, phong trào làm homestay cũng chưa bùng phát. Ngọn đồi nơi Châu mua nằm cheo leo, không có đường đi, chỉ có lối nhỏ cho người đồng bào lên làm vườn, cũng chẳng có điện, nước. Thế nhưng Châu quyết định mua chỉ vì từ ngọn đồi nhìn ra xung quanh cảnh đẹp quá. Còn Trâm Anh khi đó đồng ý cho Châu mua cũng chỉ vì nhìn thấy niềm đam mê của Châu quá lớn.

Đến khi Châu thuyết phục vợ ở lại, làm căn gác nhỏ trên ngọn đồi Bát Úp thì “cuộc chiến” trong tư tưởng mới xảy ra với Trâm Anh. Ngọn đồi cao, ở một nơi khá hẻo lánh, đường đi lên khó khăn. Đất đồi trơ trơ bạc phếch, phải cải tạo lại. Sẽ phải đổ vào đây nhiều tiền của và công sức. Người thân, bạn bè ai cũng ngăn cản, có người còn bảo họ… khùng. Nhưng khó nhất là con gái đang vào học lớp Chín, thay đổi môi trường, bạn bè không có, sốc tâm lý, con về nhà khóc với mẹ, mẹ khóc với con…

Lúc đó, Trâm Anh chợt nhớ đến câu hát của nhạc sĩ Trần Tiến: “… mẹ ngồi xa vắng, thương cha chí lớn không thành…”. Cô cứ suy nghĩ mãi, sợ rằng nếu không ủng hộ chồng thì sau này biết đâu có lúc anh ấy sẽ buồn, sẽ thất vọng, sẽ nghĩ rằng những gì mình đam mê lại không làm được, chỉ vì không được vợ con ủng hộ. 

Và thế là, Gác Mây, cái homestay xinh xắn, 1 trong 3 điểm săn mây đẹp nhất của Bảo Lộc đã ra đời.

Ngồi nơi này ăn cơm, 3 mẹ con ăn gì cũng ngon
Ngồi nơi này ăn cơm, 3 mẹ con ăn gì cũng ngon

Cãi để hiểu và thương nhau hơn 

Có lần, một người khách đến với Gác Mây, đứng nhìn Trâm Anh lui cui trong bếp chuẩn bị bữa tiệc nướng đã buột miệng hỏi: “Anh ấy (là Châu) là người đồng bào à?”. Kể chuyện này, Trâm Anh cười giòn tan và bảo: “Lúc trước Châu cũng đi tour, cũng đen, cũng bụi bặm phong trần. Nhưng từ ngày làm Gác Mây thì anh ấy không chỉ thay đổi ngoại hình, mà cả tính cách, cư xử. Chính tôi cũng thay đổi luôn”. 

Lúc trước Châu ít nói, công việc của 2 vợ chồng độc lập, việc trong gia đình phải bàn bạc nhiều, chọn lựa cách giải quyết chung từ 2 cách nghĩ riêng… Giờ đây, khi được vợ ủng hộ và được thực hiện niềm đam mê có phần… liều lĩnh của mình, những áp lực về trách nhiệm, về sự thành công khiến Châu… nói nhiều hơn, quyết đoán hơn, cứng cỏi hơn.

Còn Trâm Anh, vốn thích giao lưu với bạn bè, thích tiệc tùng, cà phê… Thế mà bây giờ cô có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ ngắm mây trời từ Gác Mây, lặng lẽ nhìn 2 chú chó nhỏ ở Gác Mây chơi đùa và không hề thấy cuộc sống trống rỗng hay tẻ nhạt. Cụ thể hơn, cô trở thành một “bà chủ nhà” đảm đang, quán xuyến. “Ngày ở Sài Gòn, nhà có người giúp việc, tôi nào biết nấu ăn. Giờ, tôi lại có thể chuẩn bị những bữa tiệc nho nhỏ cho khách và được khách khen “chị nấu ăn khéo quá”. Mỗi ngày chồng con được ăn bữa cơm do chính mình nấu, mấy đứa nhỏ khen mẹ nấu ăn ngon, vui ghê”.

2 năm xây dựng và duy trì Gác Mây trong vô vàn khó khăn, Trâm Anh bảo đã có nhiều lần chỉ muốn bỏ cuộc, về lại TPHCM. Cô cảm thấy những nỗ lực phấn đấu suốt thời trẻ như tan thành mây khói. Bao nhiêu lần cô tự hỏi quyết định về quê có phải là sai lầm không? Có gây “thiệt thòi” cho con cái không?…

Nhưng rồi nhìn chồng say sưa chăm chút cho căn nhà nhỏ đơn sơ, anh lo lắng, suy nghĩ, nhưng đầy đam mê và hạnh phúc, cô lại tự nhủ: “Ai không có lúc khó khăn”. Trâm Anh bảo khi ủng hộ chồng làm Gác Mây, cô đã tâm niệm rằng thành hay bại, thắng hay thua cũng sẽ không trách nhau. Cùng nhau vượt qua thôi. Còn Châu, những khi vợ thất vọng, lo lắng, anh đều an ủi: “Nếu em và con về thành phố thì anh cũng sẽ bỏ hết về theo, vì anh không thể xa vợ con được”. Và vì thế mà họ cùng trụ lại với nhau.

Có một điều rất lạ là từ ngày làm Gác Mây, Châu và Trâm Anh… cãi nhau nhiều hơn. Tất cả mọi việc đều liên quan đến đứa con tinh thần thứ ba này của họ. “Trước kia mỗi đứa một việc, nên hầu như chẳng có chuyện gì cần phải tranh luận. Còn bây giờ, chúng tôi có thể cãi nhau vì trồng cây, dọn phòng…”. Nhưng những “cãi nhau” chỉ khiến họ hiểu nhau hơn khi cả hai cùng bộc lộ bản thân một cách thẳng thắn và mạnh mẽ. Họ “cãi” để có được những điều tốt đẹp hơn cho cuộc hôn nhân.

Có một điều Trâm Anh ấm ức là cãi nhau xong, chẳng bao giờ Châu xin lỗi vợ. Vợ chồng từng là bạn bè, nên nói chuyện tình cảm, sến sẩm không được, nhưng… thỉnh thoảng cũng phải xin lỗi vợ chứ. Vừa lui cui dọn dẹp, chẳng xen vào câu nào, Châu tự dưng trả lời: “Thì, anh vẫn thường đàn, hát cho em nghe bài Xin lỗi rồi còn gì. Lại còn không hiểu à?”. Câu chống chế của chồng dễ thương quá, khiến Trâm Anh phải bật cười. 

Song Văn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI