Đàn bà cõng gạo vượt sông

06/11/2020 - 05:56

PNO - Những bước chân nặng nề cố lách qua từng hòn đá bên bờ suối, mồ hôi ướt đẫm vạt áo, họ - những người phụ nữ xã Phước Thành - đang cõng gạo về cho gia đình.

Thời tiết ở Phước Sơn lúc này thất thường, khó chịu. Cơn mưa nặng hạt khiến bước chân của lực lượng dân quân, bộ đội hay những người tham gia cõng gạo tiếp tế cho hai xã bị cô lập là Phước Thành và Phước Lộc nặng nề hơn. Chỉ trong hai ngày, 13 tấn gạo cùng tất cả nhu yếu phẩm tiếp tế đã được gùi lên núi. Ở đó, có những gia đình đang chờ gạo về.

Chúng tôi chú ý đến người phụ nữ nhỏ thó tên Hồ Thị Thế (24 tuổi, thôn 2, xã Phước Thành) với đôi chân thoăn thoắt bước đi trên những hòn đá cạnh bờ suối. Trên lưng chị là cả mấy chục ký gạo vừa nhận. Chị Thế nói, trong đợt lũ vừa rồi, nhà chị bị cuốn sạch, chẳng còn lại thứ gì. Vợ chồng chị cùng hai đứa con trên người chỉ còn mỗi bộ quần áo, sống lay lắt nhờ nhà người thân và hàng xóm đã mấy ngày nay. Giờ, nghe tin có hàng cứu trợ là chị đi. 

Lần thứ hai gặp lại chị, vẫn dáng vẻ đó, nhưng giờ, Thế chỉ đi một mình. Chồng Thế ở nhà dọn dẹp, xem có tìm được tấm ván, tấm tôn nào còn sót lại để dựng tạm cái lều mà nương náu không. “Vẫn đủ sức đi à?” - tôi hỏi. Là bởi, để tới được nơi có hàng tiếp tế, từ năm giờ sáng, Thế đã cơm đùm cơm nắm với ít cá khô rồi ngược núi mà đi. Mất năm tiếng mới tới nơi.

Họ lầm lũi đi về phía trước, trên lưng là bữa cơm ngon cho những đứa trẻ đang đợi ở nhà
Họ lầm lũi đi về phía trước, trên lưng là bữa cơm ngon cho những đứa trẻ đang đợi ở nhà

“Không đi nổi cũng phải đi anh ạ. Giờ trong xã người ta bảo, gạo cõng về thì để đó rồi sẽ chia ra cho từng nhà. Ai cõng được nhiều thì sẽ có nhiều gạo hơn một chút. Với lại, xin được mớ quần áo cũ cho mấy đứa nhỏ mặc, khỏi bị lạnh. Nên mình gắng đi, vì nhà mình mất hết rồi. Ruộng cũng chỉ còn một lớp cát dày đặc. Mùa mưa tới, sợ không có cái ăn” - Thế nói, mồ hôi thi nhau chảy xuống khuôn mặt đỏ ửng.

Trong chừng 600 người cõng hàng tiếp tế, có đến 150 phụ nữ tham gia vượt đoạn đường dài để gùi gạo về cho xã. Nhiều người vì lớn tuổi, không đủ sức cõng trên lưng cả 30 ký gạo, nhu yếu phẩm, đành dừng lại bên suối, trút bớt cho các thanh niên rồi lầm lũi đi. Ngọn đồi dựng đứng. Họ cúi mặt xuống thấp nhất có thể, để giảm bớt sức nặng trên lưng. Những ngón chân cố bám vào dép, vàng khè một màu bùn.

Chị Nguyễn Thị Tình (ngụ thôn 2, xã Phước Thành) gửi đứa con mới sáu tháng tuổi cho bà nội rồi tất tả chạy đi, thế nhưng vẫn muộn. Phần vì sức yếu, phần vì phải lo cho ba đứa nhỏ ăn được bữa sáng rồi mới xuất phát. “Chồng không đi được vì phải dựng lại ngôi nhà vừa đổ. Mấy đứa nhỏ cả tuần nay không được bữa ăn đàng hoàng. Nghe nói ngoài này có sữa nên mừng lắm, gắng xin cho con được hộp sữa” - chị Tình nói.

Có những chỗ gập ghềnh, hiểm trở, các chị phải hỗ trợ nhau mới không ngã - Ảnh minh họa
Có những chỗ gập ghềnh, hiểm trở, các chị phải hỗ trợ nhau mới không ngã - Ảnh minh họa

Mới nghe kể về đoạn đường mà họ phải vượt qua cũng đã toát hết mồ hôi. Những con đường chính đã bị bít kín bởi bùn đất nên đường duy nhất của họ lúc này là đi vòng, men theo đường rừng mà đi. Vượt qua ba con suối, hai cái dốc dựng đứng thì về nhà.

“Già rồi, nhưng cũng gắng đi. Mình vẫn còn chút sức, được chừng nào hay chừng đó” - bà Hồ Thị Nga (54 tuổi, thôn 4, xã Phước Thành) cười. Bà không vội. Nhận được 30 ký gạo, cộng với nhu yếu phẩm nữa thì cõng trên lưng chừng 40 ký. Đến bờ suối thì dừng lại, sớt qua cho những thanh niên trong làng, chỉ gùi 25 ký rồi men theo sườn đồi về nhà.

Đoàn người cứ thế nối đuôi nhau luồn sâu vào cánh rừng, đi về phía núi. Sau lưng họ, không chỉ là gạo, thức ăn, mà còn cả hy vọng cho những người đang chờ ở nhà. 

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI