Cứ để con viết như con cảm nhận

10/01/2022 - 19:43

PNO - Cây bút thần kỳ dù viết rất hay nhưng những điều nó viết ra lại là giả dối. Với cách dạy con như thế, người lớn vô tình tạo dựng cho trẻ một thế giới đẹp nhưng sai sự thật.

Người lớn thường tạo dựng thế giới theo cách họ muốn. Khi trẻ em viết, từ những bài tập làm văn đầu tiên là sự phản ánh thế giới trong đôi mắt trẻ thơ, chúng ta thường can thiệp để tạo dựng một thế giới như chúng ta muốn - nghĩa là người lớn muốn trẻ viết sao cho hay chứ không phải diễn tả chân thực cảm nhận của trẻ.

Cậu bé Minho trong truyện Cây bút thần kỳ (Red Pencil) của Soo-hyeon Shin cũng gặp phải tình huống đầy mâu thuẫn như vậy. Những bài viết chân thực ngây ngô của cậu chỉ được mộc xanh dành cho học sinh trung bình và yếu, cậu còn bị mẹ mắng vì viết ra cho người khác biết chuyện trong nhà.

Từ đó, Minho sợ, không dám viết thật nữa vì người lớn chỉ muốn đọc những điều tốt đẹp. Cậu có hai cuốn nhật ký khác nhau, một cuốn viết để nộp bài, một cuốn viết cho mình. Chỉ khi viết cho chính mình đọc, Minho mới viết một cách chân thật, đối diện với những cảm xúc và nỗi đau sâu thẳm của bản thân.

Bìa sách Cây bút thần kỳ
Bìa sách Cây bút thần kỳ

 

Một hôm, Minho tình cờ có được cây bút chì đỏ thần kỳ. Cây bút ấy giúp cậu viết ra những bài văn hay một cách hoàn hảo, được thầy giáo khen, bạn bè ngưỡng mộ, được bầu chọn là bài văn của tháng, thậm chí cho cậu cơ hội tham gia “Đấu trường một trăm” dành cho những học sinh viết văn hay trên cả nước. Mọi thứ đều đẹp như mơ trừ một điều - những dòng chữ Minho viết ra không phải do năng lực của cậu mà nhờ cây bút thần kỳ, chưa kể những điều cây bút ấy viết ra lại là những lời không thật. 

Càng ngày Minho càng bị cuốn vào ánh hào quang giả dối do cây bút chì mang đến nhưng tiếng nói chân thực sâu thẳm bên trong vẫn ngấm ngầm xui cậu chống lại sức mạnh của cây bút chì. Cậu vẫn giữ thói quen viết cho mình những trang nhật ký riêng, nơi cậu được tỏ bày những điều chân thực. 

Nhờ khả năng viết văn của cây bút chì đỏ, Minho vô tình trở thành đối thủ của Jae-gyu, người lâu nay vẫn có những bài văn đứng đầu lớp, trường. Ở Jae-gyu có đầy đủ tính chất của một học sinh khuôn mẫu: không ngừng chăm chỉ học thêm, luyện viết theo các kiểu văn mẫu khác nhau để đạt thành tích tốt nhất. Jae-gyu luôn nghi ngờ, đố kỵ Minho. Khi phát hiện ra vai trò của cây bút chì đỏ, Jae-gyu đã tìm cách lấy và giấu nó đi trước khi cuộc thi “Đấu trường một trăm” bắt đầu. Không có sự giúp sức của cây bút chì, Minho chỉ có thể viết bằng chính năng lực và cảm xúc của bản thân. Jae-gyu thắng giải còn Minho thì không. 

Thế nhưng, câu chuyện chưa kết thúc ở đó. Những dòng viết chân thực của Minho dù ngược hẳn với đề tài cuộc thi đề ra lại thu hút cô Song Ji-ah, một nhà văn nổi tiếng, một trong những giám khảo của cuộc thi. Cô mời Minho đến học ở ngôi trường do cô lập ra. Ở đó, cậu sẽ được học đọc sách, thảo luận, viết văn. 

Cây bút thần kỳ là thiên truyện dễ thương đượm buồn về cậu bé Minho hồn nhiên với khát vọng được thành thật với bản thân, được nói, được viết ra những điều mình thấy, mình nghĩ dù có thể nó không được đón nhận. Những dòng được chính Minho chứ không phải cây bút thần kỳ viết ra ở “Đấu trường một trăm” đã được viết bằng sự can đảm và thành thật đến nhói lòng của cậu bé. Đó là nỗi đau khổ chất chứa bấy lâu nay được dịp vỡ òa:

Những lúc tôi không nghe theo lòng mình chính là những lúc tôi đau khổ
Khi tôi viết những điều sai sự thật
Mọi người thích tôi viết những điều sai sự thật ấy…


Thế nên tôi chỉ được viết những gì mà mọi người thích đọc
Còn những suy nghĩ thực sự của bản thân tôi thì dường như chẳng hề quan trọng đối với mọi người
Càng ngày tôi càng khó thành thật hơn
Càng ngày tôi càng không nghe theo suy nghĩ của mình nữa
Và việc đó đã khiến tôi đau đớn hơn tưởng tượng rất nhiều

Trong những dòng viết chân thành của Minho dường như luôn có bóng dáng người lớn. Khi các em viết về gia đình, người lớn mong được đọc về một gia đình hạnh phúc đủ đầy, yêu thương ấm áp dù có khi gia đình ấy đầy những mảnh vỡ hư hao. Khi các em viết về thế giới, người lớn mong được đọc về một thế giới chỉ toàn những điều tốt đẹp. Người lớn mong các em viết thật tròn trịa, thật hay theo những khuôn mẫu, quy phạm có sẵn.

Đằng sau Minho là hình ảnh người mẹ đau khổ không muốn người khác biết chuyện tan vỡ của gia đình mình. Đằng sau Jae-gyu là người mẹ lịch lãm muốn đúc cậu thành một cái khuôn hoàn hảo sau đó đẩy con vào một trường đại học danh tiếng theo ý nguyện của bà, khiến từ cách hành xử đến cách viết văn của Jae-gyu tẻ nhạt và lậm thành tích. 

Cô Song Ji-ah đã đưa ra cái nhìn đúng đắn về việc viết văn khi khuyên rằng hãy quan tâm đến mọi người, mọi vật xung quanh; hãy đọc sách và giao tiếp thật nhiều; hãy viết văn dựa trên suy nghĩ hay cảm nhận chân thật của mình. Nhịp tim Minho đập liên hồi khi nghe đến điều đó nhưng khi ấy cậu cũng nhận ra thực tế cay đắng: “Chân thật cũng phải có mức độ thì người khác mới chấp nhận”. 

Khi dạy trẻ em viết văn, người lớn hay hướng cho các em viết hay. Viết hay bao gồm cả hai phương diện: viết về những việc được coi là hay, là đẹp và viết văn theo những khuôn mẫu cho sẵn. Những bài văn viết về cô giáo hay mẹ thì nhất định cô hay mẹ phải đẹp, phải hiền; tả hoa hay tả cây thì phải tả như thế này chứ không phải thế kia. Chưa kể thực trạng cho trẻ làm hay chép theo văn mẫu khiến mất hẳn dấu ấn cá nhân và sự sáng tạo. 

Trong khi đó, viết văn trước hết là để trẻ tự cảm nhận thế giới xung quanh và bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân một cách chân thực nhất. Người lớn có thể hướng dẫn các em viết cho đúng chính tả, văn phạm, diễn đạt chính xác ý các em muốn nói nhưng tuyệt nhiên không nên xây một mô hình hoàn hảo cho trước rồi bắt các em viết theo. Cây bút thần kỳ dù viết rất hay nhưng những điều nó viết ra lại là giả dối. Với cách dạy con như thế, người lớn vô tình tạo dựng cho trẻ một thế giới đẹp nhưng sai sự thật, trong khi chân thực lại là của cải vô giá đối với tâm hồn trẻ thơ. Dường như người lớn rất thích nói và nghe những điều sai sự thật…

Chúng ta hãy học cùng con, lắng nghe con, tạo điều kiện để con được nói và viết ra những cảm nhận chân thật của bản thân. Biết đâu khi soi vào thế giới trong trẻo đó, người lớn cũng học được từ trẻ thơ rất nhiều - học nhận ra những điều chưa tốt của bản thân và thế giới xung quanh, sửa đổi bản thân, góp phần ít nhiều thay đổi thế giới để có được cuộc sống thật sự đẹp hơn thay vì trông chờ một ngòi bút thần kỳ nào đó tô vẽ một cách giả dối. Như mẹ Minho rốt cuộc đã biết làm cho con một mẻ bánh quy ngon lành, quan tâm và đồng hành với con, vun vén và tạo dựng hạnh phúc cho con từ những điều giản dị. 


An Duyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI