Con ước làm họa sĩ vẽ nét đẹp hào hùng

29/04/2025 - 06:00

PNO - "Ngày xưa cha ông mình đổ xương máu, giờ thời bình, con chỉ cần… “đổ mồ hôi” để học hành, sau này làm việc, xây dựng quê hương là được rồi phải không mẹ?”.

Dịp kỷ niệm 30/4 năm nay để lại trong lòng bé Nguyễn Lưu Gia An (lớp Ba, Trường tiểu học Phù Đổng, quận Bình Thạnh, TPHCM) nhiều kỷ niệm sâu sắc. Em được trường chọn tham gia Hội quân chiến dịch Em là chiến sĩ giải phóng quân do Đoàn Thanh niên - Hội Đồng đội - nhà thiếu nhi quận Bình Thạnh phối hợp tổ chức vào giữa tháng Tư.

Bao nhiêu cảm động, yêu thương, Gia An gửi vào bức tranh Giải phóng miền Nam trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của hội quân. Trong bộ trang phục xanh màu áo lính, Gia An được ba mẹ đưa đi tham quan bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM), ngắm những khẩu pháo hướng ra sông Sài Gòn.

Bé Nguyễn Lưu Gia An chụp hình lưu niệm với các ông bà cựu chiến binh  bên các khẩu pháo được trưng bày trang trọng ở bến Bạch Đằng - ẢNH: CHÍ THIỆN
Bé Nguyễn Lưu Gia An chụp hình lưu niệm với các ông bà cựu chiến binh bên các khẩu pháo được trưng bày trang trọng ở bến Bạch Đằng - Ảnh: Chí Thiện

Gia An kể: “Gia đình nội ngoại em đều có truyền thống cách mạng. Em thường đeo theo ông bà để được nghe chuyện xưa”. Dù không tận mắt chứng kiến nhưng được xem những thước phim tư liệu, được tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và các bảo tàng khác, Gia An hiểu thêm những gian khổ hy sinh của thế hệ cha ông.

Càng tưởng nhớ công ơn người xưa, em càng quý yêu cuộc sống hiện tại. Gia An chia sẻ: “Em và các bạn may mắn được sinh ra và sống trong đất nước hòa bình, tại một thành phố tươi đẹp. Em sẽ cố gắng học, làm theo 5 điều Bác Hồ dạy. Nếu sau này trở thành họa sĩ như mơ ước, em sẽ vẽ tiếp, vẽ hoài nét đẹp anh hùng của chiến sĩ Việt Nam”.

Quệt mồ hôi trên trán, mẹ của Gia An - chị Lưu Thị Vương Thanh (giáo viên Trường tiểu học Phù Đổng) - tươi cười nói: “Chở con trên đường, thấy phố xá rực rỡ cờ hoa, tôi thường hỏi con có biết gần đến ngày kỷ niệm sự kiện lịch sử nào không. Rồi mẹ con trò chuyện về sự kiện ấy, những nhân vật lịch sử thời ấy. Con không đọc truyện tranh như bạn cùng trang lứa mà thường đọc sách lịch sử ở thư viện hoặc mua từ nhà sách. Niềm tri ân với những hy sinh của cha ông đôi khi không cần ba mẹ nhắc mà con đã thổ lộ bằng ngôn ngữ mộc mạc ngây thơ: “Ngày xưa cha ông mình đổ xương máu, giờ thời bình, con chỉ cần… “đổ mồ hôi” để học hành, sau này làm việc, xây dựng quê hương là được rồi phải không mẹ?”.

Cũng theo chị Thanh, ở trường, học sinh rất thích nghe thầy cô kể chuyện lịch sử. Tuy nhiên, không phải thầy cô nào cũng từng chứng kiến cảnh đạn bom nên không lột tả được hết khí thế hào hùng và nỗi đau chiến tranh. “Vì thế, kể chuyện lịch sử nên kết hợp với tư liệu hình ảnh, đoạn phim hoặc đưa các em đi tham quan di tích lịch sử, giao lưu với nhân chứng sống… Có vậy, tiết học sử sẽ sinh động, tạo dấu ấn nơi các con” - chị Thanh bày tỏ.

Trọng Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI