Chỉ đường cho hươu...: Con muốn "ghi điểm"

13/12/2023 - 09:24

PNO - Kỹ năng dọn dẹp khiến cháu độc lập, có trách nhiệm với mình và gia đình; duyên dáng và tạo thiện cảm với người xung quanh.

Tuần trước, các bạn đội tuyển học sinh giỏi được thầy chủ nhiệm mời đến nhà ăn liên hoan. Khi tiệc tan, mấy bạn trai xung phong lau bàn ghế và kê dọn lại, mấy bạn nữ được phân công dọn dẹp bàn ăn và rửa chén. Lúc đó, con lúng túng không biết làm gì trước, làm gì sau, đành lăng xăng phụ mấy thứ lặt vặt.

Thầy cười bao dung: “Học khó vậy mà con còn làm tốt thì ba cái việc nội trợ này, con để ý một chút là làm được. Cho con “nợ” môn này đến tiệc cuối năm thầy sẽ kiểm tra”. Mong bác sĩ giúp con “ghi điểm” với thầy và các bạn.


Một nữ sinh lớp Mười một (quận 3, TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dọn dẹp nghe có vẻ đơn giản nhưng thực ra là không. Kỹ năng dọn dẹp bàn ăn và rửa chén sẽ giúp cháu gọn gàng trong tư duy qua việc phân loại, sắp xếp, giải quyết một cách khoa học, nhanh gọn. Nó khiến cháu độc lập, có trách nhiệm với mình và gia đình; duyên dáng và tạo thiện cảm với người xung quanh.

Khi tàn tiệc, cháu nên làm từng bước:

1. Xử lý thức ăn thừa: Đầu tiên, cháu dồn những thức ăn còn dùng được vào các hộp đựng/tô sạch rồi bịt kín, bảo quản bằng màng bọc thực phẩm trước khi cất vào tủ lạnh. 

Những cặn thức ăn thừa, xương vụn, khăn giấy, vỏ lon… phải bỏ riêng vào những túi khác nhau. Không chồng chén vào tô nước khiến nước đổ tràn lan, các loại rác lẫn lộn với nhau mà phải chắt nước vào khay/tô đựng rồi đổ xuống bồn rửa hoặc cống, xối nước đi, cho “xác” thức ăn vào bọc rác. Dùng khăn giấy lau những vật dụng dính dầu mỡ, bánh kem.

2. Dọn chén dĩa: Xếp dĩa, tô, chén chồng lên nhau theo thứ tự lớn bên dưới, nhỏ bên trên, bưng vào khu vực rửa; các loại dao, kéo đặt gọn vào thau riêng có nước và chất tẩy rửa. Không cố bưng quá sức để tránh gây đổ vỡ. 

Không đặt ly vào bồn rửa. Tốt nhất, để riêng ly bên ngoài vừa có thể tránh làm vỡ chúng (do bị vật nặng hơn đè lên) vừa tránh cho chúng bị dính dầu mỡ.

Nên để xoong, chảo, nồi riêng biệt với các đồ dùng khác.

3. Vệ sinh bàn ăn và sàn nhà: Dùng khăn ẩm lau bàn theo một chiều cố định (lên xuống hoặc qua lại), tránh lau vòng tròn hoặc lau đi lau lại một chỗ. 

4. Rửa chén: Tráng chén dĩa qua nước trước khi rửa giúp loại bỏ thức ăn và dầu mỡ, đồng thời giúp việc rửa chén dễ dàng hơn. Với xoong nồi, dĩa dính đồ khô cứng, nên ngâm nước vài phút rồi rửa. 

Không đổ trực tiếp nước rửa lên chén dĩa khiến lượng hóa chất bám nhiều và chén dĩa khó sạch. Pha nước rửa chén với nước theo tỉ lệ 2:8 (có thể gia giảm theo mức độ dơ của đồ dùng).

Rửa đồ ít dầu mỡ trước, đồ nhiều dầu mỡ sau, chén dĩa to trước rồi chén dĩa nhỏ sau để những món rửa sau có thể chồng lên những món rửa trước, tiết kiệm không gian chậu rửa. Đồ nhựa khó tẩy mùi nên ngâm qua nước ấm với vài lát chanh rồi xả lại với nước sạch. 

Dù bây giờ đã có máy rửa chén nhưng kỹ năng “thủ công” này vẫn rất cần thiết.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

5. Sắp xếp chén dĩa sau khi rửa: Có thể úp chén dĩa vừa rửa vào rổ rồi đặt ở nơi khô ráo có chỗ hứng nước, sau đó xếp gọn vào giá chén. Nếu giá chén có chỗ hứng nước thì cháu xếp chén, tô, dĩa đúng chỗ để nhanh ráo nước, úp ly vào khay đựng ly. Để phần đầu đũa hướng lên trên.
Rửa sạch bồn rửa để tránh dầu mỡ đọng lại xung quanh bồn và trong ống cống. Giặt sạch giẻ rửa chén và khăn lau bếp. Lau khô vòi nước, bồn rửa. Phơi khăn.

Đảm bảo rằng việc cải thiện kỹ năng dọn dẹp giúp cháu tự tin ghi điểm trong mắt phụ huynh và vượt qua kỳ sát hạch sắp tới của thầy chủ nhiệm.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI