Tết này sao nhỉ?

24/01/2021 - 05:06

PNO - “Tết này sao nhỉ” sẽ lại là câu hỏi lớn nhất của những nội tướng gia đình.

Đoàn tụ “trực tuyến”

Tết là khi ta mong và ai đó trở về. Nhưng năm nay khác, các chuyến bay thương mại chính thức ngưng đến hết tháng Ba, các chuyến bay giải cứu cũng tạm ngưng hoặc hạn chế, đồng nghĩa với việc yêu nước là ai ở đâu vẫn ở yên đấy.

Bắt đầu kỳ học mùa xuân, tôi tiễn con gái lên đường vào đầu năm 2020, giữa tháng Một, cũng là những ngày cuối năm âm lịch, nhà nhà chuẩn bị tết ta, bánh chưng, hoa quả, mai đào và hương trầm.

Năm nay, con tôi sẽ đón tết với những ký ức tươi đẹp - Ảnh minh họa
Năm nay, rất nhiều người tiếp tục đón tết với những ký ức tươi đẹp và giao lưu cùng gia đình qua màn hình Zoom- Ảnh minh họa

Ba năm qua, chúng tôi đã có những cái tết truyền thống không đầy đủ các thành viên, đã dần quen với kế hoạch một năm cho các kỳ thi, những dự án của mẹ, các môn học, kỳ thực tập của con, các kỳ nghỉ cả gia đình hay cùng bạn bè…

Tất cả dự định ấy là điểm kết nối, là những mốc thời gian chia nhỏ con đường để một năm không dài đằng đẵng và khoảng cách giữa hai bán cầu không quá xa. 

Nhưng từ tháng 3/2020, tất cả đảo lộn hoặc tê liệt. Rồi giải pháp trực tuyến được cả thế giới áp dụng, gia đình cũng vậy. Chúng tôi trò chuyện, kiểm tra sức khỏe, động viên và chia sẻ thông tin với nhau qua facetime, video call, Zoom… Thời gian đoàn tụ, thay vì ra sân bay đón nhau, thay vì nấu trong bếp những món mà con thích hay cùng con thả bộ trên những con đường thay đổi nhanh đến chóng mặt… chúng tôi cùng Zoom điện thoại vào bữa sáng cầu kỳ hoặc bữa tối đơn giản.

Chỉ là online nhưng biết rằng vẫn yêu thương, vẫn có thể vui buồn cùng nhau và quan trọng nhất là vẫn thấy nhau mạnh khỏe là được. 

Thời gian vẫn trôi qua cái vèo

Sáng, tưới cây, tập thể dục, nấu ăn, nhắc anh trai vào lớp học trực tuyến thì các em không được vào phòng của anh, không lớn tiếng đùa giỡn, không bật ti vi. Mẹ lên góc sân thượng kiểm tra và trả lời email, vào văn phòng trên mạng dù quần short nhưng áo và đầu tóc vẫn chỉn chu. Nhà biến thành trường, thành văn phòng trong giờ hành chính.

Chiều, hết giờ làm việc lại tíu tít mua sắm online, trò chuyện, đánh game Liên quân… chat room. 

Tối lại chuẩn bị thức ăn, ngó qua lịch ngày mai cần làm những gì. Một ngày vẫn thế, công việc vẫn thế, tiết kiệm được vài tiếng chạy xe, gửi xe, đeo bao tay và đội mũ bảo hiểm thì tăng thêm thời gian cho việc lau bụi đồ dùng, xịt khuẩn định kỳ và theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt hơn cho ông bà, những người lớn tuổi có bệnh nền trong gia đình, càng thấy nhiều việc cần phải làm hơn.

Cuối tuần dọn nhà rồi hẹn nhau các đợt ủng hộ cho người có thu nhập thấp mùa dịch, ủng hộ bà con vùng lũ miền Trung, tháng này gửi đi đâu, tháng sau nữa, cuối năm có quà gì cho các em ở mái ấm, năm nay ai cũng khó khăn thì chia quà gì cho thiết thực, đừng bánh kẹo, gửi vitamin C và sữa nhiều hơn. Trời lạnh, gửi chăn màn và giày ấm, danh sách năm nay có dài hơn nhưng vẫn đủ quà để chia. 

Cả nhà năm 2020 đều bận rộn hơn bình thường. Gần cuối năm, nhiều người treo status nói rằng thời gian trôi qua cái vèo và nhiều người công nhận đúng! Ô hóa ra một năm tưởng chừng nặng nề và lê thê cũng đã sắp qua rồi.

Làm việc ở nhà dường như càng có thời gian, càng thấy quý từng phút, càng thấy mình có nhiều việc để làm. Ở nhà chỉ là một không gian khác tưởng chừng bị thu hẹp hơn nhưng thực ra linh hoạt hơn cho phụ nữ.

Nên những ai than phiền rằng việc bó chân trong nhà khiến họ thấy nhạt nhẽo, nhàm chán, tù túng… là vì họ không có việc gì để làm. Nếu tất cả phải ngưng thật, không có hướng khác thật, thì học thêm các khóa trực tuyến (rất rẻ, thậm chí miễn phí) là cách vừa giúp có cảm giác thời gian trôi nhanh, vừa nạp thêm được năng lượng tích cực chứ không chỉ kiến thức. 

Với P.T.T.T., một chuyên gia truyền thông sự kiện, cũng đầu tư trong lĩnh vực giải trí, du lịch thì năm nay rất vui, giảm được 3kg mỡ thừa, tăng một cấp độ cho chuyên môn yoga phục hồi và có thể trở thành huấn luyện viên riêng cho các thành viên trong gia đình.

“Ba kẹt lại ở bển, sốt ruột lắm, tưởng tết này được về, giờ lại chờ, còn mấy mẹ con chẳng có thời gian đâu mà buồn chán hay lo lắng. Ngay cả khi phòng tập trong tòa nhà có đóng cửa thì cả nhà vẫn trải thảm ra tự tập, online í ới cùng bạn bè. Bận rộn sẽ khiến bạn không còn thời gian để lo lắng, qua hè, chớm thu lại bắt đầu năm học mới, công việc mới… ngoảnh đi ngoảnh lại, Noel và 2021 đến ngay cửa. Năm mới sẽ bận hơn hay nhàn hơn là do bản thân quyết định, điều phối thôi”, bà mẹ hai con vui vẻ cho biết.

Đề kháng cần nhất là tình yêu thương

Khi một phòng tập ở quận Phú Nhuận đóng cửa vì có một bệnh nhân F0 đến tập suốt một tuần, tôi và hàng chục cư dân cùng tòa nhà ngay sau lưng phòng tập, (cũng là hội viên của phòng tập) lập tức liên lạc số hotline để hỏi lịch trình của người này. Việc nhận ra khung giờ mình đi tập, trong một không gian kín, trùng với một bệnh nhân cụ thể, có đánh số dễ khiến bạn hoảng sợ. 

Nhưng hoảng sợ thì làm gì?

Thì cũng vào khai báo y tế, nhận tin nhắn, đi test, trong vòng 24 tiếng không thấy y tế phường gọi xách ba-lô lên và đi thì nghĩa là tiếp tục ở nhà cho đủ 14 ngày kể từ ngày cuối chạm cửa phòng tập mà có ca bệnh ấy xuất hiện. Rồi hạn chế tiếp xúc gần mọi người, thông báo cho những người mình đã gặp hay trò chuyện trong thời gian 14 ngày qua, rồi thở ra nhè nhẹ khi các ca F1 của bệnh nhân kia đều âm tính. 

Rủi ro về bệnh dịch còn nhiều lắm; giữ sức khỏe, tập luyện, tăng đề kháng, là chuyện không nhiễm bệnh cũng vẫn cần làm kia mà. Câu thần chú nhiều người không muốn dùng “thế này vẫn còn may hơn là…” thực ra khá hiệu nghiệm cho tâm lý mau bình ổn.

Bà ngoại tôi kể, trong chiến tranh, nếu rủi nhà có người thân chết thảm, người còn lại lo tang ma vẫn động viên nhau: “Thế vẫn còn may hơn là mất xác”. Câu ấy, đồng nghĩa “đây chưa phải là thực tế tồi tệ nhất”. Tôi hỏi bà ngoại rằng nếu chết mất xác thật thì sao, bà nghiêm nghị bảo: “Thì cũng vẫn còn may, là người thân sẽ không phải chứng kiến sự ra đi ấy…”.

Khi ấy tôi chưa hiểu được rằng người Việt dường như luôn tìm được cho mình cách để đứng lên sau những mất mát, đớn đau. Đó là một đặc tính cần có để sống lạc quan hơn. Điều gì đến phải đến, lo lắng hay hoảng sợ, tuyệt vọng thì nó cũng đến cơ mà! 

Đề kháng mạnh nhất cho mỗi gia đình là sự bình tĩnh, đề kháng cần nhất là tình yêu thương và sự thông cảm, đề kháng hiệu quả nhất là tinh thần lạc quan. Phụ nữ trong nhà làm mẹ, làm vợ, làm bà ngoại bà nội sẽ là người cung cấp những kháng thể ấy cho mỗi thành viên gia đình mình. Nói thì dễ nhưng thực hiện có dễ không? Xin thưa là chúng ta vẫn làm đấy thôi và còn làm tốt là khác. 

Tết này bịt khẩu trang đi mua hoa, rửa tay sát khuẩn khi vào siêu thị và đứng cách nhau vừa đủ khi chờ tính tiền. 

Tết này vẫn nấu các món ngào ngạt thơm và cho nhiều tỏi, nhiều hành. 
Tết này mua bán trực tuyến phát huy hết công lực và nhà vẫn được trang hoàng rất xuân, rất rạng rỡ…

Tết này tạm cùng nhau ngắm pháo hoa từ cửa sổ và lan can căn hộ, cùng nhau bật sáng màn hình điện thoại hay ti vi trực tuyến, con gái ở nửa bên kia địa cầu cũng vẫn có thể hỏi: “Mẹ, dưa chua quá ngày hay mẹ bật đèn bếp quá sáng, con thấy vàng thế, mà thôi ăn với thịt kho chắc vẫn ngon…”.

Rồi qua tết một số ngày, chúng ta sẽ gặp nhau. 

Lê Lan Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI